So sánh trong ASEAN, Việt Nam đứng sau hầu hết các nước, chỉ trên Lào và Campuchia. Năm 2018, cũng chỉ có Việt Nam, Lào, Campuchia giảm bậc, các nước ASEAN khác đều tăng bậc, trong đó, Philippines tăng 12 

Cách mạng 4.0: Không tận dụng cơ hội sẽ bị bỏ lại phía sau

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam ở vị trí 77. Khi so sánh với thứ hạng 74 của Việt Nam năm ngoái, có ý kiến cho rằng Việt Nam giảm bậc. Nhưng thực tế lại không đơn giản như vậy.

Lý do khiến thứ hạng năm nay thay đổi

Trao đổi với PV.VietNamNet, nhiều chuyên gia theo sát về môi trường kinh doanh cho rằng WEF không thể đánh giá Việt Nam tụt hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu so với năm ngoái.

Bởi thực tế là, trong bối cảnh công nghệ thay đổi mạnh mẽ, phân cực chính trị và sự phục hồi kinh tế mong manh, Diễn đàn Kinh tế thế giới đã thay đổi cách thức đánh giá và xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, chú trọng tới yếu tố thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn và nâng cao thu nhập của người dân. Với cách tiếp cận mới, chỉ số này có tên gọi mới là Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 (GCI 4.0).

{keywords}
Việt Nam còn vị trí khiêm tốn trong các nước ASEAN

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) phân tích: Năm 2017, Diễn đàn Kinh tế thế giới vẫn đánh giá và xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, nhưng bổ sung thêm chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 để tham khảo. Năm 2018, Diễn đàn kinh tế thế giới chính thức áp dụng phương pháp mới và công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2018 với việc đánh giá và xếp hạng chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0.

“Do cách tiếp cận khác nhau nên xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 không so sánh được với xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu trước đây”, bà Thảo cho hay.

Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 được xác định dựa trên một tập hợp mới các nhân tố ảnh hưởng tới năng suất trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. GCI 4.0 đánh giá được các nội dung quan trọng như nguồn nhân lực, mức độ sáng tạo, đổi mới, mức độ kháng cự với các cú sốc bên ngoài và sự nhạy bén.

Những nội dung này được thể hiện qua các yếu tố quan trọng mới khác (ví dụ như: văn hoá doanh nhân, doanh nghiệp có ý tưởng đột phá, sự phối hợp của nhiều bên liên quan, tư duy phản biện, niềm tin của xã hội,... ), bên cạnh những yếu tố truyền thống (như ứng dụng CNTT, cơ sở hạ tầng, ổn định kinh tế vĩ mô, quyền tài sản,... ).

Với cách tiếp cận mới, chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 có cách tính điểm mới, từ 0 đến 100 (tốt nhất, điểm tới hạn). Cách tính điểm này nhấn mạnh rằng năng lực cạnh tranh không phải là cuộc chơi bằng không mà có thể được cải thiện ở tất cả các nền kinh tế.

Giống với chỉ số Năng lực cạnh tranh trước đây, GCI 4.0 cũng dựa trên các trụ cột (12 trụ cột). Có tổng số 98 chỉ số được đánh giá. 12 trụ cột trong GCI 4.0 phản ánh quy mô và mức độ phức tạp của các yếu tố động lực thúc đẩy tăng năng suất và năng lực cạnh tranh. Những trụ cột này bao gồm: Thể chế; Cơ sở hạ tầng; Mức độ ứng dụng CNTT; Ổn định kinh tế vĩ mô; Y tế; Kỹ năng; Thị trường hàng hoá; Thị trường lao động; Thị trường tài chính; Quy mô thị trường; Mức độ năng động và đa dạng trọng kinh doanh; và Năng lực đổi mới, sáng tạo.

{keywords}
Dù có nỗ lực nhưng điểm chỉ số sáng tạo của Việt Nam vẫn rất thấp. Ảnh L.Bằng

Dấu hiệu tụt lại đằng sau các nước ASEAN

Chia sẻ với phóng viên, TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia), cũng cho rằng: Diễn đàn Kinh tế thế giới lần này thay đổi khá nhiều về nhân tố đánh giá nên không nên so sánh với năm ngoái, mà nên tính như điểm khởi đầu.

“Những chỉ số quan trọng nhất như năng lực sáng tạo, hạ tầng... thì Việt Nam đều thấp, các năm trước cũng vậy. Cải thiện các chỉ số phụ đó cần rất nhiều thời gian. Vì thế, khó có thể nói Việt Nam sẽ cải thiện được năng lực cạnh tranh trong thời gian ngắn”, TS Trần Toàn Thắng chia sẻ.

Thực tế từ nhiều năm nay, chỉ số về năng lực sáng tạo của Việt Nam đều không có nhiều cải thiện.

Theo kết quả xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2018, chỉ số GCI 4.0 của Việt Nam giảm 4 bậc (từ 74 xuống vị trí 77) nhưng điểm tuyệt đối cải thiện 0,2 điểm với 4/12 trụ cột tăng điểm. Đáng chú ý là 7/12 trụ cột giảm điểm.

“Điều này cho thấy, Việt Nam có cải thiện về năng lực cạnh tranh 4.0, nhưng chậm và thiếu bền vững”, bà Nguyễn Minh Thảo chia sẻ.

Trụ cột có điểm cải thiện nhiều nhất là Hiệu quả thị trường lao động; tiếp đến là Mức độ ứng dụng CNTT... Điểm số về Ổn định kinh tế vĩ mô được đánh giá không có sự thay đổi so với năm 2017.

7/12 trụ cột của Việt Nam giảm điểm, trong đó đánh giá về Kỹ năng giảm 1,5 điểm; yếu tố Thể chế giảm 1,2 điểm; yếu tố Cơ sở hạ tầng, Hiệu quả thị trường hàng hoá, Hiệu quả thị trường tài chính giảm 0,6 điểm mỗi trụ cột; Năng lực Đổi mới sáng tạo giảm 0,5 điểm và Mức độ năng động trong kinh doanh giảm 0,3 điểm.

Kết quả này chứng tỏ rằng các động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo để tiếp kịp xu thế 4.0 của Việt Nam còn yếu và chưa hiệu quả. Trong đó, thủ tục hành chính vẫn là rào cản nặng nề, văn hoá doanh nhân giảm điểm, mức độ trao đổi và đa dạng hoá còn thấp, mức độ thương mại hoá hạn chế.

So sánh trong ASEAN, Việt Nam đứng sau hầu hết các nước, chỉ trên Lào và Campuchia. Năm 2018, cũng chỉ có Việt Nam, Lào, Campuchia giảm bậc, các nước ASEAN khác đều tăng bậc, trong đó, Philippines tăng 12 bậc.

“Như vậy, có thể nói Việt Nam đang tụt lại đằng sau các nước ASEAN về năng lực cạnh tranh 4.0”, bà Nguyễn Minh Thảo nhận định.

Vì thế, các chuyên gia cho rằng, muốn tiến kịp các nước trong khu vực đòi hỏi phải đẩy nhanh quá trình phát triển theo xu thế 4.0; tập trung hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh; ứng dụng CNTT rộng rãi, trong đó có lĩnh vực hành chính công; nâng cao hiệu quả các thị trường (nhất là thị trường hàng hoá hiện đang xếp ở vị trí gần cuối bảng - thứ 102). Đồng thời có cơ chế khuyến khích, thúc đẩy tính sáng tạo, năng động trong kinh doanh thay vì tư duy tạo rào cản để quản lý.

 Lương Bằng 

Robot Sophia nói gì về Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam?

Robot Sophia nói gì về Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam?

Tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 sáng 13/7 tại Hà Nội, robot Sophia đã trả lời nhiều câu hỏi về Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam.