Tiền gửi ngoại tệ đang có dấu hiệu tăng trở lại trong quí 3 năm nay, dù trần lãi suất huy động ngoại tệ vẫn đang được áp dụng ở mức 0%. Diễn biến này gây lo ngại có thể ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối trong thời gian tới.

Bất ngờ trong quí 3

Sau khi sụt giảm mạnh trong năm 2016 và tiếp tục giảm trong sáu tháng đầu năm nay, tiền gửi ngoại tệ tại các ngân hàng có dấu hiệu tăng trở lại trong quí 3. Mặc dù không được công bố định kỳ, nhưng nếu theo dõi số dư huy động vốn ngoại tệ từ báo cáo tài chính của các ngân hàng cũng như số liệu thống kê ở hai địa bàn chiếm tỷ trọng chủ yếu là TPHCM và Hà Nội, có thể phần nào thấy được bức tranh diễn biến tiền gửi bằng ngoại tệ trong thời gian gần đây.

Trong sáu tháng đầu năm nay, tiền gửi ngoại tệ tiếp tục xu hướng sụt giảm. Số liệu thống kê tại địa bàn Hà Nội và TPHCM cho thấy huy động vốn ngoại tệ lần lượt giảm 2,36% và 1,07% so với đầu năm nay. Tuy nhiên, trong ba tháng liên tiếp của quí 3 vừa qua, tại TPHCM, địa bàn tập trung phần lớn giới đầu tư kinh doanh tiền tệ và dân cư có mức độ găm giữ ngoại tệ cao cũng như có khả năng chuyển dịch sang nắm giữ ngoại tệ một cách nhanh chóng, thì tiền gửi ngoại tệ có dấu hiệu tăng nhanh trở lại. Cụ thể, huy động vốn ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn TPHCM đến cuối tháng 7 tăng 2,76% so với đầu năm, đến tháng 8 tăng lên 4,19% và con số của tháng 9 là 6,25%. Địa bàn Hà Nội cũng có diễn biến tương tự khi huy động vốn ngoại tệ đến cuối tháng 9 đã tăng trở lại ở mức cao 6,9% so với đầu năm nay.

Còn nếu so với cùng kỳ năm 2016 thì tiền gửi ngoại tệ tại TPHCM thời điểm tháng 6 vẫn còn giảm 2,67%, nhưng đến tháng 7 đã tăng nhanh lên 6,28%, tháng 8 là 7,38% và ước đến cuối tháng 9 là 11,43%.

{keywords}

Tiền gửi ngoại tệ có dấu hiệu tăng trở lại, gây lo ngại có thể ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối thời gian tới.

Mặc dù thị trường ngoại hối vẫn ổn định nhưng con sóng ngầm tiền gửi ngoại tệ cho thấy tâm lý của người gửi tiền đã bắt đầu có dấu hiệu thay đổi. Điều này nếu tiếp tục diễn ra thì tất yếu sẽ có những tác động tiêu cực lên cung - cầu ngoại tệ và gây áp lực lên tỷ giá trong thời gian tới.

Kỳ vọng gì khi nắm giữ ngoại tệ?

Nguồn vốn ngoại tệ tại các ngân hàng hiện nay chủ yếu là đồng đô la Mỹ. Trên thị trường quốc tế, đô la Mỹ đã giảm giá đáng kể so với các ngoại tệ khác trong chín tháng qua, nhưng trong nước vẫn tăng giá nhẹ so với tiền đồng theo tỷ giá trung tâm niêm yết hàng ngày của Ngân hàng Nhà nước. Tuy tỷ giá vẫn tương đối ổn định, nhưng những kỳ vọng gần đây cho thấy khả năng tiền đồng sẽ chịu áp lực trượt giá trong những tháng cuối năm nay, nhất là khi đồng đô la Mỹ sẽ sớm phục hồi trở lại trên thị trường quốc tế khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất thêm một lần nữa trong tháng 12 năm nay và đã bắt đầu giảm quy mô mua trái phiếu từ tháng 10 này.

Hiện tại trong nước cũng có những áp lực đáng chú ý, như cán cân thương mại lũy kế vẫn thâm hụt, xu hướng tăng trưởng tín dụng ngoại tệ liên tiếp lên mức cao hơn từ đầu năm đến nay, cũng như động thái thoái vốn và bán ròng đáng lưu ý của nhà đầu tư nước ngoài trong những ngày gần đây trên thị trường chứng khoán, do đó càng kích thích tâm lý nắm giữ ngoại tệ trở lại cho giai đoạn cuối năm.

Ngoài ra, cũng do đồng đô la Mỹ giảm mạnh so với các đồng tiền khác trên thị trường quốc tế nhưng lại tăng giá nhẹ so với tiền đồng ở thị trường trong nước, vô hình trung, tiền đồng có những thời điểm bị giảm giá khá mạnh so với các ngoại tệ khác khi áp dụng cơ chế tính theo tỷ giá chéo. Điều này đã thúc đẩy một bộ phận nhà đầu tư chuyển sang nắm giữ các loại ngoại tệ khác để đầu tư, do đó phần nào tác động đến số dư ở các loại tiền gửi ngoại tệ khác của các ngân hàng ngoài đô la Mỹ.

Với việc lãi suất tiền gửi kỳ hạn một năm lĩnh lãi cuối kỳ của tiền đồng hiện nay bình quân ở 7%, tức một quí là 1,7% và một tháng là 0,58%, thì tỷ giá chỉ cần tăng 2% trong thời gian còn lại của năm nay cũng giúp các nhà đầu tư chuyển sang lướt sóng trên thị trường ngoại hối kiếm lợi tốt hơn gửi tiết kiệm tiền đồng. So với đầu năm nay, tỷ giá trung tâm chỉ mới tăng 1,4%, tuy nhiên tỷ giá mua bán trên thị trường tự do lại giảm từ 1,5-1,7%. Nếu tỷ giá rơi vào tình trạng chịu áp lực thì thị trường tự do có thể biến động mạnh từ 5-6% là điều bình thường, khi đó nhà đầu tư nào chọn đúng thời điểm chốt lời sẽ kiếm được lợi nhuận đáng kể.

Mặc dù thị trường ngoại hối vẫn ổn định nhưng con sóng ngầm tiền gửi ngoại tệ cho thấy tâm lý của người gửi tiền đã bắt đầu có dấu hiệu thay đổi.

(Theo TBKTSG)