Bộ GTVT đã 2 lần từ chối Đề án thí điểm ứng dụng công nghệ để quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng của Công ty Uber Việt Nam, có nghĩa hoạt động của Uber tại Việt Nam là bất hợp pháp. Uber đã tạo ra cuộc cách mạng về vận tải hành khách khi kéo giảm giá cước, khiến các hãng taxi truyền thống đau đầu. Việc xem hoạt động của Uber là trái luật đã hợp lý chưa với Uber, khi dịch vụ này nhận được nhiều sự ủng hộ của hành khách?

Uber bị làm khó?

Giải thích lý do từ chối Đề án của Uber, đại diện Bộ GTVT cho rằng: Uber Việt Nam không được chấp thuận vì giấy phép hoạt động chỉ có kinh doanh phần mềm chứ không phải kinh doanh vận tải. Có nghĩa, Uber Việt Nam chưa xin giấy phép kinh doanh vận tải mà đã thực hiện kết nối vận tải với các doanh nghiệp.

Mặt khác, Uber Việt Nam là đơn vị trình Đề án nhưng thực tế hợp đồng với tài xế, doanh thu,... đều ký trực tiếp với Công ty Uber BV tại Hà Lan (cung cấp dịch vụ xuyên biên giới), và Uber Việt Nam không có bất cứ trách nhiệm gì khi phát sinh các tranh chấp, vướng mắc với khách hàng. Nếu khách hàng muốn đòi quyền lợi thì phải liên hệ với Uber BV tại Hà Lan. 

{keywords}
Uber vẫn bị xem là bất hợp pháp ở Việt Nam, chưa được phép hoạt động.

Chia sẻ với PV.VietNamNet, ông Trần Toàn Thắng, Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), nhìn nhận: Nếu theo đúng thông tin trên các báo thì lý do Bộ GTVT đưa ra là phù hợp.

Cụ thể, phải xem Uber BV Hà Lan đã ủy quyền những gì cho Uber Việt Nam. Nếu Uber Viet Nam được ủy quyền đảm nhận trách nhiệm quản lý hoạt động kinh doanh của Uber B.V Hà Lan tại Việt Nam thì việc Bộ GTVT yêu cầu Uber Việt Nam đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh là phù hợp.

Theo Luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp vẫn phải ghi ngành, nghề kinh doanh trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và mỗi khi thay đổi, bổ sung ngành, nghề kinh doanh vẫn phải gửi thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh, chỉ không ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

“Tôi cũng được biết, Bộ GTVT không có ý định cấm Uber hoạt động ở Việt Nam mà chỉ yêu cầu Uber phải bổ sung các quy định phù hợp với luật pháp Việt Nam”, ông Thắng chia sẻ.

Dù vậy, vị chuyên gia này cũng nhìn nhận thực tế là đến nay, vẫn chưa xác định rõ ràng về loại hình kinh doanh của Uber trong khung khổ pháp luật hiện hành. Còn nhiều quan điểm tranh cãi khác nhau xem đây là loại hình dịch vụ khoa học công nghệ, hay dịch vụ phần mềm kết nối, hay kinh doanh thương mại điện tử, hay là loại hình kinh doanh mới cần bổ sung.

“Ngày 24/8/2016, Bộ Tài chính đã có công văn 11828 hướng dẫn về thuế đối với loại hình kinh doanh của Uber, trong đó xác định dịch vụ phần mềm kết nối giữa lái xe và hành khách sẽ phải nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 3%, như đối với dịch vụ vận tải.

Như vậy, trong khi chờ cơ quan có thẩm quyền xác định loại hình kinh doanh của Uber, có thể coi tạm thời đây như một loại hình dịch vụ điện tử kết nối gắn liền với dịch vụ vận tải”, ông Thắng phân tích.

Phải làm rõ loại hình kinh doanh của Uber

Ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia về chính sách công, chỉ ra sự bất cập khi các quy định hiện nay vừa xem Uber vào kinh doanh vận tải, lại vừa coi đó thương mại điện tử. 

{keywords}
Dù chưa được Bộ GTVT công nhận tính hợp pháp song Uber vẫn hoạt động và phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Ảnh: L.Bằng

“Tôi chỉ muốn nói là xu hướng về kinh tế chia sẻ, tiêu biểu là Uber hay Air Bnb, là không thể cưỡng lại. PEW - một tổ chức uy tín chuyên khảo sát ở Mỹ chỉ ra rằng 73% người Mỹ chưa quen với khái niệm về kinh tế chia sẻ, nhưng có đến 72% trên thực tế đã từng sử dụng các loại hình dịch vụ của kinh tế chia sẻ (khảo sát vào tháng 5/2016)”, ông Đồng nói.

Theo chuyên gia này, kinh tế chia sẻ là xu thế tất yếu. Vì thế, với tư cách là bên điều hòa lợi ích, cơ quan quản lý cần khuyến khích các DN Việt Nam đi theo xu hướng, đón đầu xu hướng chứ không nên cưỡng lại xu hướng.

“Không nên làm giảm đi mà làm giảm cơ hội kinh doanh của vài chục loại hình khác có thể phát sinh, phát triển nhờ nền tảng kinh tế chia sẻ. Bởi vì Uber, Air Bnb chỉ là nền tảng công nghệ, sẽ có những lợi ích lan tỏa từ đó ra”, ông Đồng nhấn mạnh.

“Môi trường luật pháp là môi trường chung cho xu thế tiến bộ chứ không phải môi trường riêng cho một mình Uber. Cứ loay hoay với Uber, vài hôm nữa Air Bnb vào thì kinh doanh khách sạn cũng ở tình trạng tương tự”, ông Đồng bày tỏ.

Ông Trần Toàn Thắng đánh giá: Rõ ràng đang có sự lúng túng của các cơ quan quản lý trước một loại hình kinh doanh dựa trên công nghệ như Uber và Grab. Để đảm bảo cạnh tranh công bằng và tránh thiệt thòi cho người tiêu dùng, cần gấp rút xác định (ít nhất là tạm thời) loại ngành nghề kinh doanh với dịch vụ như Uber, tránh việc các cơ quan khác nhau xác định loại hình kinh doanh khác nhau như hiện nay.

“Mặt khác, cũng cần có văn bản quy định rõ về trách nhiệm bảo hiểm, giải quyết tranh chấp và các nghĩa vụ phát sinh giữa lái xe, người đi xe và Uber và các cơ quan quản lý. Văn bản đó có thể là tạm thời (trong thời gian chờ nghiên cứu, xác định loại hình kinh doanh), tuy nhiên phải được áp dụng thống nhất cho các doanh nghiệp”, ông Trần Toàn Thắng đề xuất.

Ngoài ra, theo ông Thắng, cũng cần phải xem xét việc sử dụng xe cá nhân cho dịch vụ này. Nếu xác định được cơ chế thu thuế và giải quyết các nghĩa vụ phát sinh phù hợp, việc cho phép xe cá nhân tham gia hoạt động của Uber sẽ thúc đẩy cạnh tranh, có lợi cho người tiêu dùng.

Tổng quan từ các nước cũng cho thấy chưa có sự thống nhất giữa các quốc gia về loại hình kinh doanh của Uber.

Ví dụ Singapore coi đây là dịch vụ cho thuê xe tư nhân trên nền tảng online, Philippines lại cho là dịch vụ kết nối vận tải. Tuy nhiên, khá nhiều quốc gia đã ban hành các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động này.

Lương Bằng