Buôn vàng miếng không lãi lớn như mọi người nghĩ. Càng làm lớn càng rủi ro nhiều nên khi quyết định thương vụ 1.000 lượng các hãng vàng đều có nguyên tắc của mình.

Trao đổi về kinh nghiệm khởi nghiệp với các bạn trẻ mới đây, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, kiêm Chủ tịch Ngân hàng TMCP Tiên Phong cho rằng, kinh doanh ngành nghề nào cũng có nhiều khó khăn, đặc biệt là kinh doanh vàng còn khó khăn và rủi ro hơn nhiều. Bởi nó có những biến động khó lường và thường xuyên gặp phải, nhất là đối với thị trường Việt Nam do lệch múi giờ, khi thị trường thế giới sôi động nhất thì ở Việt Nam lại là lúc tất cả các thị trường đều đóng cửa. Thế nên, kinh doanh vàng vốn là ngành không hề dễ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc kinh doanh vàng như một hàm số với quá nhiều biến số. Những tác động về chính trị trên thế giới, sự thay đổi về bảng giá, bảng kết quả lao động của các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản... thậm chí cả xung đột về tôn giáo, phát biểu của quan chức cấp cao… cũng có thể tác động đến giá vàng trong nước.

{keywords}
Vàng trang sức 24 ngách mới các DN khai thác thành công.

Theo kinh nghiệm của mình, ông Phú cho biết, nếu bạn bán ra 1.000 lượng vàng thì ngay lập tức bạn phải mua vào 1.000 lượng. Giá của thời điểm bán và giá mua vào ở thời điểm kế tiếp cũng cần loại trừ những yếu tố rủi ro nhất. Vì giá bạn mua lại chưa chắc đã bằng giá bạn bán ra. Vậy nên việc thua lỗ là có thể xảy ra.

Ở góc độ kinh doanh, thì biên độ lợi nhuận của vàng miếng rất nhỏ, chỉ tính bằng 1/1000 trên doanh thu. Đơn cử, nếu bỏ ra 40 triệu đồng để mua một lượng vàng thì khả năng lãi lợi nhuận nhiều nhất chỉ không quá 30.000-40.000 đồng.

Tuy nhiên, nếu so sánh với một sản phẩm trang sức thì biên lợi nhuận đã có thể gấp vài chục lần. Thế nên, từ thực tế thị trường cho thấy, vàng miếng chỉ là phương tiện cất trữ, đầu tư, thậm chí là đầu cơ nhưng không phải là sản phẩm người dùng có thể dùng được như trang sức.

Chính vì thế, làm sao phải sản xuất được sản phẩm vàng vừa có thể cất giữ, phải được bảo toàn giá trị và phải đeo được. Đó chính là ngách thị trường mới cho các DN đi đầu khai phá. Chính từ đó, trên thị trường xuất hiện sản phẩm trang sức vàng ta với hàm lượng vàng 24k.

"Trong kinh doanh, bạn cần phải nắm bắt hơi thở của thị trường. Chúng ta phải có những tiên liệu với xu hướng để có thể sẵn sàng đón nhận cơ hội. Với những ai bắt đầu sự nghiệp kinh doanh, đặc biệt với lĩnh vực như chúng tôi, cần hiểu rằng thị trường luôn biến đổi, nhu cầu sẽ thay đổi và bắt nhịp theo thị trường tiêu thụ ở các nước. Nắm được điều đó, chúng ta có thể tiên liệu, đón đầu và sẵn sàng nhận được những kết quả kinh doanh tốt", ông Phú nói.

Chia sẻ về khởi nghiệp, ông Phú nói, "Tôi nghĩ nếu có gia thế thì quá tốt, vì đó là bệ phóng. Tuy vậy, chúng ta không phải quá ngại khi chúng ta bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh mà không phải là những gia đình trâm anh thế phiệt. Hãy bắt tay vào việc, tôi quan niệm là muốn bơi hãy nhảy xuống nước nếu bạn cứ đứng trên bờ và chờ đợi lớp đào tạo huấn luyện thì quả thực là khó. Chúng ta hãy bắt tay vào thực tế cuộc sống chắc chắn rằng sẽ chỉ cho bạn nhiều lối đi".

Kể về ngành kinh doanh đá quý ở Việt Nam, ông Phú cho rằng, ở lĩnh vực đá quý, điều quan trọng là tìm ra ứng dụng công nghệ để xử lý. Muốn xử lý đá quý thì phải có nguyên liệu nhưng cách đây mấy chục năm khi ông bước vào nghề cũng là lúc ngành đá quý Việt Nam còn sơ khai thì viêc nguyên liệu trên thị trường không dễ dàng. Các mỏ khai thác hầu như hoạt động tự nhiên với quy mô nhỏ lẻ, không chính thống. Khi có nguồn nguyên liệu rồi thì làm thế nào để mua được, đánh giá được chất lượng và xử lý nó.

{keywords}
Đá quý Việt Nam đã có tên trên bản đồ thế giới.

Đặc biệt, làm sao để đưa sản phẩm ra được thị trường quốc tế ở thời điểm Việt Nam còn là “anh tân binh” về đá quý ở giai đoạn 1990. Nhưng cũng từ thời điểm khởi đầu khó khă đó mà các nhà kinh doanh đá quý Việt Nam đã dần đưa tên đá quý Việt Nam cập nhật trên bản đồ đá quý thế giới.

"Những lô hàng đầu tiên xuất khẩu ra thế giới đã làm họ vô cùng ngạc nhiên vì không chỉ có những quốc gia nổi tiếng về đá quý như Miến Điện, Sri Lanka hay Ấn Độ mà Việt Nam cũng trở thành cái nôi về đá quý. Điều này thực sự mang lại cho những người kinh doanh như chúng tôi niềm tự hào", ông chia sẻ.

Bảo Phương