Sau khi tái cơ cấu nợ trong năm 2017, chủ nợ lớn nhất tại Hoàng Anh Gia Lai vẫn là BIDV và công ty liên quan với khoản dư nợ cho vay hơn 9.000 tỷ, chiếm gần 40% tổng dư nợ.

Cách đây khoảng một năm, ông Đoàn Nguyên Đức và CTCP Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (HAG) đang phải đối mặt với khó khăn khi hàng chục nghìn tỷ đồng nợ vay đến hạn.

Cơ cấu nợ vay thay đổi sau một năm

Theo báo cáo tài chính quý III/2016 của HAGL khi đó, doanh nghiệp này có khoản nợ vay lên tới gần 26.000 tỷ đồng, trong đó, hơn 12.000 tỷ đồng sẽ đến hạn trả trong chưa đầy một năm.

Đến nay, tròn một năm sau giai đoạn khó khăn xảy ra với doanh nghiệp đại gia phố núi này, tuy tổng nợ vay tài chính của HAGL vẫn ở mức cao hơn 23.000 tỷ đồng nhưng cơ cấu nợ đã được sắp xếp lại khi nợ ngắn hạn chỉ còn lại 2.800 tỷ đồng và hơn 20.000 tỷ đồng nợ dài hạn.

{keywords}

Trong giai đoạn cuối 2016, đầu 2017, các chủ nợ của HAGL đã thống nhất, đồng ý tái cơ cấu nợ vay cho doanh nghiệp này trước sức ép trả nợ quá lớn có thể ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. Từ hơn 12.000 tỷ đồng nợ đến hạn, hiện tại HAGL đã giải tỏa được áp lực xuống chỉ còn 2.800 tỷ đồng.

Theo báo cáo của HAGL, từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp này đã tất toán hơn 4.200 tỷ đồng tiền nợ vay, giảm tổng nợ vay tài chính xuống mức hơn 23.000 tỷ đồng từ 27.300 tỷ đồng đầu năm. Dự kiến đến cuối năm nay, công ty sẽ tiếp tục tất toán một số khoản nợ vay giảm tổng nợ vay xuống mức 22.300 tỷ đồng.

Những chủ nợ lớn

Theo báo cáo tài chính mới nhất của HAGL, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và công ty liên quan đang là chủ nợ lớn nhất của doanh nghiệp.

Cụ thể, HAGL đang nợ BIDV và công ty có liên quan tổng cộng hơn 9.000 tỷ đồng, bao gồm 181 tỷ đồng vay ngắn hạn, 2.985 tỷ đồng vay dài hạn và 5.876 tỷ đồng vay trái phiếu do BIDV và Công ty TNHH Chứng khoán BIDV phát hành.

{keywords}

Chỉ riêng khoản tín dụng BIDV đã cho HAGL vay đã chiếm gần 40% tổng nợ vay tài chính của doanh nghiệp này hiện nay.

Ngoài ra, HAGL cũng có một số chủ nợ nghìn tỷ khác như VPBank và công ty liên quan, Eximbank, HDBank hay TPBank... với số dư nợ cho vay hàng nghìn tỷ đồng.

Việc cơ cấu thành công các khoản nợ vay giúp bầu Đức và HAGL giảm được áp lực nợ vay phải trả trong ngắn hạn ít nhất là 3-5 năm tiếp theo. Trong một năm tới, mối bận tâm của bầu Đức và HAGL chỉ là gần 2.800 tỷ đồng bao gồm hơn 1.300 tỷ đồng là vay ngân hàng. So với kết quả lợi nhuận gần đây HAGL đạt được, việc tất toán các khoản nợ đến hạn này không phải quá khó khăn với bầu Đức.

Tuy nhiên, việc cơ cấu lại hàng chục nghìn tỷ đồng nợ vay tại ngân hàng cũng khiến các tài sản của HAGL tiếp tục được cầm cố tại ngân hàng làm tài sản đảm bảo.

Theo đó, hầu hết tài sản cố định, vật nuôi, cây trồng, dự án bất động sản... tại HAGL hiện tại đều là tài sản đảm bảo cho các khoản vay của công ty tại ngân hàng.

{keywords}

Áp lực lãi vay

Việc phải vay hàng chục nghìn tỷ đồng tại các ngân hàng và tổ chức phát hành trái phiếu khiến doanh nghiệp của bầu Đức mỗi năm phải chi ra hàng nghìn tỷ đồng chỉ để trả tiền lãi ngân hàng.

Theo đó, 9 tháng đầu năm 2016, chỉ riêng tiền trả lãi vay ngân hàng và các tổ chức phát hành trái phiếu của HAGL đã lên tới 1.175 tỷ đồng, tăng 57% so với năm 2015.

Trong 9 tháng năm 2017, HAGl cũng đã phải chi hơn 1.065 tỷ đồng cho các khoản lãi này, đây cũng là một trong những khoản chi ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp này mỗi năm.

Bên cạnh hoạt động của HAGL, hiện nay HAGL Agrico, công ty chuyên về sản xuất nông nghiệp thuộc tập đoàn HAGL đang là công ty đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh cũng như tài sản của tập đoàn.

{keywords}

Lĩnh vực trồng cây ăn trái vẫn đang giúp HAGL thu về hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận. Ảnh minh họa

Mới đây, HAGL Agrico cũng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III với việc hoàn thành một nửa kế hoạch kinh doanh cả năm sau 9 tháng.

Theo đó, lũy kế 9 tháng đầu năm, HAGL Agrico đạt 2.678 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 900 tỷ so với cùng kỳ, chủ yếu do doanh thu từ bò giảm mạnh từ 2.632 tỷ xuống 659 tỷ đồng, chiếm hơn 65% tổng doanh thu hợp nhất của tập đoàn HAGL.

Trong khi doanh thu bò thịt bị thu hẹp đáng kể thì trái cây trở thành nguồn thu chủ đạo của công ty với hơn 1.259 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với kế hoạch đặt ra (2.600 tỷ đồng) cho cả 3 loại trái cây là chuối, thanh long và chanh dây thì HAGL Agrico mới hoàn thành 49% kế hoạch.

Ngoài ra, sau khi biên lợi nhuận từ hoạt động trồng cây ăn trái đạt mức cao 60% vào quý II thì đến quý III đã giảm mạnh xuống còn 40%. Nhưng nếu so với các hoạt động kinh doanh khác đây vẫn là mức biên lợi nhuận rất cao so với các doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực khác.

(Theo Zing)