Việt Nam còn hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Nếu có giải pháp đưa một phần hộ kinh doanh này lên lên DN thì mục tiêu 1 triệu DN không phải quá tầm tay.

Ô tô, điện thoại: Vượt lên 'đặc thù', ghi dấu bản đồ phồn vinh

Tại sao Việt Nam chỉ có 4 tỷ phú USD, còn nhiều siêu giàu trốn kín

Vào đúng ngày doanh nhân Việt Nam, sáng 13/10,  Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi họp báo công bố Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương năm 2017.

Đây là lần đầu tiên Chính phủ có một bộ chỉ số để đánh giá “sức khỏe” doanh nghiệp.

“Bộ số liệu này để đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp chung của cả nước và của từng địa phương và cũng là bức tranh nói lên tình hình sức khỏe của doanh nghiệp về doanh thu, chi phí, lợi nhuận, lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước,... ”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì họp báo.

Bộ chỉ số này cũng là cơ sở tốt để Chính phủ, các cơ quan nhà nước, các địa phương tham khảo, nghiên cứu và đề ra chính sách phù hợp, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 35.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà trực tiếp là Tổng cục Thống kê tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để nghiên cứu, hoàn thiện Bộ chỉ tiêu đã có, nâng cao hơn nữa chất lượng thông tin. Đây là thông tin nguồn chính thức, chính thống của Nhà nước nên phải bảo đảm tính chính xác, xác thực ở mức độ cao nhất. Đồng thời sớm biên soạn và xuất bản cuốn sách trắng về thực trạng doanh nghiệp Việt Nam năm 2017 trong quý IV năm 2018 này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê thực hiện và công bố hàng năm Bộ chỉ tiêu vào ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).

Trả lời các câu hỏi về mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: Đây là mục tiêu đầy thách thức. Vì thế Chính phủ đã có nhiều giải pháp, họp báo ra mắt Bộ tiêu chí hôm nay cũng là một giải pháp để nhận ra bức tranh phát triển DN đến đâu.

Theo Phó Thủ tướng, hiện Việt Nam còn hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Nếu có giải pháp đưa một phần hộ kinh doanh này lên lên DN thì mục tiêu 1 triệu DN không phải quá tầm tay.

Lý giải cho việc các hộ kinh doanh còn chần chừ lên DN, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng: Một phần là vì đặc trưng văn hóa xã hội Việt Nam. Hiện 96% DN ngoài Nhà nước là DN nhỏ và vừa, trong đó trên 34% là DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ. Truyền thống của họ là chỉ muốn làm  trong gia đình, không cần công nghệ cao, vốn cũng không cần nhiều... Còn nếu thành lập DN thì đòi hỏi phải có công nghệ, vốn, quản trị, thị trường, cho nên họ không muốn lên DN. 

Ông Lâm cũng tái khẳng định số lượng DN phá sản, giải thể lên đến hàng chục nghìn DN mỗi năm là “bình thường”. “Tỷ lệ DN giải thể ở Việt Nam rất thấp so với các nước trên thế giới”, ông Lâm nói.

Nói về mục tiêu 1 triệu DN đến 2020, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết: Hiện Việt Nam đã có 702 nghìn DN. Nếu có môi trường kinh doanh tốt, chính sách tốt, việc đạt 1 triệu DN là khả thi. Nhưng quan trọng là trong số 1 triệu DN ấy có bao nhiêu DN phát sinh doanh thu, có đóng góp cho nền kinh tế.

Nhân ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã tặng hoa cho đại diện cộng đồng DN Việt Nam và gửi những lời chúc tốt đẹp đến các doanh nghiệp, doanh nhân Việt.

Phó Thủ tướng chúc đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng phát triển lớn mạnh, luôn có tinh thần, ý chí của dân tộc Việt Nam; xây dựng văn hóa kinh doanh trên tinh thần giác ngộ chính trị; có trách nhiệm cao với xã hội và luôn luôn là đội ngũ xung kích, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng bày tỏ sự kỳ vọng, tin tưởng về sự phát triển mạnh mẽ của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong thời gian tới.

Hà Duy