30 tỷ đồng là số tiền mà nhạc sỹ Hà Dũng - ông chủ của Hãng hàng không Indochina Airlines đã phá sản còn nợ công ty nhiên liệu Skypec. Còn Air Mekong hiện vẫn nợ ACV gần 26 tỷ đồng, phát sinh từ hợp đồng cung cấp dịch vụ cất/hạ cánh, bãi đỗ…

Công ty Cổ phần Hàng không Đông Dương (Indochina Airlines) được cấp phép thành lập tháng 5/2008, vốn điều lệ 200 tỷ đồng, do nhạc sỹ Hà Dũng làm Tổng Giám đốc điều hành.

Indochina Airlines cất cánh đúng vào ngày sinh nhật của nhạc sĩ Hà Dũng là 25/11/2008. Đây là hãng hàng không tư nhân đầu tiên ở Việt Nam cất cánh (mặc dù hãng này được cấp phép sau Vietjet Air - PV).

Sau 1 năm bay thương mại, do gặp nhiều khó khăn về tài chính nên Indochina Airlines đã ngừng hoạt động vào cuối năm 2009 với khoản nợ nần lên tới 70 tỷ đồng.

{keywords}

Indochina Airlines nợ đầm đìa sau phá sản

Công ty TNHH Một thành viên Nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec) trước đây là Công ty Xăng dầu hàng không Việt Nam - Vinapco do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ - cho biết: Đến thời điểm này, hãng hàng không đã phá sản Indochina Airlines vẫn còn nợ 30 tỷ đồng tiền nhiên liệu bay.

“Nợ nần của Indochina Airlines phát sinh từ năm 2009 nhưng Skypec không đòi được nợ. Thời điểm đó công ty cũng không thể ngừng cung cấp xăng dầu vì sẽ bị quy vào lỗi làm gián đoạn hoạt động vận tải hàng không” - lãnh đạo Skypec nói.

Trước nguy cơ mất vốn Nhà nước, cuối năm 2010, Skypec đã khởi kiện Indochina Airlines ra Tòa án kinh tế Hà Nội. Trong phiên xét xử đầu tiên nhạc sĩ Hà Dũng vắng mặt, cũng không uỷ quyền cho người đại diện tham dự. Hồ sơ vụ việc đã được chuyển vào tòa án kinh tế phía Nam - nơi nhạc sỹ Hà Dũng sinh sống, nhưng cũng “vô tác dụng”.

Được biết, từ thời mang tên Vinapco đến nay là Skypec, công ty nhiên liệu này đã 3 lần đổi lãnh đạo nhưng vẫn không đòi được công nợ 30 tỷ đồng từ Indochina Airlines.

Ngoài Indochina Airlines, Air Mekong - Hãng hàng không mang tên “Sếu đầu đỏ” do ông Đoàn Hữu Việt - chủ tập đoàn BIM sáng lập cũng trong cảnh nợ nần đầm đìa sau phá sản.

{keywords}

Hãng hàng không mang tên "Sếu đầu đỏ" Air Mekong cũng bị "khai tử" do không đủ năng lực kinh doanh hàng không, hiện hãng này vẫn nằm trong danh sách nợ xấu của ACV

Hãng này được cấp phép kinh doanh vận tải hàng không tháng 10/2008 và chuyến bay đầu tiên cất cánh ngày 9/10/2010. Air Mekong xin tạm ngừng khai thác từ ngày 1/3/2013 với lí do tái cơ cấu đội tàu bay. Tuy nhiên, do không đủ năng lực kinh doanh nên Bộ GTVT đã quyết định “khai tử” Air Mekong khỏi thị trường hàng không Việt Nam vào đầu năm 2014.

Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cho hay, Air Mekong là một trong 19 khách hàng nằm trong danh sách nợ xấu của ACV. Air Mekong hiện vẫn nợ ACV gần 26 tỷ đồng, phát sinh từ hợp đồng cung cấp dịch vụ cất/hạ cánh, bãi đỗ…

Mặc dù số nợ của Air Mekong và Indochina Airlines không lớn so với quy mô doanh nghiệp, nhưng ACV và Skypec cho rằng đây là nợ phải thu để đảm bảo tài sản, vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia hàng không, thị trường hàng không nội địa Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng và cơ hội để cho các nhà khai thác kinh doanh. Tuy nhiên, hoạt động vận chuyển hàng không phụ thuộc vào rất nhiều vào vấn đề vốn, nhân lực, hoạt động theo quy trình nghiêm ngặt và phải chịu lỗ trong 1 thời gian dài.

Bên cạnh đó, các hãng hàng không phải có khả năng “chịu đựng” biến động về kinh tế trong nước và thế giới, bởi dù khai thác thị trường nội địa nhưng khi tình hình thế giới có biến động thì sẽ bị ảnh hưởng, trong đó hàng không sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên.

(Theo Dân trí)