- Sau khi cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh – con số được cho là chưa từng có trong lịch sử ngành Công thương - Bộ này sẽ tiếp tục cắt giảm 202 thủ tục điều kiện kinh doanh trên tổng số 539 điều kiện kinh doanh còn lại trong giai đoạn 2019-2020.

Bộ Công Thương khẳng định bãi bỏ thực chất điều kiện kinh doanh

Bộ Công Thương quyết định cắt bỏ 675 điều kiện kinh doanh

Còn nhớ, vào tháng 20/9/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017–2018. 

Theo Quyết định này, 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được cắt giảm. Con số này được Bộ Công Thương đưa ra sau hơn hai tuần các đơn vị tiến hành rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực Bộ quản lý. 

{keywords}
 

675 là con số được cho là lớn chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương được các đơn vị thuộc Bộ đề nghị cắt giảm, cao hơn dự kiến ban đầu 63 điều kiện và chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh. Như vậy, sau khi cắt giảm, số điều kiện còn lại chỉ còn 541 thay vì con số dự kiến ban đầu là 752 điều kiện.

Tại thời điểm đó, giới chuyên gia cũng như dư luận cả nước đánh giá việc cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh là cuộc cải cách chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương nhiều năm nay. Thậm chí, với quyết định này, nhiều ý kiến còn cho rằng: Người đứng đầu ngành đang tự lấy đá ghè chân mình.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), người đề xuất cắt bỏ hơn 2.000 điều kiện kinh doanh đã thẳng thắn nhận xét: “Phải có sự hy sinh, quyết tâm lắm, Bộ Công Thương mới làm được như vậy. Bởi, muốn cải cách như thế này, chúng ta phải chấp nhận hy sinh lợi ích, bước lên một bước cao hơn, thúc đẩy cho phát triển chung”. Và với quyết định tiên phong này của Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhiều lần khen ngợi và cho rằng quyết định lịch sử này của Bộ Công Thương đã tạo ra bước đột phá cho một cuộc cải cách rộng khắp, để nhiều bộ ngành học tập, làm theo. 

Tại buổi Họp báo thường kỳ của Bộ Công thương vào chiều ngày 17/10, ông Lê Anh Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), cho biết, Bộ Công thương đã cắt giảm được 677 điều kiện đầu tư kinh doanh. Và ngày 11/10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ban hành Quyết định số 3720/QĐ-BCT ban hành Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2019–2020. 

Theo đó, Bộ sẽ tiếp tục cắt giảm 202 thủ tục điều kiện kinh doanh trên tổng số 539 điều kiện kinh doanh còn lại, tương đương 36,1%.  Các lĩnh vực tập trung như an toàn thực phẩm, kinh doanh thuốc lá, kinh doanh rượu, hóa chất...

Như vậy, với việc cắt giảm, đơn giản hóa lần 1 tại Nghị định 08/2018/NĐ-CP là 55,5% và cộng với dự kiến cắt giảm lần này thì tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương sẽ tương ứng hơn 72% điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ và tương ứng với khoảng 14% số điều kiện kinh doanh của cả nước cần cắt giảm.

“202 điều kiện mới được đề nghị cắt giảm quy định ở những ngành nghề khác nhau. Bộ Công Thương sẽ xây dựng nghị định cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh này, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Khi Nghị định này được ký ban hành sẽ có những đánh giá cụ thể hơn. Tuy nhiên, trước mắt, quyết định cắt giảm này đang được đánh giá rất cao. Hy vọng việc đầu tư kinh doanh của tổ chức, cá nhân sẽ thuận lợi hơn", ông Sơn nói.

Chia sẻ về việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, đây là quá trình không đơn giản, nhưng lãnh đạo bộ quyết tâm thực hiện, hướng tới mục tiêu phục vụ doanh nghiệp và người dân.

“Đã có những cuộc sinh hoạt chính trị rộng khắp trong toàn ngành để tạo thay đổi trong nhận thức của từng cán bộ, công chức. Việc rà soát, cắt giảm thủ tục được tiến hành công khai, minh bạch, qua nhiều lần, nhiều tầng, nấc chứ không chạy theo thành tích, cắt giảm phải có cơ sở và không được buông lỏng, vẫn phải đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước”.

Theo đánh giá của Tổ công tác của Thủ tướng trong báo cáo tổng hợp ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh và tình hình ban hành các văn bản liên quan đến kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh vừa được công bố mới đây, hiện có 4 bộ đã chính thức cắt giảm được 900 điều kiện kinh doanh trên tổng số 5.905 điều kiện. Trong đó, Bộ Công thương xếp vị trí đầu tiên với 675 điều kiện trong tổng số 1.216 điều kiện được cắt giảm, đạt 55,5%. Tiếp theo Bộ Xây dựng đã cắt 183 điều kiện trên tổng số 215 điều kiện kinh doanh.

Thực tế đã cho thấy, công tác cải cách hành chính nói nói chung, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa nền hành chính nói riêng luôn được lãnh đạo Bộ Công Thương, đứng đầu là Bộ trưởng hết sức quan tâm, chỉ đạo quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, gắn công tác xây dựng thể chế với công tác xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật; bảo đảm các quy định, thủ tục hành chính được thực thi thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước. Việc làm thiết thực này cũng thể hiện tư duy, tầm nhìn và tinh thần nói đi đôi với làm của người đứng đầu đang nỗ lực cao nhất góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo, vì người dân phục vụ.

Thảo Phương

Bộ Công Thương: Quyết cắt giảm khoảng 600 điều kiện kinh doanh

Bộ Công Thương: Quyết cắt giảm khoảng 600 điều kiện kinh doanh

Dự kiến, có khoảng 464-612 điều kiện kinh doanh sẽ bị cắt giảm trong thời gian tới, tương đương với khoảng 38,15-50,3% tổng số điều kiện kinh doanh.