Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tập trung chỉ đạo những vấn đề lớn của ngành Công thương, gây chú ý của dư luận thời gian qua như dự án thua lỗ đắp chiếu, công tác cán bộ, cải cách thủ tục hành chính... Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2016 vừa qua, ngành Công Thương đã bị vấp nhưng chưa ngã, và có sự vươn lên mạnh mẽ.

Ngày 6/1, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tập trung chỉ đạo những vấn đề lớn của ngành Công Thương, gây chú ý của dư luận thời gian qua.

Đối với việc xử lý các dự án thua lỗ của ngành, Thủ tướng cho rằng do quá trình đầu tư vận hành, quản lí, thị trường nên thua lỗ kéo dài, đắp chiếu.

“Quốc hội đã hỏi thăm sức khỏe Chính phủ suốt trong vụ này”, Thủ tướng nói và cho biết, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo xử lý các dự án thua lỗ.

{keywords}

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại hội nghị tổng kết ngành Công thương

Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tập trung giải quyết những tồn đọng ở các dự án thua lỗ. Trong đó, phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu đơn vị đã để xảy ra việc này.

“Nhà nước không có khả năng và cũng không nên ném tiền vào dự án thua lỗ”, Thủ tướng nhắc lại những chỉ đạo xuyên suốt lâu nay.

Với một Bộ quản lý nhiều ngành kinh tế, có các tập đoàn quan trọng, Thủ tướng cũng nhắc nhở Bộ Công Thương, các tập đoàn, DNNN thuộc Bộ phải tuân thủ các quy định về môi trường trong đầu tư, kinh doanh.

“Tôi tuyên bố rồi. Những hành vi vi phạm đến môi trường, làm ảnh hưởng trực tiếp đến người dân thì không phải xử lý hành chính nữa mà là hình sự. Vì lợi nhuận, vì doanh thu mà xả ầm ầm ra môi trường là không được”, Thủ tướng khẳng định.

Bên cạnh đó, công tác cán bộ của Bộ Công Thương cũng được Thủ tướng đặc biệt lưu ý bởi thời gian qua còn nhiều bất cập, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng uy tín của ngành, trong đó có việc quản lý cán bộ DNNN trực thuộc.

Với công tác cải cách thủ tục hành chính, cơ cấu bộ máy, Thủ tướng đánh giá Bộ Công Thương đã đạt kết quả tốt theo hướng tinh giản, hiệu quả.

“Đây là bộ làm tốt nhất. Số đầu mối giảm xuống, biên chế giảm, số phòng, số cục, vụ giảm”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng liệt kê một loạt quy định về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh vừa qua được Bộ Công Thương dỡ bỏ như cắt giảm và đơn giản hóa 123 thủ tục hành chính hồi đầu tháng 12, bãi bỏ Thông tư 37 đối với lĩnh vực dệt may, ra mắt Cổng dịch vụ công trực tuyến, sửa đổi Thông tư 07,... bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.

“Đây là điểm nhấn trong công tác cải cách thủ tục hành chính để phục vụ người dân, DN tốt nhất, hiệu quả nhất”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

{keywords}
Năm qua ngành Công thương phải giải quyết nhiều công việc liên quan đến nhân sự, dự án ô nhiễm môi trường, thua lỗ,...

Cho rằng môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản, Thủ tướng khẳng định phải tạo ra môi trường để người dân làm ăn tử tế, sòng phẳng, không bị chèn ép.

Nhìn tổng thể những việc được và chưa được ngành Công Thương đã làm trong suốt năm qua, Thủ tướng nhấn mạnh: Năm 2016 vừa qua, ngành Công Thương đã bị vấp nhưng chưa ngã, và có sự vươn lên mạnh mẽ.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, năm 2016, cả nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng triển khai thực hiện nhiệm vụ với một số thuận lợi nhưng cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức mới nảy sinh. Những yếu tố đó đã tác động đến phát triển kinh tế chung của đất nước. Tăng trưởng GDP cả năm 2016 tăng 6,21%, thấp hơn mức tăng 6,68% của năm 2015.

Dù vậy, Bộ trưởng Công Thương đánh giá đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Bộ trưởng Công Thương cũng cho biết đã bãi bỏ những quy định bất hợp lý, không còn phù hợp như quy định cấp Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng cho từng lô hàng nhập khẩu, chỉ định tổ chức kiểm nghiệm...

Đối với các doanh nghiệp đã cổ phần hóa (Sabeco, Habeco), đến nay các DN đã hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán, dự kiến sẽ hoàn thành đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Đặc biệt, người đứng đầu ngành Công Thương khẳng định sẽ tiếp tục cải cách hành chính, tổ chức bộ máy, phòng và chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí.

Lương Bằng