- Nhiều đại biểu giữ quan điểm duy trì cùng lúc ba cơ quan quản lý nợ công.

Sáng 16/6, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về Dự thảo Luật quản lý nợ công (sửa đổi). Mặc dù vẫn còn có ý kiến khác nhau về đầu mối quản lý nợ công, nhưng tất cả các vị đại biểu có cơ hội góp ý đều giữ quan điểm duy trì cùng lúc ba cơ quan quản lý nợ công như Dự thảo Luật.

Điều 19 dự thảo Luật quy định theo hướng Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công; Điều 20 giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý Nhà nước đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài, làm đầu mối vận động, ký kết hiệp định khung; Điều 21 giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế...

Tại hội trường, nhiều ý kiến tán thành với nội dung Dự thảo Luật nhằm bảo đảm ổn định trong tổ chức, hoạt động và không phải điều chỉnh các luật có liên quan. Đồng thời đề nghị Chính phủ bổ sung quy định nhằm xác lập rõ hơn về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan theo hướng cụ thể, chặt chẽ, hiệu quả; xác định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, quy định rõ quy trình phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quản lý nợ công.

Duy trì cùng lúc ba cơ quan quản lý nợ công

Các vị đại biểu có cơ hội góp ý đều giữ quan điểm duy trì cùng lúc ba cơ quan quản lý nợ công như dự thảo luật.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng việc Chính phủ giữ nguyên phân công nhiệm vụ giữa các cơ quan nêu trên là có cơ sở, nhất là việc tiếp tục giao NHNN chủ trì đàm phán Hiệp định vay với WB, ADB”. Ông Cường phân tích, NHNN là đại diện chính thức của Việt Nam tại WB, ADB, vì vậy, tiếp tục giao cơ quan đại diện cũng chính là cơ quan chủ trì đàm phán ký kết hiệp định vay ODA với các tổ chức này sẽ bảo đảm thuận lợi trong hoạt động, bảo đảm tính chuyên nghiệp, tính kế thừa, kinh nghiệm ổn định của bộ máy.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) nói: “Về đầu mối quản lý, tôi nhất trí như dự thảo”.

“Tôi đề nghị để tránh làm xáo trộn các mối quan hệ với quốc tế, chúng ta chưa nên thay đổi các đầu mối chủ trì đàm phán, ký kết hiệp định với các nhà tài trợ mà giữ nguyên như cũ”, ông Bảo nói thêm.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng tán đồng: “Chính phủ thống nhất quản lý nợ công và giao các Bộ ngành thực hiện nhiệm vụ, chức năng liên quan theo dự thảo là phù hợp. Đến nay chưa nên thay đổi nếu thay đổi sẽ trái với Luật NHNN giao NHNN là đại diện, ký kết thỏa thuận vay vốn với WB, ADB. Trên thực tế, NHNN đang làm tốt nhiệm vụ này. Ngoài ra, dự thảo quy định Chính phủ phân công nhiệm vụ của các đơn vị liên quan trong thống nhất quản lý nợ công là phù hợp với Nghị quyết 07-NQ/TW và thẩm quyền của Chính phủ tại Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015”.

{keywords}

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo, trong bối cảnh các nguồn viện trợ, cho vay từ nước ngoài ngày càng giảm, để tránh xáo trộn các mối quan hệ quốc tế, chưa nên thay đổi các đầu mối chủ trì đàm phán, ký kết hiệp định từ các nhà tài trợ. Việc thống nhất cơ quan đầu mối quản lý có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn vướng mắc.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) nói thêm: “Việc xem xét chuyển các chức năng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước sang một cơ quan đầu mối là không phù hợp, gây xáo trộn không cần thiết”.

Không nên tập trung vào 1 bộ

Các đại biểu cho rằng không nên tập trung vào một bộ nhằm hạn chế độc quyền và đảm bảo tăng cường giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hải - Hà Giang cũng có quan điểm không nên tập trung vào 1 Bộ vì vấn đề bất cập hiện nay không phải ở khâu đàm phán ký kết. Ông Hải phân tích, theo quy trình, Bộ Tài chính đã và đang là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nợ công, tham gia xuyên suốt trong tất cả các khâu, trực tiếp chủ trì các nội dung quan trọng liên quan đến nợ công, như xây dựng chiến lược nợ công, hạn mức vay vốn, chương trình quản lý nợ trung hạn, chỉ tiêu an toàn nợ công, cơ chế tài chính, xác định cơ quan vay lại, kế hoạch trả nợ v.v...

Bộ Tài chính cũng là thành viên chính thức trong các cuộc đàm phán từng hiệp định vay, cụ thể do các cơ quan khác chủ trì và có tiếng nói quyết định đối với những vấn đề về tài chính như lựa chọn thời hạn vay, kỳ trả nợ và số tiền trả nợ trong từng kỳ. Kế hoạch trả đó đều được Bộ Tài chính cân đối và tổng hợp vào kế hoạch ngân sách hàng năm. Điều này đảm bảo cho Bộ Tài chính có đầy đủ mọi thông tin để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. 

Đại biểu cũng nhấn mạnh: việc đàm phán ký kết các hiệp định vay vốn WB, ADB của Ngân hàng Nhà nước đều dựa trên các quyết định về chủ trương vay vốn, báo cáo khả thi, bao gồm cả ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính về tác động của khoản vay với an toàn nợ công, cơ chế tài chính, phương án vay và trả nợ vốn vay, năng lực trả nợ của người vay, việc đàm phán ký kết này là khâu hoàn thiện về mặt thủ tục với nhà tài trợ World Bank và ADB để tiếp nhận vốn vay, không phải việc huy động vốn ngoài chủ trương kế hoạch đã được duyệt nên không phải là nguyên nhân gây khó khăn cho Bộ Tài chính trong việc giúp Chính phủ thống nhất quản lý nợ công.

Cũng với quan điểm không nên quản lý tập trung vào một bộ, Đại biểu Giàng Thị Bình (Lào Cai) đánh giá: “Quy định như hiện tại là phù hợp, có kế thừa các luật liên quan. Việc quy định như vậy cũng phù hợp với thực tế thể chế của Việt Nam và trong phân công đảm bảo Chính phủ quản lý tập trung”. Đại biểu phân tích thêm: Tại Nghị quyết 07-NQ/TW của Ban chấp hành trung ương không yêu cầu phải tập trung mọi hoạt động quản lý nợ công vào một cơ quan duy nhất, mà yêu cầu các cơ quan rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, nhằm thực hiện tốt hơn công tác quản lý và theo đó Chính phủ và các cơ quan sẽ có trách nhiệm rà soát chức năng, nhiệm vụ để tránh trùng lặp nhiệm vụ và tổ chức lại những đơn vị, cơ quan không hiệu quả. Giữ nguyên và phát huy những cơ quan đang thực hiện tốt nhiệm vụ. Qua nghiên cứu tôi thấy Chính phủ đã bám sát tinh thần Nghị quyết 07-NQ/TW khi xây dựng dự thảo luật. Những quy định như dự thảo luật về quyền hạn, nhiệm vụ của các cơ quan có liên quan. Theo đại biểu, phân công nhiệm vụ như trong dự thảo Luật sẽ hạn chế trong việc độc quyền, đồng thời tăng cường được sự giám sát lẫn nhau giữa các bộ, ngành trong thực thi nhiệm vụ quản lý nợ công cũng như quản lý ngân sách nhà nước.

Một số đại biểu cũng cho rằng, nếu soi chiếu kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là các quy định của IMF hay WB thì cũng không có một mô hình mẫu nào về quản lý nợ công. Tùy theo thể chế, các quốc gia có thể giao một hoặc nhiều bộ, ngành khác nhau quản lý nợ công. Do đó việc tham khảo quốc tế là cần thiết nhưng cần có sự linh hoạt, không cứng nhắc.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cho rằng: “Về đề xuất dồn trách nhiệm quản lý nợ công vào một bộ, cần cân nhắc tính hiệu quả vì sẽ dẫn đến nhiều thay đổi từ các văn bản pháp luật đến bộ máy, quy trình con người. Thời điểm này chưa nên có những xáo trộn về các luật liên quan, nhất là Luật NHNN trong đó quy định NHNN là đại diện tại WB, ADB. Vì vậy, NHNN thực hiện vai trò đàm phán ký kết thỏa thuận vay vốn với WB và ADB là phù hợp. Thay vào đó cần tập trung cải thiện quy chế phối hợp giữa các đơn vị nhằm đảm bảo thông tin liên lạc đầy đủ và hiệu quả, hỗ trợ cho quá trình quản lý nợ công an toàn và hiệu quả”.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cũng nhận định: “Nếu quy về một đầu mối trong quản lý nợ công sẽ gây ra sự xáo trộn không cần thiết”. Ông Xuân cũng lưu ý “cần phân công nhiệm vụ giữa Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư và NHNN một cách khoa học, chặt chẽ, không chồng chéo giữa các cơ quan của Chính phủ, đảm bảo sự giám sát lẫn nhau”.

Tương tự, đại biểu Hà Thị Lan - Bắc Giang cũng tán thành quy định phân công nhiệm vụ các bộ ngành trong dự thảo luật, quy định như vậy để đảm bảo ổn định trong tổ chức hoạt động và không phải điều chỉnh các luật có liên quan thực tế đã triển khai và thực hiện. “Tuy nhiên, tôi cũng đề nghị bổ sung quy định làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền quyết định và các đối tượng có liên quan trong toàn bộ quy trình huy động, thẩm định, phân bổ, quản lý, sử dụng nợ công” – đại biểu đoàn Hà Giang nêu ý kiến.

Phương Linh