Lục Ngạn (Bắc Giang) không phải vùng "đất mẹ" sinh ra cây vải thiều. Trong hành lý những người di dân lên vùng đất mới làm kinh tế hồi ấy, người ta chỉ mang theo ít cây này cho đỡ nhớ quên hương. Thế nhưng, những năm cuối thập niên 80 (thế kỷ XX), cây vải thiều đã cho quả ngọt, giúp họ cải thiện cuộc sống, thu vàng ròng, sắm những chiếc Dream Thái giá lên tới 40 triệu đồng.

Cây vải theo chân người di cư

Trái với hình ảnh khó khăn, nghèo đói nhà tranh đắp đất, đồi núi hoang vu với những vườn sắn còi cọc, ruộng lúa bao thai không có bông vì hạn hán,... vào những ngày cuối năm 2017, về vùng đất Lục Ngạn (Bắc Giang) sẽ thấy những con đường bê tông chạy quanh co uốn lượn qua các đồi vải bạt ngàn một màu xanh mướt. Dọc đường đi, chẳng khó để bắt gặp những ngôi nhà cao tầng, những biệt thự mọc lên giữa nền xanh ngắt của đồi vải. Dân Lục Ngạn giờ không còn đi xe đạp với hai sọt thồ, thay vào đó là ô tô, xe máy chạy khắp đường làng.

Cuộc sống nơi đây đã thay đổi thực sự nhờ cây vải thiều. Thế nhưng, Lục Ngạn không phải nơi "đất mẹ" sinh ra loại cây đặc sản cho trái ngọt này. Chúng được những người di dân lên đây làm kinh tế mới đem theo để trồng cho đỡ nhớ quê hương.

{keywords}
Vào những năm 1953-1956, vải thiều gốc ở Hải Dương được những người di dân đem lên vùng Lục Ngạn trồng cho đỡ nhớ quê (ảnh: B.Hân)

Dẫn chúng tôi vào thăm vườn vải bạt ngàn của gia đình, rộng tới gần chục ha, ông Nguyễn Văn Hiền ở xã Tân Mộc (Lục Ngạn) nói: "Vườn này được 25 năm tuổi. Năm ngoái trên vùng này mất mùa nhưng vườn nhà tôi lại thắng lớn vì vải sai trĩu cành, cây cho trái đẹp đỏ au".

Sau khi thăm khu vườn vải đang chuẩn bị ra hoa, ông Hiền mời chúng tôi vào căn nhà hai tầng được xây giữa vườn để uống nước. Nhấp một ngụm nước chè, ông nói tiếp: "Vải thiều không phải là loại cây được sinh ra ở vùng Lục Ngạn. Chúng vốn là cây có nguồn gốc ở Hải Dương, được người dân đem lên đây trồng rồi từ đó phát triển thành vùng vải thiều đặc sản lớn nhất cả nước như bây giờ".

Ông Hiền kể, vào năm 1953, nhà nước có chính sách di dân đi làm vùng kinh tế mới. Khi ấy, rất nhiều người dân ở Hải Dương quyết định đi lên vùng Lục Ngạn này để xây dựng kinh tế theo chủ trương của Nhà nước. Lúc rời quê hương, mỗi người đem theo 1-2 cây vải thiều giống để trồng trước nhà lấy quả ăn, gọi là đem theo hương vị quê nhà cho đỡ nhớ.

Khi những cây vải đầu tiên bói quả, ai nấy ăn thử đều thấy quả thơm, ngon ngọt, mọi người tự xin giống nhân ra trồng. Thời bấy giờ, họ trồng chỉ để lấy quả ăn chứ không ai nghĩ đến chuyện buôn bán. Vùng Lục Ngạn những năm đó còn nghèo khó, người dân ở nhà tranh đắp đất, trồng ngô, khoai, sắn, lúa,... Vụ nào được mùa thì đủ ăn, mất mùa thì bữa đói bữa no.

{keywords}
Khi cây vải cho quả ngọt thơm, người dân Lục Ngạn bắt đầu xin giống trồng trong vườn nhà mình lấy quả ăn (ảnh: B.Hân)

Như nhà ông, năm 1975 cũng bắt đầu trồng mấy trăm gốc vải thiều ở vườn nhà. "Năm đó nghĩ đơn giảm lắm. Ruộng thì trồng lúa, trồng khoai, đất đồi của nhà toàn bỏ không không biết làm gì nên đành trồng vải. Mà khi ấy trồng cũng đơn giản, đào hố cho cây vải xuống lấp đất là xong. Cứ thế đợi 4 năm sau chúng ra quả chứ không biết chăm sóc bón phân như bây giờ", ông nói.

Dân ở đây đất đồi rộng nên mỗi nhà trồng vài cây, nhà nào nhiều trồng vài chục gốc để lấy cây ăn quả ăn. Giống như thời bây giờ ở các vùng quê khác, mỗi nhà vẫn trồng 1-2 cây bưởi, cây xoài,... để đến mùa có quả ăn đỡ phải ra chợ mua, ông cho hay.

Thuê ô tô tải chở xe Dream Thái về cho cả thôn

Đến năm 1986, chính sách đổi mới, giao thương giữa các tỉnh được mở ra, tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông giữa các địa phương dễ dàng hơn. Theo đó, thương lái từ khắp nơi đổ lên Lục Ngạn mua buôn vải thiều khiến những người trồng vải trúng đậm.

Hồi đó, vải thiều bán đắt như tôm tươi, giá cao ngất ngưởng lên tới 12.000-15.000 đồng/kg. Đặc biệt, người trồng không phải đem vải đi bán, dân buôn vào tận vườn tự bẻ vải cân và trả tiền, loại nào cũng lấy. Những năm đó, dân Lục Ngạn còn không có sọt để như bây giờ, các gia đình toàn để vào bu gà rồi cân. Là một trong những nhà trồng nhiều vải thiều sớm nhất lúc bấy giờ nên mỗi vụ, nhà ông thu được hàng trăm triệu đồng - ông Hiền khoe.

{keywords}
Nửa cuối thập niên 80, vải thiều bán được giá cao ngất ngưởng nên một số người dân Lục Ngạn lúc bấy giờ trúng lớn, nhiều nhà giàu lên nhanh chóng (ảnh: Lê Anh Dũng)

"Cuộc sống đúng như một giấc mơ. Đang từ nghèo đói phải ăn khoai ăn sắn trừ bữa, ở nhà tranh đắp đất. Ấy vậy mà qua một vụ vải thiều xong tôi thu được cả đống tiền, gia đình đổi đời luôn. Có tiền, năm 1986 tôi xây được nhà gỗ 5 gian vững chắc, sắm được tivi đen trắng, sau đó sắm được cái tivi màu. Rồi còn mua được cả chiếc xe Dream Thái xịn giá 40 triệu nữa. Nhiều người cứ đem vải ra thị trấn bán, chiều về lại mua được 1-2 chỉ vàng", ông Hiền nhớ lại.

Bây giờ mỗi năm bán vải gia đình ông cũng thu được hàng tỷ đồng, cộng với tiền bán cam, bán bưởi nữa là được 2 tỷ. Số tiền này rất lớn với những người làm nông nhưng ông vẫn nhớ tới thời đem bu gà đựng vải mà bán được hàng trăm triệu đồng. Bởi khi ấy đói kém, có được vài trăm ngàn đã quý rồi chứ nói gì tới hàng trăm triệu đồng, ông Hiền cho hay.

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cũng cho hay, thời điểm cuối những năm 80 cho đến năm 1990, giá vải lên tới 14.000-15.000 đồng/kg. Bản thân người trồng vải khi đó còn không dám ăn vì đem tất cả vải trong vườn đi bán lấy tiền.

Không nhớ chính xác được giá lúa thời kỳ ấy, nhưng người dân cứ bán 1 tạ vải thiều thì mua được 1 tấn lúa. Một bộ phận đi trước là những hộ trồng vải ở xã Tân Quang, Tân Lập, Tân Mộc, ở thị trấn, ở Quý Sơn,... đổi đời từ cây vải.

Có người vào những năm 1990 đã mua được xe Dream 40 triệu đồng. Thậm chí, có những thôn còn thuê cả xe ô tô tải chở xe máy Dream Thái về nhà, bởi họ mua cùng lúc cả chục chứ không phải mua lẻ 1 chiếc. Cán bộ công chức, nhân dân miền xuôi chưa mơ đến những chiếc xe máy như thế mà nhờ trồng vải, người dân Lục Ngạn đã sắm được xe xịn để chạy vèo vèo ngoài đường, ông Bình nhớ lại.

Bảo Hân