Mãn hạn tù trong vụ đại án Bầu Kiên, cựu Tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải đi buôn tơ lụa, quý bà Việt dự thi Hoa hậu châu Á dính nghi án mỹ phẩm giả 11 tỷ, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo xếp trên Hillary Clinton trong bảng xếp hạng những phụ nữ quyền lực nhất thế giới,... là những thông tin đáng chú ý tuần qua.

Lý Xuân Hải đi buôn tơ lụa

Ông Lý Xuân Hải, cựu CEO ACB đang giữ chức vụ Chủ tịch hội đồng quản trị tại CTCP Tơ lụa Bảo Lộc - Bảo Lộc Silk. Đây có thể xem là một lĩnh vực hoàn toàn mới đối với vị CEO này bởi hiện dù đã mãn hạn tù nhưng ông Lý Xuân Hải vẫn bị cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến ngân hàng trong vòng 5 năm.

Bước chân vào lĩnh vực tài chính ngân hàng, ông Hải từng được biết đến là một trong những CEO thành công và nổi tiếng nhất trong giới ngân hàng Việt Nam. Năm 2007 và 2010, ông nhận được danh hiệu "Lãnh đạo Ngân hàng xuất sắc nhất Việt Nam" khi còn làm việc tại ACB. Trong vụ án liên quan đến bầu Kiên tại ACB, ông Hải đã bị tuyên án 8 năm, hiện đã ra tù.

Ông Hải chuyển sang kinh doanh lụa

Nguyễn Thị Phương Thảo xếp trên Hillary Clinton

Tạp chí uy tín Forbes vừa công bố bảng xếp hạng 100 người phụ nữ quyền uy nhất thế giới năm nay với một kỷ lục mới về số lượng người mới: 23 người.

Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo, (CEO của hãng hàng không VietJet Air và là chủ tịch Tập đoàn Sovico Holdings) là người Việt Nam duy nhất có mặt trong top này, với thứ hạng 55, cao hơn cả cựu chính trị gia Mỹ Hillary Clinton (xếp thứ 65).

Theo Forbes, khối lượng tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo tiếp có tốc độ bứt phá rất ngoạn mục trong bảng xếp hạng công bố đầu tháng 10/2017. Bà Thảo có 1,82 tỷ USD và là nữ tỷ phú USD Việt độc chiếm “ngôi hậu” Đông Nam Á.

Quý bà dính nghi án mỹ phẩm giả 11 tỷ

Hình ảnh quý bà Nguyễn Thu Trang tại buổi làm việc với cơ quan chức năng mới đây sau vụ việc bị ngành quan lý thị trường bắt giữ lô hàng mỹ phẩm trị giá gần 11 tỷ đồng lại khác hẳn với những hình ảnh ít ngày trước đó được đề cử tham dự cuộc thi Hoa hậu Quý bà châu Á 2017.

Ngoài chức danh là Giám đốc Công ty TNHH Thiên nhiên TS. Việt Nam còn là Chủ tịch HĐQT của T’s Group. Quảng cáo trên phương tiện truyền thông, Ts Group tự giới thiệu là tập đoàn sở hữu nhiều đại sứ thương hiệu nhất Việt Nam.

Đại diện Đội Quản lý thị trường số 6 (quận Nam Từ Liêm) cho biết, lô hàng bị bắt giữ của Công ty TNHH Thiên nhiên TS Việt Nam 100% sản phẩm không có hóa đơn chứng từ, trên sản phẩm không có địa chỉ nhà cung cấp, chỉ có số điện thoại nhưng Công ty TS Việt Nam không liên hệ và tìm thấy nhà sản xuất ở đâu.

Toàn bộ lô hàng từ nguyên liệu đầu vào, khi bị kiểm tra công ty đều không xuất trình được hóa đơn chứng từ. Nhiều dòng sản phẩm mỹ phẩm làm trắng da có dấu hiệu giả nguồn gốc xuất xứ, khi nhãn mác ghi xuất xứ tại New Zealand, Hàn Quốc nhưng thực chất được đóng nhãn mác bao bì tại kho xưởng ở quận Hà Đông.

Vợ cũ Lê Ân kiện đòi chia tài sản

Bà Lê Đỗ Hạnh Kiều (50 tuổi, ngụ quận 10, TP.HCM) cho biết đã nộp đơn đến TAND TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) để kiện ông Lê Ân (81 tuổi, ngụ phường 10, TP Vũng Tàu) về việc tranh chấp tài sản sau ly hôn. Theo bà Kiều, sau ly hôn vào cuối năm 2009, bà không được chia bất cứ tài sản nào trong thời kỳ hôn nhân của hai người.

Tài sản mà bà nguyên đơn yêu cầu chồng cũ chia đôi trong vụ án là 4,15 ha đất ở phường 12, TP Vũng Tàu. Theo bà Kiều, nửa diện tích này nhân với giá đất 158.000 đồng/m2 thì ông Lê Ân phải chia cho bà gần 3,3 tỷ đồng.

Trong văn bản gửi TAND TP Vũng Tàu, ông Lê Ân khẳng định từ năm 1999, lô đất nguyên đơn đề cập đã không còn thuộc về ông và bà Kiều. Hiện, đại gia này có 9 hồ sơ, giấy tờ chứng minh lô đất đã được ông với bà Kiều bảo lãnh cho bà Đỗ Thị Hoa (mẹ bà Kiều) và hai người khác vay tiền nhưng cả 3 người này mất khả năng trả nợ.

Thực hư chuyện cấm xuất cảnh ông chủ Khaisilk

Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, đây là thông tin không chính xác, bịa đặt. Bộ không có đề nghị cấm xuất cảnh và đi khỏi nơi cư trú với ông Hoàng Khải.

Liên quan đến diễn biến vụ việc Khaisilk bán khăn lụa có hai nhãn mác “Made in China” và “Made in Vietnam”, ngày 31/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về việc chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo về quyền lợi của người tiêu dùng đối với đơn vị này tại TP.HCM.

Trước đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường chỉ đạo đơn vị chức năng ra quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự sang Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Hà Nội đối với cơ sở kinh doanh hàng dệt may do bà Nguyễn Thu Nga là chủ hộ kinh doanh, địa chỉ số 113 Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đại gia Việt mua ngân hàng, hãng ô tô của Mỹ

Thông tin từ trang web của Tập đoàn Tín Thành cho biết ngân hàng Oakwood State Bank tại Mỹ đã được Tín Thành mua lại và đã đổi tên thành Tín Thành Oakwood Bank Corp. Giấy chứng nhận cho thấy Tín Thành là chủ sở hữu Tín Thành Oakwood Bank Corp. Thương vụ giao dịch trên đã được thực hiện vào tháng 9/2016.

Ngoài sở hữu ngân hàng Tín Thành Oakwook Bank Corp, tập đoàn này còn sở hữu nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô FIAT Chrysler Automobiles, có trụ sở đặt tại tiểu bang Florida, Hoa Kỳ.

Tập đoàn này cũng đang triển khai thực hiện một số dự án về năng lượng, nhiên liệu và nông nghiệp công nghệ cao tại Cuba và hàng loạt dự án khác tại Hoa Kỳ.

Cựu TGĐ nhận lương hưu "khủng"

Theo đại diện BHXH Việt Nam, việc có người nhận lương hưu cao trên 100 triệu đồng tới vài chục triệu đồng/tháng. Hiện tại, người hưởng lương hưu cao nhất Việt Nam là ông N.T, ở TP.HCM, cựu TGĐ một công ty liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài.

Trước ông T., người có lương hưu cao nhất Việt Nam là cựu TGĐ Nhà máy bia Huda Huế - ông Nguyễn Minh. Ông T. chính là người soán ngôi của ông Nguyễn Minh kể từ năm 2015, khi ông T. về hưu và hưởng lương hưu theo chế độ nhà nước là 87 triệu đồng/tháng.

Bảo Anh (Tổng hợp)