- Thị trường chứng khoán đã có một đợt tăng điểm đầy bất ngờ lên đỉnh gần 9 năm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin tưởng thập kỷ đen tối có thể đã qua đi và triển vọng tươi sáng vẫn ở phía trước. Tất nhiên, áp lực chốt lời khi hàng loạt các kỷ lục được xác lập là khó tránh khỏi.

Ồ ạt xác lập kỷ lục

Cuối cùng, sau gần 9 năm, cổ phiếu VCB của Ngân hàng Vietcombank đã lấy lại được mức giá trong phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hồi cuối 2007.

Thời điểm đó, cơn sốt cổ phiếu VCB có thể nói lên tới đỉnh điểm. Một số trang web chứng khoán nổi tiếng còn tường thuật trực tiếp phiên đấu giá cổ phiếu ngân hàng này. Chốt phiên, giá thành công lên tới gần 108.000 đồng/cp, NH thu về gần 10 ngàn tỷ đồng.

Đó là đợt IPO thành công nhất và cũng là đợt IPO sục sôi cuối cùng, sau đó TTCK rơi vào một thời kỳ dài giảm giá, đi xuống. VN-Index từ mức hơn 1.100 điểm có lúc xuống 235 điểm và ở mức 670 điểm như hiện nay. Cổ phiếu mua “ưu đãi” ở một số phiên IPO một thời gian dài được coi là cổ phiếu “ngược đãi”.

{keywords}
Diễn biến VN-Index trong 5 năm qua.

Sau 9 năm, hiện rất nhiều cổ phiếu đã tăng lên mức cao kỷ lục, vượt qua các đỉnh cũ. Đó chính là VCB của Vietcombank, VNM của CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk, là VIC của Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, là HPG của Tập đoàn Hòa Phát (của ông Trần Đình Long),...

Hầu hết các cổ phiếu blue-chips này đều vượt đỉnh cao mọi thời đại vào đầu tháng 7 vừa qua, cao hơn cả thời kỳ mà VN-Index đạt đỉnh 1.170,7 điểm vào ngày 13/3/2007. Sự gia tăng về giá cũng đã khiến nhiều DN có vốn hóa thị trường vượt ngưỡng 100 ngàn tỷ đồng.

Tính tới hết phiên giao dịch ngày 4/7/2016, Vinamilk, Vietcombank, Vingroup và PVGas đều đã có vốn hóa trên 100 ngàn tỷ đồng. Đây cũng là phiên cổ phiếu VNM đạt đỉnh kể từ khi niêm yết.

Trước đó một phiên, cổ phiếu VIC của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng lập đỉnh ở mức 51.000 đồng/cp (giá đã điều chỉnh sau các lần phát hành thêm, chia tách cổ phiếu, cổ tức). Đây cũng là thời điểm, tài sản của ông Vượng, theo Forbes, lên mức cao kỷ lục, vượt 2,2 tỷ USD, tăng thêm hơn 400 triệu USD sau 3 tháng, đứng thứ 903 trong danh sách những người giàu nhất.

Cổ phiếu HPG cũng lên đỉnh cao trong tuần vừa qua sau khi vượt lên trên ngưỡng 40.000 đồng/cp. Chỉ riêng trong 5 phiên giao dịch tuần trước, HPG tăng thêm 2.900 đồng lên 42.700 đồng/cp giúp ông chủ Trần Đình Long có thêm gần 700 tỷ đồng, nâng tài sản lên gần 8.000 tỷ.

Cho dù hàng loạt cổ phiếu đã lập đỉnh, nhiều cổ phiếu đã tăng hàng chục lần, VN-Index cũng đã lên cao nhất 9 năm nhưng không ít NĐT, chuyên gia và các CTCK tin rằng TTCK tăng khá bền vững và thập kỷ đen tối có lẽ đã qua đi.

Index lên 800 điểm?

Chia sẻ trên trang cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch HĐQT CTCK Sài Gòn (SSI), cho rằng, chứng khoán có thể chạm mốc 800 với một số chữ “nếu” được đưa ra.

Trả lời câu hỏi về việc tại sao VN-Index tăng mạnh như vậy thời gian qua trong khi Chính phủ nhận định còn nhiều khó khăn, đặc biệt về vấn đề ngân sách, ông Hưng lý giải, điều quan trọng là các DN và NĐT bắt đầu có niềm tin.

{keywords}
Không ít nhà đầu tư vẫn lo ngại Vn-Index sẽ đảo chiều giảm mạnh (ảnh minh họa)

Theo đó, những bất lợi đã tồn tại từ lâu và đều được phản ánh vào thị trường. Điểm khác là giờ đây, thông tin minh bạch hơn và thị trường bắt đầu có niềm tin vào những cam kết của Chính phủ mới. Trên bình diện chung, chứng khoán Việt Nam đã xuống thấp sau khủng hoảng và hiện mới chỉ bằng 50% so với đỉnh, trong khi nhiều TTCK khác (như Mỹ - pv) đã vượt đỉnh cũ. Nếu các bộ ngành thực hiện tốt các chỉ đạo của chính phru về cải cách, thì ngưỡng 800 điểm cho năm nay hoàn toàn có thể.

Chia sẻ với PV.VietNamNet, ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của CTCP chứng khoán Trí Việt (TVB), nhận định, về cơ bản thị trường đang phát đi tín hiệu tăng trưởng bền vững, thị trường phân hóa rõ và dòng tiền chọn lọc vào DN có nên tảng cơ bản tốt.

Ông Trí cũng cho rằng, năm nay dòng tiền có thể tập trung vào chứng khoán vì một số kênh đầu tư truyền thống khác như BĐS, vàng, USD không thực sự hấp dẫn và rủi ro còn nhiều. Bên cạnh đó, giá nhiều cổ phiếu còn rẻ, P/E toàn thị trường đã tăng nhiều nhưng vẫn hấp dấn so với khu vực. Điều quan trọng là, thị trường phát đi tín hiệu đã qua đáy, nhiều mặt hàng cũng đã qua đáy, giá dầu cũng đã qua đáy,...

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, không ít người lo ngại về khả năng thị trường có thể đã lên quá nhanh và có thể chịu áp lực chốt lời, thậm chí phân phối bất lúc nào.

Trước thời điểm TTCK quay đầu giảm hơn 8 điểm xuống dưới ngưỡng 670 điểm vào cuối giờ chiều 14/7, ông P.V.Nhân, chuyên viên môi giới của một CTCK tại TP.HCM, chia sẻ với PV. VietNamNet rằng, dòng tiền vào khá mạnh, thị trường khá ổn nhưng có một số điểm bất thường.

“VNI chỉ số tăng, nhưng thực ra các NĐT lãi ít lắm, vì toàn cổ phiếu trụ cột tăng, mà các cổ phiếu đó toàn nhà nước và tổ chức lớn nắm. Lo ngại nhất là mất trụ, thị trường sụp nhanh. Bên cạnh đó, không ít cổ phiếu đã quay đầu giảm nhanh mà dư sàn không ai mua”, ông Nhân  nói.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho biết, khó đoán thị trường trong năm nay bởi chứng khoán phụ thuộc nhiều vào dòng tiền, vào triển vọng kinh tế vĩ mô, các chính sách phát triển kinh tế,...

H. Tú