Hàng loạt thực phẩm bẩn bị cơ quan chức năng phát hiện trong năm 2015 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo de dọa đến sức khỏe của người tiêu dùng. Sức nóng của câu chuyện này còn lan tỏa đến tận các phiên thảo luận trong các kỳ họp Hội đồng nhân dân.

“Hô biến” vú heo thối thành vú dê nướng tươi ngon

Rạng sáng 22-12, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường (PC49) Công an TP.HCM phối hợp với Chi cục thú y kiểm tra một ngôi nhà trên quốc lộ 1 (P.Đông Hưng Thuận, Q.12) phát hiện hơn 2 tấn vú heo, thịt heo nái được đựng trong thùng xốp, bịch nilon chi chít chữ Trung Quốc. Tất cả đều không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, đổi màu và bốc mùi hôi thối.

{keywords}
Hơn 2 tấn vú heo thối sắp được đưa lên bàn nhậu để "hô biến" thành vú dê

Chủ lô hàng là ông Cao Chí Đông (35 tuổi, quê Bến Tre) cho biết số hàng trên vừa nhập về từ các tỉnh phía Bắc. Sau khi công nhân phân loại và sơ chế, cơ sở sẽ giao vú heo thối cho các nhà hàng trên địa bàn TP.HCM "hô biến" thành món vú dê nướng thơm lừng phục vụ dân nhậu.

Khô bò làm từ phổi heo trộn hóa chất

Ngày 30-10, đoàn liên ngành huyện Bình Chánh bất ngờ kiểm tra địa chỉ 148C/6 ấp 3, xã An Phú Tây do bà Thạch Thị Sa Rương thuê để sản xuất khô bò trái phép. Tại đây, đoàn kiểm tra thu giữ 47kg khô bò thành phẩm, 31kg phổi heo đang luộc và 27kg phổi heo tươi bốc mùi hôi thối, đầy ruồi nhặng bu bám.

Đặc biệt, đoàn kiểm tra thu được nhiều chai nhựa đựng một loại nước đen, thơm mùi thịt bò. Cạnh đó là một bao nhỏ in tiếng nước ngoài, bên trong đựng thứ bột màu trắng. Một chiếc nồi nhôm cạnh bên chứa một thứ nước sền sệt màu đen còn bốc khói.

{keywords}
Những người thích ăn gỏi đu đủ vỉa hè chắc sẽ suy nghĩ lại khi biết xuất xứ của khô bò trong món ăn này

Bà Rương cho biết đây là những hóa chất dùng để “hô biến” phổi heo thành khô bò. Theo đó, sau khi mua phổi heo trôi nổi ở các chợ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch về đem luộc chín. Tiếp đó, phổi heo được nhúng vô nồi nước gồm màu, hương bò và chất bảo quản để thơm mùi bò và sử dụng được lâu. Khô bò thành phẩm sẽ được chủ cơ sở này đem bỏ mối cho mấy người bán gỏi đu đủ và tiểu thương trong chợ với giá khoảng 30 ngàn đồng/kg. Toàn bộ tang vật sau đó đã được đem đi tiêu hủy.

Kinh hoàng chà bông làm từ thịt gà thối

Ngày 20-10, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh bất ngờ kiểm tra phát hiện gần 750kg chà bông bẩn được chế biến từ thịt gà thối trộn với hóa chất Trung Quốc tại xưởng chà bông ở tổ 6, ấp 3, xã Vĩnh Lộc A do ông Đoàn Văn Thương làm chủ.

{keywords}
Chà bông làm từ thịt gà thối để dưới sàn nhà cáu bẩn

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không có giấy phép hoạt động, không có giấy đăng ký kinh doanh; nguyên liệu thịt gà không có giấy kiểm dịch động vật… Chủ cơ sở cho hay xưởng chà bông hoạt động từ vài tháng nay. Mỗi ngày, xưởng dùng 200kg thịt gà để sản xuất chà bông.

Nguyên liệu thịt gà được thu mua trôi nổi với giá 34 ngàn đồng/kg. Sau khi qua sơ chế, thịt gà được xé cho tơi nát, ướp hóa chất có xuất xừ từ Trung Quốc rồi đưa vào để trộn thịt với bột mì. Sau mỗi mẻ trộn, chà bông được đổ ngay xuống nền sàn xi măng cáu bẩn rồi đem bán với giá 45 – 70 ngàn đồng/kg tùy theo yêu cầu độn bột mì nhiều hay ít. Toàn bộ lô hàng sau đó đã bị đem đi tiêu hủy.

Nhúng gà vào dầu hôi để làm đẹp

Sáng 27-9, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường (PC49) Công an TP.HCM phối hợp với lực lượng chức năng huyện Hóc Môn kiểm tra bất ngờ lò giết mổ gia cầm trái phép của ông Võ Văn Diệp (41 tuổi), tại số 170/5D ấp Tam Đông, xã Thới Tam Thôn. Tại đây, cơ quan chức năng thu giữ 170 con gà chờ giết mổ và 140 con gà đã giết mổ và nhiều dụng cụ liên quan. Toàn bộ số gà này không có giấy chứng nhận kiểm dịch.

{keywords}
Nhúng gà vào dầu hôi pha hóa chất để da vàng ươm

Ông Diệp khai nhận, mỗi ngày, ông thu mua gà chưa qua kiểm dịch từ Tiền Giang về để giết mổ với số lượng từ 100 đến 200 con. Gà được giết mổ xong sẽ được nhúng vào dung dịch giữa dầu hôi và hóa chất dạng bột màu đen, có ánh kim mà ông Diệp mua từ chợ Kim Biên để biến gà trắng nhợt thành màu vàng bắt mắt.

Măng độc ngâm hóa chất để 2 năm không hư

Sáng 15-1, Cục C49B và Chi Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã kiểm tra đột xuất cả 3 cơ sở Sản xuất măng chua ở P.Tân Thới Nhất, Q.12 do ông Ngô Xuân Thái, bà Ngô Thị Đăng và ông Lê Văn Lâm làm chủ, phát hiện hơn 43 tấn măng măng ngâm hóa chất.

Các cơ sở trên đều hoạt động không có giấy phép, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm; hàng hóa không có nguồn gốc, hóa đơn chứng từ; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ.

{keywords}
Măng độc ngâm hóa chất để 2 năm không hư

Quá trình kiểm tra 3 cơ sở này, cảnh sát phát hiện 15kg hóa chất không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Các chủ cơ sở kinh doanh măng khai nhận số hóa chất trên mua từ chợ Kim Biên với giá 26.000 đồng/kg. Măng khi thu mua về ngâm trong dung dịch hóa chất trên theo tỉ lệ: 200 lít nước cộng 1 muỗng cà phê hóa chất, dùng ngâm được 2 bao (khoảng 100- 140kg) trong vòng 12 giờ.

Sau đó có thể giữ từ 1-2 năm để bán dần. Thậm chí, măng đã có màu đen kịt ngâm vào hóa chất này cũng sẽ trở nên trắng nõn.

Theo CAO