Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài có những bước đi đầu tiên trong kế hoạch ngàn tỷ chinh phục một lĩnh vực mới. Cổ phiếu MWG lên mức cao kỷ lục. Ông Tài tiếp tục giàu chưa từng có.

CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động của ông trùm bán lẻ điện thoại di động và điện máy vừa có thông báo đăng tuyển dược sĩ đầu tiên. Thông tin được đăng trên một trang web chuyên tuyển dụng nhân viên y tế với nội dung tìm kiếm dược sĩ cho khu vực TP.HCM.

Như vậy, đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Thế Giới Di Động đã bắt đầu bước chân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới. Trước đó, kế hoạch này đã được công bố và được cổ đông thông qua hồi tháng 8.

Theo kế hoạch, Thế Giới Di Động sẽ chi 2,5 ngàn tỷ đồng để mua lại chuỗi điện máy và dược phẩm.

{keywords}

Hồi đầu tháng 9, sau nhiều đồn đoán, thương vụ M&A giữa CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động và hệ thống điện máy Trần Anh (TAG) cũng đã đi tới hồi kết. Đây là một cú huých giúp Thế Giới Di Động đang đẩy mạnh chinh phục thị trường miền Bắc sau khi đã nổi danh trong lĩnh vực bán lẻ sản phẩm công nghệ miền Nam.

Với bước tấn công mới vào lĩnh vực dược phẩm, giới đầu tư kỳ vọng MWG sẽ có những bước tiến đột phá mới sau khi tăng trưởng thần tốc trong vài năm gần đây với giá cổ phiếu tăng gấp 5-7 lần.

Hiện tại, MWG đang có mức giá cao kỷ lục: 128.500 đồng/cp, tăng gần gấp đôi trong vòng 1 năm qua.

Tốc độ tăng giá rất mạnh của cổ phiếu MWG giúp rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước thu được lợi nhuận cao. Cổ phiếu MWG đã giúp quỹ Pyn Elite Fund (trước có tên là Mutual Fund Elite) thắng lớn hàng chục triệu trong năm 2017.

Trước đó, ông Nguyễn Đức Tài cho biết đã tiếp xúc với nhiều chuỗi cửa hàng dược phẩm. Kế hoạch mua lại chuỗi dược phẩm cũng đã sẵn sàng.

Sự bứt phá của MWG cũng như nhiều cổ phiếu trụ cột khác trên thị trường chứng khoán như Vinamilk (VNM), Sabeco (SAB), Vingroup (VIC), Hòa Phát (HPG), Masan (MSN)… trong thời gian vừa qua là động lực chính giúp các chỉ số chứng khoán tăng vọt. VN-Index liên tục lập đỉnh cao mới trước sự ngỡ ngàng của các nhà đầu tư.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục mang đến sức mạnh cho thị trường cho dù vẫn đang chịu áp lực chót lời. Vpbank (VPB), ACB, Vietcombank (VCB)… đều đang nằm trong xu hướng tăng giá khá ấn tượng nhờ kết quả và triển vọng kinh doanh tốt.

Nhóm bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng như HPG, HSG, DXG… đều vững giá ở mức cao kỷ lục.

Các cổ phiếu đầu ngành khác như GAS, MSN, VJC, PLX, PNJ, FPT… cũng giữ được mức giá cao cho dù áp lực chốt lời vẫn đang diễn ra sau một thời gian dài tăng liên tục.

Về tổng thể, thị trường chứng khoán được đánh giá có triển vọng dài hạn vẫn khá tích cực. Quy mô và chất lượng sẽ còn tăng mạnh và đây là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trên thế giới.

Quy mô thị trường được dự báo không chỉ tăng mạnh theo kế hoạch thoái vốn nhà nước mà còn theo những chính sách mới thúc đẩy thị trường. Theo kế hoạch, Bộ Tài chính sẽ triển khai giải pháp mới trong đó có quy định các doanh nghiệp chưa là công ty đại chúng cũng phải lên sàn UPCOM.

Hiện tại, TTCK đang ở đỉnh cao 10 năm, áp lực chốt lời là rõ ràng, nhất là khi VN-Index chạm đến ngưỡng tâm lý 830 điểm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, lực chốt lời là không quá mạnh khi mức giảm điểm chỉ là rất nhẹ.

Điểm tích cực là dòng tiền có dấu hiệu gia tăng. Đây là yếu tố được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường trong các phiên tiếp theo. Thanh khoản tăng mạnh, tập trung nhiều tại các công ty đồng loạt công bố KQKD quý 3 với kết quả tương đối khả quan như VPB, DXG, PDR, FPT và ngành chứng khoán, bất động sản.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/10, VN-index giảm 0,57 điểm xuống 827,72 điểm; HNX-Index giảm 0,42 điểm xuống 109,43 điểm. Upcom-Index giảm 0,16 điểm xuống 54,24 điểm. Thanh khoản đạt 257 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt gần 5,6 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.

H. Tú