Những thôn/xã du lịch như Khe Rạn (Nghệ An), Yên Đức (Quảng Ninh),… xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam. Từ phát triển du lịch, người nông dân vừa có thêm thu nhập, thôn quê cũng đổi mới nhờ nguồn thu từ làm dịch vụ du lịch.

Dân làng trở thành “hướng dẫn viên”

Du lịch ở Khe Rạn (Bồng Khê, Con Cuông, Nghệ An) mang đến du khách một cảm nhận khác biệt. Bởi đến đây, du khách sẽ được thưởng thức những điệu múa, món ăn… do chính những người nông dân “chân lấm tay bùn” thực hiện.

Với hơn 100 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Thái sinh sống từ lâu đời, Khe Rạn mang đến du khách những điệu múa xòe quạt Thái đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt, du khách còn được tham gia trực tiếp vào các hoạt động thêu thùa dệt vải, nấu những món ăn truyền thống của người Thái.

Là 1 trong 4 bản được huyện Con Cuông chọn làm điểm xây dựng bản du lịch cộng đồng, người dân Khe Rạn đã có thu nhập ổn định từ du lịch. Nhờ đó, bà con cũng ý thức hơn về việc giữ gìn văn hóa truyền thống cũng như diện mạo làng quê sạch đẹp.

Còn đến Quảng Ninh, những người thích du lịch trải nghiệm không thể bỏ qua tour du lịch “ba cùng” tại làng quê Yên Đức (xã Yên Đức, thị xã Đông Triều) khi được cùng ăn, cùng ở và cùng làm các công việc hàng ngày với chính những người dân địa phương.

Trung bình, mỗi tháng, mô hình du lịch làng quê Yên Đức đón trên 2000 lượt khách đến thăm quan, trải nghiệm. Nhờ đó, đời sống của những người nông dân đã được cải thiện rõ rệt với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/ tháng.

“Du lịch làng” không chỉ mang lại việc làm, tăng thu nhập cho người dân mà còn góp phần giữ gìn bức tranh làng quê xanh đẹp ở Yên Đức.

{keywords}
 

Đổi đời nhờ du lịch sinh thái

Ông Lê Minh Tâm (khu vực 7, phường Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) được xem là ví dụ điển hình cho những người nông dân thành “tỷ phú” nhờ du lịch.

Từ vườn câu tạp của gia đình đã cằn cỗi, ông Tâm quyết định trồng thử 8 công dâu bòn bon và gia bảo. Sau 4 năm thu nhập đã cao gấp 5 lần so với làm lúa. Từ đó, ông Tâm đầu tư mở rộng diện tích lên 50 công đất, trồng thêm dâu Xiêm, dâu Hạ Châu…, biến vườn cây nhà thành vườn du lịch sinh thái.

Ông Tâm cũng đầu tư thêm nhiều cảnh quan để thu hút du khách. Mỗi ngày vườn dâu của ông Tâm đón hàng trăm khách đến tham quan, mang lại lãi ròng mỗi năm trên 1 tỷ đồng.

Mô hình du lịch sinh thái hiện cũng đang là định hướng của nhiều địa phương trên toàn quốc nhờ mang thêm thu nhập cho người nông dân, đồng thời thay đổi ý thức giữ gìn môi trường, văn hóa làng quê.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu xuất hiện một số mô hình thí điểm nông dân (ND) kết hợp sản xuất với làm du lịch vườn. Những vườn nhãn, quýt và bưởi da xanh thu hút hàng trăm lượt khách tham quan. Đặc bệt, mô hình này vừa thu hút khách du lịch đồng thời giúp người nông dân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.

{keywords}
 

Ở nhiều làng quê Việt Nam, chuyện những người nông dân làm du lịch không còn hiếm. Ngay ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, mô hình làm nông kết hợp du lịch sinh thái cũng được chú trọng. Mô hình này không chỉ mở ra những gói sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn mà còn là động lực phát triển nông nghiệp sạch ở các địa phương.

Để hỗ trợ nông dân làm du lịch, tại nhiều địa phương đã có chính sách hỗ trợ cụ thể. Như ở Đồng Tháp, nông dân sẽ được hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay trong hạn khi vay vốn ở các ngân hàng để đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại những khu vực được tỉnh phê duyệt. Số nợ vay cao nhất không quá hai tỷ đồng/hộ.

Còn tại TP.HCM, Sở Du lịch thành phố hỗ trợ bà con nông dân ở các xã nông thôn mới xây dựng những tuyến du lịch miệt vườn, hướng dẫn cho du khách trồng trọt, chăn nuôi, nghỉ lại, theo mô hình homestay với người dân…

D. An - Thu Hương (tổng hợp)