Các ngân hàng dồn dập báo lợi nhuận ngàn tỷ. Tuy nhiên, đây có thể mới chỉ là bề nổi trong hoạt động của các ngân hàng ở vào một thời kỳ khởi sắc sau vài năm chìm ngập trong khó khăn.

Dồn dập lợi nhuận khủng

Đúng như dự báo của chính các ngân hàng từ đầu năm, lợi nhuận nửa đầu năm 2017 của hầu hết các nhà băng đều tăng trưởng rất mạnh nhờ vào hoạt động cho vay tăng trưởng tốt và nợ xấu giảm sau một thời gian dài xử lý.

Đi đầu là Vietcombank (VCB). Ngân hàng này có tốc độ tăng trưởng và con số tuyệt đối về lợi nhuận ở mức rất cao. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của Vietcombank đạt hơn 5 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ và đạt trên 53% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tính trước trích lập dự phòng, lợi nhuận của Vietcombank đạt trên 8 ngàn tỷ đồng.

{keywords}
Nhiều ngân hàng báo lợi nhuận cao.

Nếu không có gì thay đổi, Vietcombank sẽ dễ dàng vượt qua kỷ lục 9,2 ngàn tỷ đồng lợi nhuận và tiến tới ngưỡng 9,5 ngàn tỷ đồng như lãnh đạo nhà băng này đã từng dự tính ngay từ hồi đầu năm.

Với Vietinbank (CTG) đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 4,7 ngàn tỷ đồng, tăng 12% và đạt 54% kế hoạch năm. BIDV chưa công bố lợi nhuận nhưng nhiều khả năng cũng ở mức cao bởi trước đó, chưa hết nửa năm, NH này đã khoe lãi lớn với 3,2 ngàn tỷ lợi nhuận trước thuế trong 5 tháng đầu năm.

Các ngân hàng có quy mô nhỏ hơn cũng ghi nhận lợi nhuận rất cao như: Sacombank (STB) với lợi nhuận trước thuế đạt gần 430 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với cùng kỳ và đạt 73% kế hoạch năm. OCB ghi nhuận lợi nhuân hơn 490 tỷ đồng (53% kế hoạch). TPB hơn 480 tỷ đồng (62% kế hoạch). LienVietPostBank lợi nhuận trước thuế ước đạt khoảng 900 tỷ đồng (60%)…  Một số ngân hàng cũng được kỳ vọng có lợi nhuận cao là: VPBank, MBBank…

Nhìn tổng thể, hầu hết các ngân hàng có lợi nhuận trong nửa đầu năm 2017 khởi sắc và tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Với những diễn biến tích cực trên thị trường, trong đó có nỗ lực thúc đẩy kinh tế phát triển và tình hình nợ xấu đang được cải thiện, nhiều khả năng một loạt các ngân hàng sẽ tiếp tục báo cáo lợi nhuận ngàn tỷ trong cả năm 2017.

Về nguồn gốc tăng trưởng lợi nhuận, một chuyên gia trong ngành cho biết, lợi nhuận của nhiều ngân hàng tăng mạnh là nhờ hoạt động cho vay tăng trưởng mạnh. Nhiều ngân hàng đã phải xin nới room trong những tháng vừa qua.

Với Vietcombank, trong 6 tháng, tăng trưởng tín dụng lên tới 13,1%, tăng vọt so với các năm trước đó với thời kỳ còn ghi nhận tăng trưởng âm. Tăng trưởng tín dụng của Sacombank cũng ở mức cao đạt hơn 10%. TPBank cũng có mức tăng trưởng tương tự. Tính chung cả thị trường, tăng trưởng được đánh giá ở mức cao nhất trong vòng 8 năm qua, cả nước đạt 7,54%, cao hơn cùng kỳ năm 2016 (đạt 6,2%) và 2015 (đạt 6,28%).

Tiếp tục phất cuối năm?

Cùng với sự tăng trưởng ngoạn mục về lợi nhuận, cổ phiếu nhiều ngân hàng cũng tăng rất mạnh trong nửa đầu năm 2017. Cổ phiếu CTG của Vietinbank đã tăng khoảng 15% lên gần 20 ngàn đồng/cp. Sacombank tăng mạnh từ khoảng 8 ngàn đồng/cp có lúc lên tới 14.500 đồng/cp. VCB của Vietcombank treo ở mức cao hơn 38 ngàn đồng/cp…

{keywords}
Cổ phiếu ngân hàng khá hấp dẫn.

Theo Công ty Chứng khoán HSC, cổ phiếu ngân hàng có thể sẽ đối mặt với một đợt điều chỉnh trong ngắn hạn sau một đợt tăng giá mạnh lên vùng cao nhất 10 năm qua nhưng về trung và dài hạn cổ phiếu ngân không đắt nhờ triển vọng tăng trưởng trong vài năm tới.

Triển vọng của các ngân hàng khá tươi sáng là bởi nhiều ngân hàng đã trải qua một vài năm tái cấu trúc khá hiệu quả. Nhiều ngân hàng đã có thể cắt giảm chi phí tốt hoặc có những nguồn thu từ nguồn vốn khác và dịch vụ để bù đắp cho sự thiếu hụt và giảm lợi nhuận của tín dụng.

Gần đây, một loạt các ngân hàng đã vào cuộc với những bước đột phá về công nghệ và thanh toán. Nhiều ngân hàng tập trung đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng số (digital banking), trong đó có ngân hàng di động (mobile banking) để đa dạng hóa dịch vụ và tăng nguồn thu.

Nhiều ngân hàng tìm được “cửa” làm ăn khá tốt, ổn định và tăng trưởng bền vững từ hoạt động cho vay tín dụng tiêu dùng.

Một số ngân hàng đã có những chuyển biến về chiều sâu như Vietcombank. Ngân hàng này gần đây miệt mài đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro để xử lý dứt điểm nợ xấu. Quỹ dự phòng rủi ro thậm chí đã vượt tổng nợ xấu. Điều đó có nghĩa, lượng trích lập dự phòng trong thời gian tới sẽ giảm rõ rệt. Chi phí cũng giảm và lợi nhuận ngân hàng có thể tăng vọt.

Nghị quyết về xử lý nợ xấu vừa được Quốc hội thông qua mở ra cơ hội cho ngân hàng có khả năng xử lý nợ xấu và thu hồi vốn cao hơn. Rất nhiều ngân hàng trong đó có BIDV, Sacombank… sẽ hưởng lợi nhiều từ nghị quyết này. Một khi nợ xấu được kiểm soát thì chi phí tài chính qua đó sẽ giảm, chi phí với nền kinh tế tức là lãi suất sẽ giảm đi, hệ số an toàn vốn cũng sẽ tăng lên.

Hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng cùng với sự nhòm ngó của các nhà đầu tư ngoại nhắm tới các ngân hàng quy mô lớn, chất lượng tốt… cũng góp phần giúp ngành ngân hàng nói chung và cổ phiếu ngân hàng nói riêng trở nên hấp dẫn.

Kế hoạch IPO và lên sàn của nhiều ngân hàng tư nhân như Techcombank, HDBank, VPBank… cũng là thông tin tích cực.

Ở chiều ngược lại, giới đầu tư vẫn còn lo ngại về sự ổn định và khả năng cạnh tranh của các ngân hàng. Hiện cơ cấu lợi nhuận vẫn phụ thuộc nhiều vào hoạt động cho vay và tốc độ tăng trưởng tín dụng… Tăng trưởng tín dụng chậm sẽ khiến lợi nhuận ngân hàng co hẹp, trong khi tăng trưởng tín dụng nóng có thể mang đến rủi ro khó kiểm soát như giai đoạn 2009-2010.

M. Hà