- Từ 23 – 24/11/2017, Hội nghị Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng ASEAN lần thứ 47 đã họp tại Đà Nẵng - Việt Nam.

Hội nghị lần này tập trung thảo luận các vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các ngân hàng trong khu vực, trong đó có phát triển tài chính bền vững, tài chính toàn diện, ứng dụng công nghệ hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực ngân hàng… và đưa ra các sáng kiến hợp tác cùng với các kế hoạch hành động triển khai.

{keywords}
Hội nghị Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng ASEAN lần thứ 47 đã được tổ chức thành công

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Lương Minh, Tổng Thư ký ASEAN, đã nhấn mạnh rằng trong khuôn khổ Kế hoạch Tổng thể xây dựng ASEAN 2025, tiền đề hình thành AEC 2015 đã xây dựng Kế hoạch hành động chiến lược 2016 – 2015, nêu bật ba trụ cột chính: hội nhập tài chính, tài chính bao trùm và ổn định tài chính.

Theo đó, hội nhập tài chính được hướng dẫn bởi Khuôn khổ Hội nhập Ngân hàng ASEAN (ABIF) và đối với tài chính bao trùm là Khuôn khổ Tài chính Bao trùm ASEAN. Tài chính toàn diện số được coi là tiền đề quan trọng cho sự phát triển này. Nhận thấy được cả lợi ích và thách thức đến từ FinTech và số hóa, văn bản hướng dẫn về dịch vụ tài chính số đang được xây dựng và sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các quốc gia Thành viên ASEAN để xây dựng và nâng cao hệ sinh thái tài chính số ở cấp quốc gia. Văn bản hướng dẫn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các giao dịch không dùng tiền mặt và chỉ ra những yếu tố chính tạo ra môi trường pháp lý cho các dịch vụ tài chính số nhằm đáp ứng sự phát triển của công nghệ số và các đổi mới tài chính trong khu vực. 

Đại diện Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã kêu gọi các ngân hàng ASEAN tiếp tục tăng cường cam kết, hợp tác nhằm thúc đẩy hội nhập tài chính và hình thành sự kết nối hiệu quả với khối tư nhân trong khu vực.

Ông Phan Đức Tú - Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết trong việc hợp tác chặt chẽ giữa các hiệp hội ngân hàng thành viên vì mục tiêu chung của Hiệp hội Ngân hàng ASEAN.

Theo ông Tú, một chu kỳ tăng trưởng mới trong ngành ngân hàng đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề cần giải quyết: làm thế nào để liên kết, sử dụng lợi thế của nhau… để đưa ra nhiều phương thức cung cấp dịch vụ mới, sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội; làm thế nào để đào tạo và phát triển nhân lực chất lượng cao, phù hợp với kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo và yêu cầu quản trị rủi ro trong môi trường kinh doanh nhiều biến động. Vai trò của ngành ngân hàng trong khu vực ASEAN càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết bởi các ngân hàng sẽ vừa phải đảm nhiệm trọng trách làm cầu nối trong các nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh mới, vừa phải đảm bảo rằng lĩnh vực ngân hàng tiếp tục hoạt động trên cơ sở lành mạnh, quản trị tốt và bền vững để đối phó với các rủi ro tiềm tàng.  

Hạnh Nguyên