Tạo ra nước rửa chén sạch từ rau già, vỏ củ,…; sản xuất gạch từ đất và phế thải; chế biến vỏ trấu thành củi… những người nông dân Việt đã thay đổi cuộc đời mình, đồng thời tạo thêm công việc cho nhiều người khác từ chính rác thải.

Kiếm bạc tỷ từ rau già, vỏ củ

Với trăn trở biến rác thải thành tiền vừa bảo vệ môi trường vừa giúp nông dân làm giàu, chị Trịnh Thị Hồng (Tiên Phước, Quảng Nam) đã bắt tay nghiên cứu cho ra đời hai loại sản phẩm là nước rửa chén và nước lau nhà với giá đến tay người tiêu dùng 25.000 đồng mỗi chai (800ml).

Điều đáng nói là sản phẩm của chị Hồng có thành phần chính từ những rác thải nông nghiệp như rau già, vỏ củ, quả, cát. Cũng từ những thành phần tự nhiên này, chị Hồng khẳng định sản phẩm nước rửa chén có công dụng rửa sạch, khử độc, khử mùi, thông cống, không kích ứng da, tiết kiệm nước, tiết kiệm thời gian. Mỗi một chai nước rửa chén có thể pha thành 3 chai, có lợi cho người tiêu dùng.

Trong khi đó, sản phẩm nước lau nhà, theo chị Hồng, có công dụng làm sạch các vết bẩn bám trên bề mặt sàn nhà, gạch men, khử mùi kể cả nước tiểu chó, mèo... Lau nhà xong có thể dùng tưới cây làm tăng độ mùn cho đất, giúp cây phát triển tốt.

{keywords}
 

Từ một nông dân, hiện chị Hồng đã trở thành giám đốc một công ty chế biến rác thải thành chế phẩm sinh học bảo vệ môi trường với doanh thu 70-90 triệu đồng mỗi tháng.

Đặc biệt, trung bình 2 tháng chị tổ chức tập huấn chuyển giao quy trình sản xuất cho dân một lần. Sau 30 ngày chị sẽ kiểm tra và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với những người sản xuất thành công. Những hộ chưa thành công thì sẽ được hướng dẫn lại cho đến khi làm được. Hiện số hộ nghèo tham gia sản xuất là 85 hộ, thu nhập từ 2,4 - 5 triệu đồng mỗi tháng, thời gian làm việc 30 phút mỗi ngày.

Dự tính đến năm 2020, chị Hồng hy vọng sẽ giải quyết cho 2.275 lao động thuộc hộ nghèo, đặc biệt ưu tiên phụ nữ nghèo.

Vỏ trấu thành củi công nghiệp

Từ những thúng trấu bỏ đi, người dân huyện Thoại Sơn (An Giang) đã biến thành sản phẩm củi trấu để xuất khẩu có giá trị.

Vỏ trấu trước đây được xem là nỗi ám ảnh của bà con nông dân vào mỗi độ thu hoạch. Vỏ trấu được bán với giá rẻ “như cho” nhưng cũng bị các lò gạch chê lên chê xuống.

Tuy nhiên, từ khi có máy ép củi trấu, vỏ trấu nhanh chóng lên giá tới gấp 7 lần. Điều này có được nhờ củi trấu giữ được nhiệt lâu, lại có giá thành rẻ hoen đến 30% so với than, củi, dầu…

Hiện đa phần các nhà máy xay xát lớn ở vựa lúa Thoại Sơn đều đã đầu tư thêm máy ép củi trấu. Thậm chí có doanh nghiệp còn tiếp tục nghiên cứu cải tiến thành ủi trấu có kích thước nhỏ hơn và củi trấu viên để xuất khẩu sang châu Âu, đáp ứng nhu cầu nhiên liệu đốt và sưởi ấm vào mùa đông của các quốc gia này.

Củi trấu hiện cũng là sản phẩm bắt đầu được phát triển tại nhiều địa phương như Quảng Nam, Nam Định, Khánh Hòa…. Với bà con nông dân, việc bán trấu cho các nhà máy sản xuất giúp bà con có nguồn thu từ vật liệu tưởng chừng như là “phế phẩm”, lại vừa bảo vệ môi trường.

Với các doanh nghiệp, củi trấu cũng là hướng sản xuất mới, đáp ứng nhu cầu thị trường, nguồn vật liệu sẵn có, tăng thêm việc làm cho người dân địa phương. Như tại xưởng ép ở Hà Nội quy mô 1000m2, 2 máy ép đã cho doanh thu 2- 2,5 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 10 công nhân làm việc thường xuyên. Còn ở Quảng Nam, xưởng sản xuất của anh Lương Văn Minh (thị trấn Núi Thành) thu lãi trên 1 tỉ đồng/năm; giải quyết việc làm cho gần 20 lao động địa phương với mức lương gần 3 triệu đồng/tháng...

Gạch từ đất và phế thải

Từ một người đam mê nghiên cứu khoa học, trăn trở với những lò gạch xả khí thải ngùn ngụt… anh Mai Quang Thi (Hà Nội) đau đáu nghiên cứu ra sản phẩm gạch nhưng không cần đốt, không cần nung.

Trải qua hơn 10 năm nghiên cứu, thành phẩm đầu tiên chỉ bằng cát, sỏi, sỉ than và cả rác thải của các công trình xây dựng đã ra đời. Công nghệ sản xuất gạch không nung của anh Thi đã dùng lực kết hợp với chất kết tin h mạnh để ion hóa một lá nhôm thành cation, biến chúng thành các hạt nano nam châm bện soắn với nhau thành chuỗi dài gấp 10.000 lần phân tử rất vững chắc tạo thành đá. Cho nên, gạch không nung rắn chắc, chống thấm, chịu nhiệt như đá. Độ chịu nén từ 130-150kg/cm2. Độ uốn 43 kg/cm2. Độ hút nước đạt 8,8 %, viên gạch đẹp đều, mác lại rất cao.

Hiện sản phẩm gạch không nung của anh được nhiều nơi biết đến. Bản thân anh Mai Quang Thi cũng mong muốn chuyển giao được công nghệ gạch sản xuất bằng phương pháp không khói này đến với nhiều vùng miền khác.

Theo anh Thi tính toán, với chi phí thực tế khoảng 350 đồng - 500 đồng cho nguyên liệu, tiền công thì mỗi viên chỉ cần bán với giá 800 đồng thì sau 1 năm là người dân có lãi làm giàu. Hơn nữa mỗi dây chuyền thế này sẽ giải quyết việc làm và tạo lợi nhuận cho khoảng 20 - 30 lao động.

D. An- Thu Hương (tổng hợp)