Chỉ định thầu, miễn bảo lãnh hợp đồng, tạm ứng hàng nghìn tỷ,... cho nhà thầu PVC đã khiến hàng loạt lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giai đoạn lập dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, với tổng vốn đầu tư hơn 41.000 tỷ, vướng vòng lao lý.

Đội vốn từ 29.700 tỷ lên hơn 41.000 tỷ

Cuối năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước các dự án đầu tư xây dựng hai nhà máy nhiệt điện là Long Phú 1 và nhiệt điện Thái Bình 2.

Nhưng sau nhiều chỉ đạo, nhất là sau khi cập nhật tổng mức đầu tư Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 về mặt bằng giá tại thời điểm Quý II/2010 thì tổng mức đầu tư mới của dự án là hơn 31.500 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư này được Hội đồng quản trị PVN phê duyệt vào tháng 7/2010.

Đáng chú ý, chủ đầu tư của dự án lúc ấy là PV Power - một đơn vị thành viên của PVN  - chứ không phải PVN trực tiếp làm chủ đầu tư.

{keywords}
Dự án nhiệt điện Thái Bình 2. Ảnh: Tiền phong

Đến tháng 3/2011, Hội đồng thành viên PVN mới có Nghị quyết đồng ý chủ trương chuyển dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 từ PV Power thành PVN là chủ đầu tư. Ban quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 - đại diện cho chủ đầu tư - quản lý và tổ chức triển khai dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Đây cũng là thời điểm khởi công dự án.

Lúc này, tổng mức đầu tư của dự án lại tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng, lên gần 34.200 tỷ đồng. Nhưng đó cũng chưa phải là con số cuối cùng. Đến tháng 10/2016, PVN lại có quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư lên hơn 41.700 tỷ đồng.

Khi dự án được lập vào năm 2010, Hội đồng quản trị PVN đã có Nghị quyết về chủ trương giao Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thực hiện gói thầu EPC dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 theo hình thức chỉ định thầu. Tháng 10/2011, PVC chính thức được chỉ định thầu gói thầu EPC nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Thế nhưng, điều đáng nói là, trước khi được chính thức giao làm nhà thầu của nhiệt điện Thái Bình 2, PVC đã được PVN chuyển cho hơn 1.300 tỷ đồng và 6,6 triệu USD để thực hiện dự án (từ tháng 4 đến tháng 6/2011). Đây cũng chính là nguồn cơn khiến hàng loạt lãnh đạo PVN thời kỳ này phải trả giá.

Trong số hơn 1.300 tỷ đồng và 6,6 triệu USD này, PVC chỉ sử dụng hơn 230 tỷ và khoảng 6,6 triệu USD vào thi công dự án xây dựng nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Còn hơn 1.000 tỷ đồng, PVC đã dùng sai mục đích như thanh toán nợ gốc vay ngân hàng 425 tỷ đồng; thanh toán lãi vay ủy thác của Tập đoàn PVN 55 tỷ đồng; hỗ trợ vốn Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ 74 tỷ đồng; hỗ trợ vốn công trình Vũng Áng 103 tỷ đồng; hỗ trợ vốn các công trình khác 156 tỷ đồng.

Đến thời điểm này, Nhiệt điện Thái Bình 2 vẫn chưa hoàn thiện, đang tiếp tục thi công.

Chỉ định thầu, miễn bảo lãnh hợp đồng, tạm ứng hàng nghìn tỷ,... cho nhà thầu PVC đã khiến hàng loạt lãnh đạo cấp cao của PVN giai đoạn lập dự án nhiệt điện Thái Bình 2 bị khởi tố, bắt giam.Loạt sếp dầu khí bị khởi tố, bắt giam

Ngày 26/9, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lê Đình Mậu (45 tuổi), kế toán trưởng kiêm trưởng ban tài chính kế toán và kiểm toán Tập đoàn dầu khí Việt Nam - PVN.

Cơ quan An ninh điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can với 3 người khác cùng tội danh gồm: Vũ Hồng Chương, nguyên trưởng ban quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 (thuộc PVN); Trần Văn Nguyên, kế toán trưởng ban quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 và Nguyễn Ngọc Quý, nguyên phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Các bị can trên bị khởi tố về hành vi "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại PVC và các đơn vị thành viên.

Theo cơ quan chức năng, các bị can có dấu hiệu sai phạm trong việc tạm ứng tiền trước khi ký Hợp đồng EPC của dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Các lãnh đạo cấp cao nhất của PVN khi ấy cũng không thể né được trách nhiệm khi cơ quan điều tra vào cuộc. 

Đó là các ông Đinh La Thăng, ông Phùng Đình Thực, ông Nguyễn Quốc Khánh. Những người này đã bị khởi tố vì có nhiều sai phạm khi đương chức, trong đó có dấu hiệu sai phạm trong quá trình chỉ đạo thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Còn tại Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí (PVC), đến thời điểm này, các cựu sếp to nhất của “công ty mẹ” PVC đều đã bị khởi tố và tạm giam, bao gồm Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị; Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc PVC; Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Tổng giám đốc; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó Tổng giám đốc; Nguyễn Ngọc Quý, nguyên phó chủ tịch PVC; Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng PVC; Nguyễn Anh Minh, Tổng Giám đốc,...

Những người này bị bắt liên quan đến khoản lỗ 3.300 tỷ của PVC dưới thời Trịnh Xuân Thanh và các lùm xùm tại những dự án PVC làm nhà thầu, trong đó có Nhiệt điện Thái Bình 2.

Dự kiến đầu năm 2018, đại án Trịnh Xuân Thanh - PVC sẽ được đưa ra xét xử.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là một trong các dự án trọng điểm quốc gia do PVN làm chủ đầu tư, đại diện là Ban quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2. Với tổng công suất 1.200 MW bao gồm 2 tổ máy, khi đi vào vận hành, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 6,7 tỷ kWh/năm.

Hà Duy