Đã qua hạn chót (ngày 10/6) mà cơ quan chức năng yêu cầu, Keangnam Vina vẫn chưa trả tiền phí bảo trì hàng trăm tỷ cho cư dân chung cư Keangnam Hà Nội. Keangnam có sử dụng sai mục đích, thậm chí chiếm đoạt số tiền này hay không là điều cư dân mong mỏi cơ quan chức năng làm rõ.

Cư dân sợ bị “xù”

Ngày 15/6, quá hạn năm ngày so với hạn chót UBND quận Nam Từ Liêm ấn định Công ty TNHH MTV Keangnam Vina phải bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho cư dân chung cư Keangnam Hanoi Landmark Tower, nhưng phía Keangnam Vina vẫn “án binh bất động”.

Trao đổi với Báo Giao thông, bà Trịnh Thúy Mai, Phó trưởng Ban quản trị chung cư Keangnam Hà Nội cho biết, sau buổi làm việc của UBND quận Nam Từ Liêm với Keangnam Vina, Ban quản trị tòa nhà đã liên tục gửi công văn nhắc nhở Công ty về thời hạn chuyển tiền. Trước đó, để tạo điều kiện cho chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ của mình, Ban quản trị, đại diện cư dân đã đồng ý với mức phí bảo trì là 125 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đại diện Công ty TNHH MTV Keangnam Vina cho rằng, hai bên vẫn chưa thống nhất được chính xác khoản tiền 2% quỹ bảo trì, cũng như chưa thống nhất được diện tích tính phí bảo trì, thông tin tài khoản và các bên liên quan...

{keywords}

“Chính phủ đã có ý kiến, UBND TP Hà Nội đã giao cho UBND quận Nam Từ Liêm, và quận đã yêu cầu Keangnam Vina bàn giao phí bảo trì, các cư dân cũng đã tạo điều kiện. Cư dân rất bức xúc khi cả tình và lý đã rõ ràng mà phía chủ đầu tư vẫn chây ì. Chúng tôi lo lắng khoản tiền liệu có bị sử dụng sai mục đích, có bị chiếm đoạt? Cần phải có chế tài buộc chủ đầu tư trả tiền cho cư dân”, bà Mai cho hay.

"Cư dân cần có đơn gửi cơ quan chức năng đề nghị truy tìm nguyên nhân chậm bàn giao ở đâu, từ đó điều tra, làm rõ xem số tiền quỹ bảo trì đang ở đâu, có bị chiếm đoạt hay không, có bị sử dụng vào mục đích khác không, để có căn cứ xử lý theo pháp luật”.

Luật sư Bùi Quang Hưng

Hiện, Ban quản trị chung cư Keangnam Hà Nội đã đề nghị số tiền còn lại của quỹ bảo trì, bao gồm tiền lãi ngân hàng và các khoản 2% của giá trị diện tích riêng mà Keangnam Vina đang giữ lại để kinh doanh cần phải được kiểm toán và tiếp tục bàn giao cho Ban quản trị theo đúng quy định.

Công an vào cuộc

Ông Lê Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết: Hiện chính quyền vẫn đang vào cuộc, áp dụng các biện pháp để giải quyết, xử lý vấn đề của Keangnam.

“UBND quận đã bàn giao Công an quận Nam Từ Liêm vào cuộc điều tra làm rõ, đây là biện pháp mạnh nhất hiện nay. Kết quả điều tra của Công an sẽ là căn cứ để xem xét, xử lý vụ việc này”, ông Sơn cho biết.

{keywords}

Đại diện nguyên đơn và bị đơn tại phiên tòa

Theo quy định hiện hành, khi bán nhà, chủ đầu tư thu 2% giá trị tòa nhà tiền bảo trì và có trách nhiệm lập tài khoản riêng và chuyển khoản số tiền này vào, có trách nhiệm giữ khoản tiền đó cho đến khi tòa nhà thành lập Ban quản trị thì chuyển giao số tiền này cho Ban quản trị.

“Lẽ ra chủ đầu tư phải chuyển giao ngay số tiền đó cho người dân, nhưng chủ đầu tư đã giữ lại nhiều năm. Hành vi này của Keangnam Vina đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì tòa nhà, căn hộ”, ông Sơn nói.

Luật sư Bùi Quang Hưng, Trưởng Văn phòng Luật sư Bùi Quang Hưng cho rằng: Đến thời điểm này, Keangnam Vina tiếp tục trì hoãn trả phí bảo trì cho cư dân thì UBND quận Nam Từ Liêm giao cho Công an điều tra là hoàn toàn hợp lý. Trong quá trình điều tra, cần làm rõ số tiền trong tài khoản của Keangnam Vina tại ngân hàng Hàn Quốc (Shinhan Bank) hiện tại có đủ để bàn giao quỹ bảo trì hay không?

“Nếu Keangnam sử dụng số tiền đó vào việc khác, hoặc số tiền của Keangnam không còn đủ để trả cho Ban quản trị tại thời điểm hiện tại thì đã có dấu hiệu của hành vi chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp này, cơ quan điều tra có quyền xem xét và khởi tố hành vi trên”, ông Hưng nhận định.

(Theo báo Giao thông)