Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, với lịch sử hơn 72 năm, người Bưu Điện luôn nhớ 10 chữ vàng "Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình" được đúc kết từ xương máu, tấm lòng và cả trí tuệ của các thế hệ.

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Tổng công ty Bưu Điện và đón nhận huân chương lao động hạng ba, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận sự đóng góp của Tổng công ty Bưu Điện trong 10 năm qua. 

Lịch sử phát triển của Tổng công ty Bưu Điện Việt Nam gắn liền với lịch sử của ngành Bưu Điện suốt 72 năm qua. Trong giai đoạn nào, Bưu Điện Việt Nam cũng luôn là một phần đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của ngành và đất nước. 

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Phó Thủ tướng mong rằng, ngành bưu điện tiếp tục kế thừa truyền thống đó để xây dựng Bưu Điện Việt Nam không chỉ đơn thuần là Tổng công ty kinh tế, dịch vụ bưu điện mà thực sự trở thành thiết chế quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, tham gia cùng với Đảng, Nhà nước, thực hiện công cuộc đổi mới. Bưu Điện phải lấy lại hình ảnh của mình, là một phần của hệ thống chính trị, đòi hỏi sự dũng cảm đổi mới vượt lên chính mình của TCT Bưu Điện.

Tham dự và phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn biểu dương những thành tích của  TCT Bưu Điện trong 10 năm qua. Theo Bộ trưởng, với ý chí quyết tâm, dám nghĩ dám làm của lãnh đạo và cán bộ TCT Bưu Điện đã vượt qua khó khăn, từng bước vươn lên, tự chủ và đứng vững trên thị trường. 

Bộ trưởng chỉ đạo TCT Bưu Điện triển khai các giải pháp tổng thể hoạt động sản xuất kinh doanh, quyết tâm  đạt được chiến lược phát triển tới năm 2020 đã được Bộ TT&TT phê duyệt. Trên cơ sở đó,  tiếp tục nghiên cứu và xây dựng chiến lược phát triển TCT trong giai đoạn mới.

{keywords}
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn

Thực hiện bảo toàn, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn của Nhà nước tại TCT theo các chỉ tiêu kế hoạch được Bộ giao hàng năm, đảm bảo duy trì hoạt động ổn định, hiệu quả mảng bưu chính công cộng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước và nhân dân. 

Thứ ba, cần chủ động rà soát lại mô hình tổ chức, chức năng hoạt động của TCT, kịp thời đề xuất với Bộ điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện, tình hình hoạt động phát triển.

Xây dựng kế hoạch tổng thể, chi tiết đối với công tác đầu tư của TCT gắn với các mục tiêu chính lược, đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn vốn, đặc biệt chú trọng tới các dự án mang lại hiệu quả ngay, thiết thực với các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cuối cùng là chú trọng an toàn trong sản xuất. Đặc thù địa bàn hoạt động sản xuất rộng khắp cả nước, đội ngũ cán bộ công nhân viên, người lao động đông đảo, hoạt động đa dịch vụ, quy mô lớn, đòi hỏi TCT cần có chương trình, kế hoạch cụ thể đối với việc tổ chức quản lý an toàn sản xuất. Đây là một trong những yếu tố căn bản góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu Bưu Điện Việt Nam, khẳng định vị thế của TCT trên thị trường. 

Với sự sáng tạo, đổi mới cùng những nỗ lực của 40 nghìn người lao động trên toàn mạng lưới, nhân dịp Kỷ niệm 10 năm thành lập, Chủ tịch nước đã quyết định trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Tổng công ty Bưu Điện Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong thời gian qua.

{keywords}
TCT Bưu Điện nhận Huân chương Lao động hạng Ba

Theo báo cáo kết quả kinh doanh của TCT Bưu Điện Việt Nam, tổng doanh thu tăng từ 7.455 tỷ đồng lên 12.237 tỷ đồng; Thu nhập bình quân tăng từ 4,42 triệu đồng/người/tháng lên 9,362 triệu đồng/tháng; Lợi nhuận từ chỗ âm 1.285 tỷ đồng đã tăng lên 175 tỷ đồng/năm. 

Tổng công ty phấn đấu đến năm 2020 doanh thu đạt 21.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD tính theo tỷ giá thời điểm ban hành Chiến lược), tăng trưởng bình quân 20%/năm. Tổng lợi nhuận năm 2020 đạt 600 tỷ đồng,tăng 38%/năm. 

Chiến lược phát triển đến năm 2020, Bưu Điện Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục đổi mới toàn diện, phát triển đồng bộ ba trụ cột kinh doanh: bưu chính, tài chính bưu chính và phân phối truyền thông. Qua đó khẳng định vai trò chủ đạo trong lĩnh vực bưu chính tại Việt Nam và đến năm 2020 trở thành doanh nghiệp bưu chính quốc gia hàng đầu khu vực Đông Nam Á. 

D.Anh