Những bước đi chưa từng có và bất định của tổng thống Mỹ Donald Trump khiến cả thế giới ngóng chờ kết quả cuộc họp lịch sử. Trung Quốc chờ thỏa thuận “để đời” của ông Trump, trong khi ông Putin vẫn ám ảnh vì cú sốc lịch sử. 

Vũ khí ngầm nguy hiểm: Donald Trump làm căng, Trung Quốc dọa kích hoạt

Thế giới chao đảo

Giá dầu thô trên thị trường thế giới trong phiên cuối tuần 23/11 lao dốc không ngừng, giảm hơn 5% xuống mức thấp nhất một năm qua. Tại sàn giao dịch hàng hóa New York, giá dầu Mỹ (WTI) giao trong tháng 1/2019 giảm 5,3% còn 51,7 USD/thùng, trong khi dầu Brent Biển Bắc giảm 3,3% còn 60,5 USD/thùng.

Đây là diễn biến trái ngược hoàn toàn với trước đó hơn 1 tháng.

Trong tuần đầu tháng 10, thế giới chao đảo vì giá dầu thế giới tăng dồn dập lên 97 USD/thùng (Brent) và 75 USD/thùng (WTI). Nhiều dự báo lo ngại dầu WTI sẽ tăng lên mức 100 USD, thậm chí đã từng có những nhận định cho rằng giá dầu lên 300 USD/thùng không phải là "điều bất khả thi".

Tuy nhiên, thực tế cho thấy giá dầu bùng lên nhanh chóng rồi lụi tàn. Thế giới không còn lo ngại nguồn cung dầu thô sẽ tụt giảm sau khi Mỹ trừng phạt Iran sau sự thay đổi quyết định của ông Trump. Giới đầu tư cũng không mấy e dè về OPEC khi mà nước dẫn dắt tổ chức này - Saudi Arabia được dự báo sẽ khó có thể từ chối các đề nghị của ông Trump sau vụ việc sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. 

{keywords}
Dầu khí giảm giá: Nỗi ám ảnh của tổng thống Nga Putin năm 2015-2016.

Giá dầu đã giảm không ngừng từ giữa tháng 10 cho đến này do lo ngại nguồn cung dư thừa. Triển vọng của kinh tế thế giới gần đây bị đánh giá không còn sáng sủa do nhiều yếu tố trong đó có cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc.

Nó khiến OPEC lo ngại thời kỳ đen tối của thị trường dầu thô từ năm 2013 đến 2015 có thể sẽ tái diễn. Đó là khoảng thời gian mà giá dầu lao dốc từ mức trên 100 USD/thùng xuống còn 30 USD/thùng do cuộc chiến dầu khí khi mà sản lượng dầu thô Mỹ tăng mạnh nhờ dầu khí đá phiến.

Một lần nữa, nước Nga của tổng thống Vladimir Putin lại phải lo lắng. Cuối 2015 và đầu 2016, giá dầu xuống thấp kỷ lục khiến Nga gần cạn kiệt tiền dự trữ, đồng ruble tụt dốc kỷ lục.

Xu hướng giá dầu tụt giảm mạnh trong hơn 1 tháng qua khiến nhiều quốc gia lo lắng, trong đó có Nga và một loạt nước OPEC. Không chỉ vì tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại, Mỹ tăng nguồn cung, các thành viên OPEC gặp nhiều trục trặc... mà giá dầu được cho là đang nằm trong xu hướng giảm dài hạn và có thể xuống... 10 USD/thùng khi mà nền kinh tế thế giới đang hướng tới một kỷ nguyên mà ở đó xe điện có thể sẽ thống trị. Gần đây, hàng loạt tập đoàn lớn, trong đó có Tesla của Elon Musk... ồ ạt đầu tư vào lĩnh vực xe điện.

Giá pin gần đây có xu hướng giảm làm cho xe điện có tính cạnh tranh hơn nhiều. Và xe điện  khoảng 1 thập kỷ tới có thể sẽ rẻ hơn các loại xe chạy bằng xăng hoặc dầu diesel. Quá trình này có thể sẽ nhanh hơn nhờ chính sách từ các chính phủ, rậm rịch tại Trung Quốc, Ấn Độ,... Xu hướng chấp nhận xe điện trên phạm vi lớn có thể sẽ khiến giá dầu vĩnh viễn nằm ở mức thấp.

Ngóng chờ chính sách Donald Trump

Theo CNBC, trong một phát biểu gần đây, ông Donald Trump khẳng định, giá dầu giảm “là nhờ tôi”. Theo đó, ông Trump khẳng định giá dầu giảm từ đỉnh 4 năm (lập hồi tháng 10) là nhờ ông “đã đồng ý cho một số nước tiếp tục nhập dầu". 

{keywords}
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận là người có công kéo giá dầu giảm.

Nguyên nhân được vị tổng thống thứ 45 của Mỹ giải thích là do “không muốn giá dầu lên 100 USD hay 150 USD/thùng”. Ông không ưa sự độc quyền ở “một tổ chức độc quyền như OPEC”. Trước đó, Mỹ đã tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran nhưng sau đó cho phép 8 nước được tiếp tục nhập dầu từ Iran trong 180 ngày mà không bị Mỹ trừng phạt.

Ông Trump cũng đã kêu gọi đồng minh Saudi Arabia nâng sản lượng và ngăn giá dầu tăng cao.

Trên thực tế, không phải bây giờ mà từ khi tranh cử, thậm chí cả trước đó, ông Donald Trump có những phản đối mạnh mẽ về nhiều vấn đề, trong đó có: giá dầu cao, một đồng USD mạnh, một đồng Nhân dân tệ yếu và vấn đề thâm hụt thương mại với Trung Quốc…

Hàng loạt đòn thuế tấn công của ông Trump vào hàng hóa Trung Quốc gần đây khiến Bắc Kinh có những thay đổi lớn về cách tiếp cận với Mỹ. Trung Quốc đang hy vọng Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina ngay trong tuần mới sẽ mang đến những sự hợp tác mới.

Trong khi ông Trump cũng cho biết, ông “đã chuẩn bị cả đời cho một thỏa thuận với Trung Quốc”. Cả tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều đã phát đi tín hiệu rằng họ đã sẵn sàng chuẩn bị cho cuộc gặp bên lề G20.

Mặc dù vậy, những bước đi chưa từng có và bất định của tổng thống Mỹ Donald Trump trong thời gian gần đây khiến mọi thứ đều rất khó đoán định, ngay cả khi ông Trump tuyên bố hùng hồn muốn hợp tác với Trung Quốc.

{keywords}
Cuộc chiến Mỹ - Trung là điều thế giới quan tâm hàng đầu

Cả thế giới ngóng chờ kết quả cuộc họp lịch sử vào cuối tháng này. Trung Quốc chờ thỏa thuận “cả đời” của ông Trump. Trong khi đó, tổng thống Nga Putin dường như cũng hồi hộp không kém, khi mà những ám ảnh về cú sốc giá dầu lịch sử hồi năm 2015 vẫn còn.

Trong khi Trung Quốc muốn thoát ra khỏi sự tấn công của Mỹ, thì OPEC và Nga cũng sẽ phải bàn thảo về giá dầu sớm hơn dự định. Nhiều khả năng, OPEC sẽ cùng nhóm họp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires trước cuộc họp chính thức vào ngày 6/12/2018.

Cuộc gặp bền lề này có lẽ sẽ không hề kém quan trọng một chút nào bởi ở ngay gần đó có sự hiện diện của cả tổng thống Mỹ, Nga và chủ tịch Trung Quốc. Cuộc họp trù bị này được đánh giá có tính quyết định với giá dầu năm 2019.

Trong thời gian gần đây, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Tổng thống Nga Putin đã có sự hợp tác khá tốt để quản lý thị trường dầu. Nga và Saudi Arabia là những nhà cung cấp dầu lớn và do vậy không ai muốn giá dầu giảm. Nhưng Mỹ thì không hẳn như vậy, còn Saudi Arabia cũng không muốn giảm thị phần và lại đang mang ơn Nhà Trắng nhẹ tay sau vụ sát hại nhà báo Washington Post.

Dường như chỉ có ông Putin là thực sự lo ngại nếu giá dầu giảm nhanh.

Còn với Trung Quốc, giá dầu giảm là một điều tốt cho nền kinh tế số 2 thế giới. Nhưng ở vào thời điểm hiện tại, điều mà Bắc Kinh quan tâm nhất là thỏa thuận với chính quyền ông Trump, là thỏa thuận mà ông Trump đã “chuẩn bị cả đời”, nhưng mọi thứ vẫn khá bất định.

Nhiều khả năng, Thái tử Mohammed của Saudi Arabia sẽ khó từ chối đề nghị giảm giá dầu của ông Trump, cho dù chính Saudi Arabia là nước kêu gọi OPEC cắt giảm nguồn cung dầu mỏ với mức cắt giảm 1,4 triệu thùng/ngày.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), trong năm 2019, cung dầu sẽ vượt cầu do sản xuất tăng lên (một phần do dầu khí đá phiến của Mỹ), trong khi nhu cầu giảm do tăng trưởng kinh tế chậm lại ở nhiều nước.

Với những bước đi như vậy, ông Trump dường như đang đẩy Nga và Saudi Arabia vào thế khó. Mặc dù vậy, ở vào thời điểm hiện tại, mũi dùi của ông Trump không nhắm chính vào nước Nga của ông Putin, mà là Trung Quốc.

OPEC, Nga và ngay cả Mỹ - quốc gia sản xuất dầu số một thế giới hẳn cũng không muốn giá dầu giảm sâu. Điều này có nghĩa, Mỹ và OPEC có thể sẽ đạt được một thỏa thuận cân bằng, với mức cung dầu mà theo Morgan Stanley dự báo ở mức trên 50 USD/thùng. Nhưng điều quan trọng hơn vẫn là kết quả của cuộc gặp mặt cấp cao Mỹ - Trung bên lề G20. Một cuộc chiến thương mại sâu rộng sẽ tác động lớn tới kinh tế thế giới, và đương nhiên sẽ nhấn chìm giá dầu.

HD

Gặp khó vì Donald Trump: Biểu tượng Trung Quốc tụt dốc, điều tồi tệ ở phía trước

Gặp khó vì Donald Trump: Biểu tượng Trung Quốc tụt dốc, điều tồi tệ ở phía trước

Hàng loạt biểu tượng của Trung Quốc lao dốc. Kỷ nguyên tăng trưởng ngoạn mục dường như đã chấm dứt sau sự xuất hiện của ông Donald Trump. Một tầng lớp đang vật lộn với "giấc mơ Trung Quốc" và bị lựa chọn trở thành vật hy sinh.