Một hai tuần trở lại đây, thị trường urê trên thế giới và trong nước đều tăng nhẹ. Nguyên nhân là do nguồn cung trên toàn thế giới thiếu hụt, đồng thời trong nước sắp bước vào vụ hè thu/mùa mưa.

Giá phân bón thế giới tăng

Ghi nhận tại thị trường urê thế giới gần đây cho thấy, giá urê đang dần tăng trở lại sau khi đảo chiều so với thời điểm tăng cao hồi cuối năm ngoái. Cụ thể, tại thị trường Trung Đông, giá phân urê hạt đục dao động khoảng 217 - 220 USD/tấn (giá FOB - giao lên tàu). Tại Indonesia và Trung Quốc là khoảng 223 USD/tấn. Tại thị trường Ấn Độ, giá urê khoảng 231 USD/tấn (giá CFR - đã bao gồm phí vận chuyển), Philippines ghi nhận mức giá cao hơn, lên mức 248 USD/tấn (giá CFR).

{keywords}

Dù còn thấp hơn so với khi tăng cao điểm vào tháng 1/2017, đạt khoảng 240-268 USD/tấn tuỳ thị trường nhưng so với năm 2016, mức giá này đã tăng lên đáng kể. Vào thời điểm khoảng tháng 8 - 9/2016, mức giá urê trên thị trường thế giới dao động khoảng 190-205 USD/tấn tùy thị trường.

Nhận định về xu hướng giá cả urê thời gian tới, ông Nguyễn Hạc Thúy- Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam - cho rằng: Giá urê trên thị trường thế giới có thể sẽ tiếp tục tăng bởi nhu cầu cao trong khi nguồn cung đang có xu hướng thắt chặt.

Cụ thể, ngay từ đầu năm 2017, các nhà máy của Trung Quốc đã duy trì việc cắt giảm sản lượng và chỉ hoạt động với trung bình 50% công suất, không đáp ứng đủ nhu cầu nội địa, đồng thời khiến cho lượng hàng xuất khẩu bị giới hạn và giá cao mặc dù chính phủ Trung Quốc vừa cắt giảm thuế xuất khẩu cho mặt hàng này.

Trong khi đó, do vấn đề vận chuyển nên chỉ khoảng 80% lượng hàng sản xuất tại Nội Mông và Tân Cương của quốc gia này được đưa đi khiến cho lượng hàng tồn kho lên đến 400.000 tấn. Một vài lô hàng hạt trong được chuyển từ phía Bắc xuống phía Nam để đáp ứng nhu cầu cho vụ xuân. Do đó, trong ít nhất nửa đầu năm 2017, thị trường urê Trung Quốc sẽ tăng giá bởi nguồn cung hạn chế.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất khu vực Vịnh Ba Tư (AG) cũng không có một lô hàng giao ngay nào cho tháng 1 và lô hàng đầu tiên của tháng 2 được bán với giá 265 USD/tấn FOB. Tương tự, Malaysia và Indonesia không có hàng cho tháng 1, và phải chờ ít nhất cho tới đầu tháng 2. Sự căng thẳng nguồn cung tại châu Á khiến cho các nhà buôn, nhà nhập khẩu phải mua với giá cao cho những lô hàng sẵn có.

Tại châu Âu, Ukraine từ một nước xuất khẩu urê đã buộc phải xem xét để nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác, khiến cho nguồn cung thiếu hụt trầm trọng. Thổ Nhĩ Kỳ được biết là khách hàng mua urê lớn nhất của Ukraine đã phải bù đắp bằng hàng của Iran.

Thị trường trong nước: Chuẩn bị cho vụ hè thu/mùa mưa

Theo đà tăng của thị trường urê thế giới và chuẩn bị vào vụ, thị trường urê trong nước cũng đi vào ổn định hơn những ngày gần đây. Cụ thể, giá phân đạm ở khu vực như Đông Nam bộ như sau: Urê Indonesia hạt đục khoảng 7.300đ/kg; urê Trung Quốc hạt trong khoảng 7.200đ/kg; urê hạt đục Cà Mau khoảng 7.200đ/kg; urê Phú Mỹ khoảng 7.500đ/kg…

Một điểm đáng chú ý nữa là cuối tháng 12/2016, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã thông báo tăng giá bán than từ 1/1/2017. Trong đó, than cục tăng 300.000 đồng/tấn, than cám tăng 10%. Giá than tăng sẽ tác động lớn tới chi phí sản xuất, dẫn đến làm tăng giá thành sản phẩm của các nhà máy phân bón sử dụng nguyên liệu từ than. Bên cạnh đó, giá xăng dầu từ 18/2/2017 cũng đã tăng, xăng RON 92 tăng 504 đồng/lít, các loại dầu tăng khoảng 300 đồng/lít, việc này cũng sẽ tác động tới chi phí sản xuất, vận chuyển mặt hàng phân bón.

Các chuyên gia đánh giá, dưới áp lực của giá thế giới, tăng các chi phí liên quan và bước vào cao vụ, nhìn chung thị trường urê sẽ sôi động và có thể tăng nhẹ thêm trong vòng 2 tuần tới. Tuy nhiên, nhìn chung nguồn cung từ các nhà máy trong nước tương đối ổn định, nên sẽ ít có tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp.

Nguyễn Duyên