Trong tuần qua, ngư dân ở TX Sông Cầu, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” tôm hùm của tỉnh Phú Yên ăn không ngon, ngủ không yên vì có đến 12 tấn tôm hùm lồng bỗng dưng lăn đùng ra chết, thiệt hại ước tính khoảng 20 tỷ đồng...

Ông Phan Văn Khoa (48 tuổi), ngư dân ở thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh cho biết, khoảng 1 tuần nay, nhiều người nuôi tôm phát hiện nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, đáy nước sủi bọt bốc mùi hôi thối, một số loại hải sản tự nhiên như sò, ốc cũng chết.

“Đến cả sò, ốc cũng chết thì con tôm nuôi chịu sao thấu. Ban đầu tôm chỉ chết lai rai, mấy ngày gần gần đây chết hàng loạt. Trong số hơn 500 con tôm hùm giống tôi mới thả xuống với giá mua 350.000 đồng/con đã có gần 100 con bị chết. Tôi phải chuyển số tôm hùm giống còn lại về vùng biển Bãi Trước ở thôn Từ Nham (xã Xuân Thịnh), nơi có mực nước sâu hơn, nhưng chưa biết có cứu được không”, ông Khoa than thở.

{keywords}
Ngư dân vớt tôm hùm chết

Nhiều hộ nuôi tôm khác ở đây cũng chung tình trạng như ông Khoa. “Tôi thả nuôi hơn 1.000 con tôm hùm, lúc đầu một vài con chết, sau đó số lượng tôm chết tăng dần lên hàng chục nên tôi phải di dời đến nơi khác, nước trong và sâu hơn ngăn chặn thiệt hại”, ông Phan Văn Thoa một hộ nuôi tôm khác chia sẻ

Khu vực tôm hùm chết nhiều nhất là vùng biển xã Xuân Phương. Nhiều ngư dân vội vã kéo lồng, kiểm tra tôm và vớt những con chết để bán.

{keywords}

Ngư dân kéo lồng kiểm tra tôm hùm chết

Theo bà Hồ Thị Đông ở Bãi Đồng (xã Xuân Phương), thương lái vẫn sẵn sàng thu mua tôm chết nhưng giá chỉ từ 100.000-500.000 đồng/kg tùy tôm chết sớm hoặc muộn. Nhiều người xót của phải đem đi ra bán rong khắp nơi nhằm bán được giá cao hơn để vớt vốn.

Ông Phạm Đức Thành, Chủ tịch UBND xã Xuân Phương, cho biết, những năm trước vào mùa nắng nóng, tôm hùm nuôi vẫn chết rải rác do ô nhiễm cục bộ hoặc do nước tầng đáy lạnh trong khi nước mặt nóng gây thiếu ôxy, nhưng không nhiều như thời gian vừa qua.

Chính quyền đã hướng dẫn người dân nâng các lồng nuôi tôm hùm lên tầng nước cao hơn để đảm bảo lượng ôxy cho tôm thở, vừa tránh được thiệt hại do thủy triều đỏ gây ra, vừa tránh việc thiếu ôxy do trời nắng nóng làm tầng nước mặt nóng còn tầng nước đáy lại lạnh.

{keywords}

Tôm hùm chết đổ đống

Theo báo cáo nhanh của Trạm Thú y TX. Sông Cầu, tôm hùm chết đợt này có kích cỡ 0,15 - 0,8kg/con, tỷ lệ chết 60-70%. Đến nay đã có 36 hộ nuôi tại địa phương bị chết trên 12 tấn tôm hùm, thiệt hại ước tính khoảng 20 tỷ đồng.

Tại các vùng nuôi, tôm chết không có các dấu hiệu bệnh lý lâm sàng, như bệnh sữa, đỏ thân, đen mang, long đầu,... như một số vụ nuôi trước. Thời điểm tôm chết hàng loạt, nước tại khu vực nuôi có màu đỏ, dòng chảy yếu, nước kém lưu thông,...

Theo nhận định ban đầu của các nhà chuyên môn, khu vực nuôi Xuân Phương có mật độ lồng bè dày, thời tiết nắng nóng bất thường, thức ăn tươi của tôm hùm gây ô nhiễm nặng. Hàm lượng dinh dưỡng trong nước tăng cao, dẫn đến hiện tượng tảo nở hoa (thủy triều đỏ) gây độc và tăng hàm lượng NH3, thiếu oxy cục bộ, dẫn đến tôm bị ngạt, chết hàng loạt. Hiện tại, tình trạng tôm chết hàng loạt đã giảm bớt so cách đây 3 ngày.

{keywords}

Tôm hùm chết được ngư dân chở đi bán dạo nhằm vớt vốn

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó GĐ Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết: “Cơ quan chuyên môn của tỉnh đã tiến hành lấy mẫu tôm chết và mẫu nước tại vùng nuôi Xuân Phương, Sông Cầu. Nguyên nhân chính thức phải đợi kết quả đang gửi kiểm nghiệm".

“Ngành nông nghiệp Phú Yên đã trình phương án hỗ trợ người nuôi hải sản bị thiệt hại. Trong đó, sẽ có việc hỗ trợ trực tiếp và đề nghị phía ngân hàng giãn nợ. Bên cạnh đó, thông báo cho người nuôi hải sản các vùng nuôi khác phải thường xuyên thăm lồng, cảnh giác sức khỏe tôm, kịp thời báo cáo cơ quan chuyên môn hoặc di dời, giãn mật độ nuôi để đạt hiệu quả sản xuất”, ông Nguyễn Tri Phương nói.

(Theo báo Nông nghiệp)