“Nếu sai phạm đó bắt nguồn từ cơ quan nhà nước, từ UBND các tỉnh, thành phố thì không thể để doanh nghiệp chịu trách nhiệm. Doanh nghiệp (DN) và người mua cổ phần, người trở thành cổ đông sau quá trình cổ phần hóa đều phải dựa trên quyết định, thủ tục, quy trình cổ phần hóa của Nhà nước. Không thể bắt họ chịu trách nhiệm cho một quy trình nếu được tiến hành không đúng của cơ quan nhà nước”. Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia về cổ phần hóa khi được hỏi về kiến nghị rà soát 60 dự án của Bộ Tài chính.

Phải làm rõ sai ở khâu nào

Mới đây, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tạm thời đình chỉ thi công các dự án xây dựng nhà cao tầng đang triển khai thực hiện tại trung tâm thành phố lớn mà chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao sử dụng đất không qua đấu giá. Mục tiêu của kiến nghị nhằm tránh nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa.

Thông tin này đã ngay lập tức gây xôn xao dư luận, khiến nhiều chủ đầu tư lẫn khách hàng “đứng ngồi không yên”. Lý do là trong 60 dự án trên có nhiều dự án đã hoàn thành, bán cho khách hàng hay đang xây dựng.

{keywords}

Bình luận về điều này, luật sư Đỗ Trọng Hải, Chủ tịch Công ty Luật TNHH Bizlink, Phó chủ nhiệm Ủy ban giám sát Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng: Việc Bộ Tài chính rà soát các dự án này theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là cần thiết nhưng cần “phải vô cùng cẩn trọng”.

Luật sư Đỗ Trọng Hải cũng không khỏi băn khoăn trước việc Bộ Tài chính đề nghị tạm đình chỉ thi công hàng loạt các dự án xây dựng nhà cao tầng như đã nói ở trên. Lý do là còn có nhiều cách hiểu và giải thích khác nhau về việc áp dụng Điều 118 Luật đất đai về nghĩa vụ đấu giá quyền sử dụng đất với đất mà các doanh nghiệp thuê và trả tiền thuê đất hàng năm trong giai đoạn cổ phần hoá. 

Theo luật sư Đỗ Trọng Hải, để tránh “vơ đũa cả nắm” cần xác định rõ dấu hiệu vi phạm của từng dự án cụ thể và có căn cứ pháp luật chắc chắn thì mới tiến hành đình chỉ. Ví dụ ở dự án biệt thự Sơn Trà (Đà Nẵng) sau khi người dân phát hiện, cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra thấy vi phạm rõ ràng thì mới tạm đình chỉ thực hiện.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, cổ phần hóa, bao gồm định giá tài sản đất đai là quá trình dài, với sự tham gia của nhiều bộ ngành, cơ quan chủ quản, UBND các tỉnh, thành phố. Việc vi phạm nếu có cũng phải xem xét cẩn thận bắt nguồn từ đâu, xác định rõ trách nhiệm của từng khâu và từng cơ quan, tổ chức và cá nhân.

“Nếu sai phạm đó bắt nguồn từ cơ quan nhà nước, từ UBND các tỉnh, thành phố thì không thể để DN chịu trách nhiệm. DN, người mua cổ phần, người trở thành cổ đông sau quá trình cổ phần hóa đều phải dựa trên quyết định, thủ tục, quy trình cổ phần hóa của Nhà nước, cho nên không thể bắt họ chịu trách nhiệm cho một quy trình nếu được tiến hành không đúng của cơ quan nhà nước”, vị chuyên gia này phân tích.

Thận trọng, tránh nhầm lẫn

Cổ phần hóa là một chính sách lớn của nhà nước, rất nhiều bộ ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố tham gia vào quá trình này với một quy trình rất chặt chẽ.

Do đó, theo luật sư Đỗ Trọng Hải thì “Đáng lẽ các cơ quan nhà nước phải rút kinh nghiệm ngay, phải rà soát lại chính quy định và quy trình thực hiện của mình ở cấp bộ lẫn cấp tỉnh, thành phố. Từ lúc cổ phần hóa với doanh nghiệp chưa có dự án xây nhà để bán đến lúc doanh nghiệp hoàn tất thủ tục và tiến hành xây nhà để bán trên thực tế phải mất ít nhất vài năm, không ít đâu. Đấy là khoảng thời gian dài để rà soát xử lý nhưng đến giờ, khi phát hiện có vấn đề thì ta mới đề xuất đình chỉ hàng loạt dự án”.

Hệ quả của việc này đã khiến cho toàn thị trường xôn xao. Bởi theo luật sư Hải, trong số những dự án vào tầm ngắm kia, có thể có dự án làm đúng, có thể có dự án sai phạm ở khâu nào đó. Nhưng không thể giả định tất cả dự án đó đều sai để áp dụng biện pháp “đình chỉ” đồng loạt và cứng nhắc.

Trong khi đó, quyền lợi của bất kì doanh nghiệp nào cũng đều cần được bảo vệ, tránh sự lạm dụng khi chưa có căn cứ pháp luật rõ ràng. Trong trường hợp có sự nhầm lẫn, nếu thiệt hại về mặt kinh tế phát sinh cho người dân và doanh nghiệp thì ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm hay chúng ta lại phải lấy tiền của nhà nước ra để đi bồi thường cho doanh nghiệp khi bị kiện tụng vì những sai sót không đáng có này?

Nhìn lại câu chuyện gây xôn xao dư luận này, luật sư Đỗ Trọng Hải cho rằng dù hoàn toàn đồng tình với mục tiêu tránh thất thoát nhưng cần cân nhắc biện pháp thực hiện. Khi chúng ta đang đi khắc phục một hiện tượng vi phạm pháp luật thì phải bằng một quy trình đúng pháp luật".

Do đó, thay vì tạo ra những bất ổn không đáng có cho thị trường và nền kinh tế, khiến các doanh nghiệp và thị trường xôn xao, các cơ quan ban ngành cần thận trọng trước mỗi nội dung có sức ảnh hưởng đến thị trường mà kiến nghị của Bộ Tài chính là điển hình mới nhất.

Hoài Nam