- Hàng loạt các doanh nghiệp vừa công bố kết quả kinh doanh nửa đầu 2016 với lợi nhuận tăng đột biến. Đây là một tín hiệu tốt trong bối cảnh khu vực kinh tế tư nhân được kỳ vọng là đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế trong tương lai.


Lợi nhuận tăng vọt

Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cho biết sẽ chi khoảng 1.100 tỷ đồng tiền mặt chia cổ tức 2015 với tổng tỷ lệ 30% trong đó 15% bằng tiền và 15% bằng cổ phiếu. Đây là mức cổ tức cao so với mặt bằng chung nhưng có lẽ sẽ không thấm tháp gì nếu so với triển vọng cổ tức trong năm 2016 của chính DN này.

HPG của đại gia giàu thứ 2 trên TTCK Trần Đình Long vừa cập nhật tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016 với lợi nhuận tăng đột biến.

{keywords}
Nhiều DN có doanh thu và lợi nhuận tăng đột biến trong nửa đầu 2016.

Trong quý II/2016, HPG lãi hơn 2 ngàn tỷ đồng, gấp đôi so với so với mức lãi quý cao nhất mà DN này từng đạt được. Tính trong 6 tháng, HPG ước đạt 15,4 ngàn tỷ đồng doanh thu và 3 ngàn tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

CTCP Hùng Vương (HVG) của vua thủy sản Dương Ngọc Minh cũng vừa công bố lợi luận sau thuế quý III/2016 (niên độ tài chính 01/10 đến 30/09) đạt hơn 226 tỷ đồng, tăng hơn 16 lần so với cùng kỳ năm trước.

CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) công bố lợi nhuận quý II/2016 đạt 120 tỷ đồng, cao nhất trong 6 năm. Cầu đường CII (LGC) lãi gần 60 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ. Bóng đèn Rạng Đông (RAL) có lợi nhuận gấp 5 lần cùng kỳ, hoàn thành 95% kế hoạch năm. Sonadezi Long Thành (SZL) chứng kiến lãi tăng gấp 2,7 lần. CTCP Phát triển KCN Tín Nghĩa quý II lãi gấp 5 lần cùng kỳ. Kim khí TP.HCM 6 tháng đạt 82% kế hoạch năm; Ptramesco (KKC) 6 tháng lãi cao gấp 6 lần kế hoạch cả năm 2016…

Cho tới thời điểm này, hầu hết các DN niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm đều có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng tích cực. Nhiều DN hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm ngay trong 6 tháng đầu năm. Không ít DN chứng kiến kết quả kinh doanh tốt nhất kể từ khi niêm yết.

Số lượng các DN báo lỗ hoặc lợi nhuận suy giảm khá ít, chỉ tập trung vào một số DN liên quan tới lĩnh vực tài chính, dầu khí và có vốn vay liên quan tới biến động tỷ giá.

Tín hiệu ấm lên của kinh tế

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, trưởng phòng mối giới chi nhánh TP.HCM CTCK Vndirect, nhiều công ty niêm yết báo cáo kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý II cũng như 6 tháng đầu năm và đây là tín hiệu tốt cho TTCK.

{keywords}
Thị trường BĐS ấm trở lại kéo theo sự tăng trưởng của DN trong nhiều ngành.

Trong trường hợp Hòa Phát, lợi nhuận tăng đột biến đến từ sự tăng trưởng bùng nổ của doanh thu. Theo chia sẻ từ chủ tịch HĐQT, ông Trần Đình Long, Hòa Phát đã nhập khẩu đủ nguyên liệu quặng cho cả năm 2016, và đang tiến hành kí hợp đồng cho năm 2017. Từ đó kì vọng biên lợi nhuận gộp đạt mức rất cao 25% trong 6 tháng đầu năm 2016 sẽ tiếp tục được duy trì cho giai đoạn tới.

Công ty cho biết đang cân nhắc mở rộng nhà máy thép hiện có, nếu tiến hành mở rộng, thì nhà tổng công suất có thể gấp 2-3 lần hiện tại, nghĩa là khoảng từ 4-6 triệu tấn/ năm (so với mức 2 triệu tấn hiện nay).

Hùng Vương (HVG) của Dương Ngọc Minh có doanh thu tăng trưởng nhờ tăng trưởng thị trường nội địa. Doanh thu riêng mảng thủy sản trong 9 tháng của HVG (niên độ kết thúc tháng 9 hàng năm) tăng gấp 2,5 lần. Trong khi đó, doanh thu xuất khẩu cũng tăng mạnh. Cụ thể, doanh thu xuất khẩu tăng từ 3.315,6 tỷ lên 4.696 tỷ đồng và doanh thu nội địa đạt 10.353,6 tỷ, tăng mạnh so với con số 8.631 tỷ đồng.

Nhiều DN BĐS, BĐS công nghiệp, sắt thép vật liệu xây dựng như An Dương Thảo Điền (HAR), Nam Long (NLG), Sudico (SJS), Vinaconex 3 (VC3), Kinh Bắc (KBC), Gang Thép Thái Nguyên, Thép Nam Kim (NKG), Nhựa Đồng Nai, Vicostone (VCS), Thép SMC, Xi măng Hà Tiên, Nhựa Tiền Phong, Tôn Hoa Sen… chứng kiến lợi nhuận tăng đột biến nhờ doanh thu tăng mạnh trong bối cảnh thị trường BĐS ấm lên.

Không chỉ nhờ doanh thu tăng mạnh, rất nhiều DN niêm yết trên sàn, nhất là các DN có liên quan tới thị trường BĐS chứng kiến lợi nhuận tăng đột biến trong quý II và 6 tháng đầu năm 2016 nhờ giá vốn giảm sâu.

Thép Nam Kim vượt chỉ tiêu lợi nhuận năm sau 6 tháng, lãi quý II gấp 5,2 lần cùng kỳ 2015 nhờ giá vốn hàng bán giảm sâu, chỉ tăng 40% trong khi doanh thu tăng 65%. Bên cạnh đó, DN thép còn hưởng lợi từ chính sách tự vệ với thép nhập khẩu, nên giá thép trong nước tăng trong khi giá nguyên liệu quặng đầu vào vẫn ở mức thấp.

Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm, rất nhiều DN có kết quả kinh doanh tốt. Lý do có nhiều, trong đó chủ yếu nhờ sự tăng trưởng của thị trường nội địa khiến doanh thu của các DN tăng cao, trong khi đó chi phí không tăng thậm chí còn giảm. Một số DN tái cấu trúc thành công…

Lợi nhuận tốt cũng đã phản ánh vào giá. Nhiều cổ phiếu tăng vài ba lần trong vài tháng gần đây, giúp túi tiền của các đại gia tăng mạnh. Tuy nhiên, đại diện một CTCK tại TP.HCM cho rằng, sự tăng trưởng về lợi nhuận của nhiều DN còn mang tính nhất thời. Khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn khá nhỏ bé, yếu thế trước hội nhập. Ngay cả “ông lớn” như Hòa Phát cũng đã từng tự thừa nhận DN hàng đầu này chỉ có thế mạnh trong lĩnh vực tổ chức sản xuất và phân phối những sản phẩm thô, cho số lượng nhiều.

M. Hà