Năm 2018, thị xã Phúc Yên trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, trở thành "điểm sáng" thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, vùng đất của các khu đô thị mới, khu du lịch - nghỉ dưỡng nổi tiếng.

{keywords}
Ngày 12/10/2018, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ trao Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập thành phố Phúc Yên

"Đầu tàu" kinh tế của Vĩnh Phúc

TP. Phúc Yên có diện tích tự nhiên trên 120km², dân số hơn 155.000 người, là cửa ngõ phía Bắc tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội (cách sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 8 km). TP Phúc Yên nằm trên vùng bán sơn địa với địa hình khá đa dạng gồm cả vùng miền núi, đồng bằng trung du; có hệ thống sông, hồ phong phú (đặc biệt là hồ Đại Lải với diện tích 525 ha); là đầu mối giao thông kết nối các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc với thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế Bắc Bộ - bằng hệ thống giao thông huyết mạch như: Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Quốc lộ 2A, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai... là những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa với các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Phát huy tiềm năng, lợi thế, những năm qua, Phúc Yên luôn giữ vai trò đầu tàu kinh tế của Vĩnh Phúc, góp phần đưa Vĩnh Phúc từ tỉnh thuần nông trở thành một trong những tỉnh có giá trị công nghiệp lớn nhất cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm của thành phố chiếm hơn 80% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, đóng góp quan trọng trong tổng thu ngân sách địa phương.

Trong 3 năm gần đây, thu ngân sách của Phúc Yên luôn vượt mốc 20.000 tỷ đồng. Thu nhập trung bình đầu người hàng năm đạt trên 72,5 triệu đồng/người/năm (cao gấp 3 lần so với cả nước); số hộ nghèo trên địa bàn thành phố tính đến nay giảm chỉ còn 392 hộ, chiếm tỷ trọng 1,63%.

{keywords}
Flamingo Đại Lải

Phúc Yên còn được biết đến với một loạt các khu đô thị mới, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao Flamingo Đại Lải, sân golf Đại Lải, sân gofl Ngọc Thanh được đầu tư, xây dựng và hoàn thiện theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu của du khách. Năm 2017, các khu du lịch đã đón nhận trên 200.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng; doanh thu dịch vụ du lịch ước đạt 198 tỷ đồng.

"Điểm sáng" thu hút đầu tư

Sau khi được tái lập, lãnh đạo thị xã Phúc Yên xác định: Muốn Phúc Yên trở thành một đô thị phát triển vững mạnh, cần phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch, đặc biệt chú trọng thu hút đầu tư trên địa bàn, tạo bước chuyển dịch tích cực và mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của Phúc Yên.

{keywords}
Khu công nghiệp Phúc Yên có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, là điểm sáng về thu hút các dự án đầu tư.

Với việc tạo mọi điều kiện thuận lợi để các DN đến đầu tư, đến nay, đã có trên 500 DN trong và ngoài nước đầu tư trên địa bàn Phúc Yên, trong đó có các doanh nghiệp lớn như Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Toyota Boshoku Hà Nội và Nagakawa Nhật Bản.

Đến năm 2018, Phúc Yên càng hút mạnh đầu tư khi hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các tuyến đường giao thông quan trọng khá hoàn thiện, như Quốc lộ 2, đường Nguyễn Tất Thành, các tuyến đường nội thị... Hiện tại, số doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư trên địa bàn đã vượt ngưỡng 500 doanh nghiệp; không chỉ giải quyết việc làm ổn định cho một lượng lao động lớn tại địa phương mà còn tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực và mạnh mẽ.

Năm 2017, giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt trên 84.500 tỷ đồng, trong đó, khu vực trong nước đạt hơn 2.000 tỷ đồng, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trên 82.400 tỷ đồng.

{keywords}
Phúc Yên là trung tâm sản xuất ôtô xe máy lớn nhất cả nước, thu hút hàng chục nghìn lao động có thu nhập ổn định, được tiếp cận với khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới.

Thành phố của đầy đủ và bình yên

Sau 113 năm xây dựng và trưởng thành, diện mạo Phúc Yên từ đô thị tới nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Đây là thành phố có hệ thống cơ sở y tế với đầy đủ mạng lưới y tế từ bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh đến y tế cơ sở 100% đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo khám chữa bệnh cho nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Phúc Yên có 53 trường học, trong đó, có 2 trường đại học, 4 trường cao đẳng; 100% số trường ở các cấp học Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở của thành phố đều đạt chuẩn Quốc gia.

Công tác an ninh, quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hệ thống chính trị của thành phố được củng cố, tăng cường; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được tinh giản và sắp xếp hợp lý, đảm bảo chất lượng và hiệu quả làm việc.

Ông Đoàn Văn Tiến - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Phúc Yên nói, trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Vĩnh Phúc vừa là động lực, mang đến nhiều thời cơ, thuận lợi để phát triển nhưng cũng đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố nhiều nhiệm vụ mới, thách thức mới.

Ông nói, “Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục đoàn kết, quyết tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp như: Phấn đấu mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2017-2020 đạt từ 7,0-8,5%, giai đoạn 2021-2030 đạt từ 9,0-10,5%; Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng: công nghiệp, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp; Xây dựng nền kinh tế bền vững, đồng thời đảm bảo hài hoà giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; Xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh, ổn định; Thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đủ năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ trong tình hình mới… Phấn đấu đến năm 2020, TP Phúc Yên cơ bản đạt tiêu chí của Đô thị loại II".

 Q.H