Không phải là những đơn vị “trọng điểm” về thu ngân sách của ngành Hải quan, nhưng hải quan khu vực Tây Nguyên đã không ngừng nỗ lực để tăng cường số thu ngân sách, hỗ trợ DN làm thủ tục nhanh chóng, thuận tiện.

Theo báo cáo của Cục Hải quan tỉnh Đắk Lắk, chỉ tính đến 30/6/2017 toàn Cục đã thu được hơn 268 tỷ đồng, bằng 94,11% chỉ tiêu dự toán Bộ Tài chính giao (285 tỷ), bằng 58,31% chỉ tiêu phấn đấu của Cục (460 tỷ).

So với các đơn vị hải quan khác trên cả nước, số thu Cục Hải quan Đắk Lắk được giao không phải là lớn, nhưng với đặc thù là đơn vị hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là nông sản, thuế xuất khẩu bằng 0% thì việc hoàn thành các chỉ tiêu thu ngân sách không phải là điều dễ dàng. 

{keywords}
Hải quan khu vực Tây Nguyên tăng cường tạo thuận lợi cho DN.

Ông Hồ Văn Dũng, Trưởng phòng nghiệp vụ (Cục Hải quan Đắk Lắk) cho biết hải quan Đắk Lắk quản lý thủ tục hải quan trên địa bàn 3 tỉnh là Đắk Nông, Lâm Đồng và Đắk Lắk. Ông Dũng thừa nhận rằng thu ngân sách trên địa bàn là nhiệm vụ khó khăn, nhưng nhờ sự chung sức đồng lòng từ trên xuống dưới, đi đôi với việc tạo thuận lợi cho các DN hoạt động trên địa bàn, đẩy mạnh cải cách hành chính hỗ trợ DN nên đã góp phần làm tăng thu ngân sách.

Ngoài ra, thời gian qua, cùng với quá trình đầu tư xây dựng 2 nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) và Tân Rai (Lâm Đồng), hải quan Đắk Lắk đã nỗ lực giải quyết việc thông quan máy móc phục vụ việc xây dựng 2 nhà máy này.

“Dự án nằm trong địa bàn ưu đãi nên các thủ tục giải quyết miễn thuế, tạo tài sản cố định, cơ quan hải quan giải quyết rất nhanh. Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam cũng đánh giá cao việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan nhập khẩu hàng hoá để hình thành nhà máy”, ông Hồ Văn Dũng chia sẻ.

Với việc 2 nhà máy đi vào vận hành, đại diện Cục Hải quan Đắk Lắk cho rằng với thuế xuất khẩu sản phẩm của các nhà máy này là 2% thì sẽ tạo được nguồn thu đáng kể cho ngân sách.

Trong khi đó, tại Cục Hải quan Gia Lai - Kontum, thu ngân sách 6 tháng đầu năm cũng có nhiều tín hiệu khả quan.

Theo báo cáo của Cục Hải quan Gia Lai - Kontum, tổng số thu nộp ngân sách trong kỳ lên tới hơn 312 tỷ đồng, tăng tới 248% so với cùng kỳ năm 2016, vượt 64,2% chỉ tiêu pháp lệnh giao năm 2017 là 190 tỷ đồng và đạt 63,7% chỉ tiêu giao bổ sung (490 tỷ đồng).

Các đơn vị thuộc Cục Hải quan Gia Lai - Kontum đề có mức thu ngân sách tăng cao. Cụ thể, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh thu hơn 146 tỷ đồng, tăng 200% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính là do kim ngạch nhập khẩu có thuế tăng ở một số mặt hàng gỗ nhập khẩu qua các cửa khẩu phụ, lối mở.

Còn Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Bờ Y thu được hơn 119 tỷ đồng, tăng 208% so với cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân nguồn thu của Chi cục tăng mạnh chủ yếu do thuế giá trị gia tăng mặt hàng gỗ nguyên liệu nhập khẩu qua các cửa khẩu phụ, lối mở.

Trong khi đó, Chi cục Hải quan Kon Tum thu hơn 47 tỷ đồng, tăng tới 2.250% so với cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân khiến số thu tăng mạnh là do nguồn thu từ loại hình nhập đầu tư máy móc, thiết bị tạo tài sản cố định phục vụ các dự án thủy điện trên địa bàn.

Tuy số thu 6 tháng tăng cao, nhưng bà Lê Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Gia Lai - Kontum cũng nhấn mạnh một số yếu tố ảnh hưởng đến số thu 6 tháng cuối năm. Trong đó có việc chính sách hàng hóa của Lào và Campuchia tiếp tục cấm xuất khẩu gỗ nguyên liệu, điều này làm giảm lượng hàng hóa nhập khẩu qua địa bàn 2 tỉnh do đơn vị quản lý. Mặt khác, thời gian UBND 2 tỉnh cho phép các DN nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở cũng đã hết.

Dù vậy, đại diện Cục Hải quan Gia Lai - Kontum vẫn phấn đấu đạt các chỉ tiêu thu ngân sách, đồng thời tiếp tục phối hợp với các đơn vị thu hồi nợ đọng thuế, không để phát sinh nợ đọng mới.

Hà Duy