Sở hữu trong tay những căn biệt thự “triệu đô” từ thời Pháp ở TP.HCM, nhưng chủ nhân phải sống khổ, sống sở trong tình cảnh bán không được, ở không xong.

“Đại gia” khóc ròng

Ở đường Hải Thượng Lãn Ông giao với Nguyễn Thi, quận 5, có một căn biệt thự từ thời Pháp. Đây là nơi buôn bán sầm uất nhất Sài Gòn – Chợ Lớn xưa nay, nên nó có giá trị hàng chục triệu USD. Vậy mà sáu chủ nhân của căn biệt thự này đang chạy ăn từng đồng và sống khốn khổ trên đống đô.

{keywords}

Căn biệt thự cổ 237 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, khi chủ nhân liều tháo dỡ đã bị đình chỉ thi công và có nguy cơ bị buộc vi phạm pháp luật.

Chẳng là trải qua thời gian, căn biệt thự xuống cấp trầm trọng, từ những khe nứt của bức tường, cây dại chen nhau mọc. Chị Lê Thanh Trúc, sinh thành ở đây, sau giải phóng ba mẹ chị và hai hộ gia đình khác được cấp nhà này. Ai cũng nói gia đình chị Trúc cùng các hộ ở đây bắt được vàng khi cùng sở hữu căn biệt thự triệu đô. Thế nhưng, nhà hỏng, tường nứt muốn sửa chữa thì phải lén lút kẻo bị phạt vạ, còn đồng lòng bán đi là chuyện bất khả vì nó thuộc diện bảo tồn. “Nói chung là khổ đủ đường dù sống trên mảnh đất vàng như dư luận đã bàn tán”, chị Trúc tâm sự.

Cùng cảnh ngộ, bà Ngô Thanh Hiền, chủ căn biệt thự số 138 Châu Văn Liêm, quận 5, phản ánh mặt tiền căn biệt thự giờ hoang tàn, chật chội. Hiện, chỉ có thể làm bãi giữ xe và một cửa hàng bán chè thuê để hoạt động. Bà thở dài: “Xin giấy phép phức tạp, muốn đập bỏ phải có ý kiến chủ tịch UBND thành phố. Hết năm này sang năm khác, ở không xong, đi không đặng”.

Còn những người dân có chủ quyền ở dãy nhà cổ của hãng nước mắm Liên Thành, đường Võ Văn Kiệt, quận 1, sống trong những căn nhà cổ còn khổ hơn nhà tranh. Cứ vài ngày người dân lại nghe tin ngói rớt, tường nứt. Vào bên trong căn nhà, ông Nguyễn Cảnh Hà luôn căn dặn chúng tôi phải ngó trước, nhìn sau để tránh sàn sập, ngói rớt. Nhiều lần người dân ở đây làm đơn kiến nghị UBND quận 1 cho phép sửa chữa nhưng đều nhận phản hồi phải chờ. “Nhà ở “đất vàng” nhưng chẳng được kinh doanh, ngủ yên giấc. Hầu hết chủ nhà đều di chuyển sang nơi khác sống và cho những người làm nghề ve chai, bán hải sản thuê để chứa hàng”, ông Hà nói.

Tương tự, căn biệt thự cổ khác toạ lạc tại số 5 Lê Công Kiều, quận 1 được xây dựng từ năm 1930, đã bị bỏ hoang từ hơn năm nay. Chủ biệt thự thấy căn nhà xuống cấp nhiều lần muốn xin đập bỏ để xây một khách sạn có quy mô mười tầng, nhưng đến nay chưa có phép. Bây giờ nhà bỏ hoang. “Các hộ dân xung quanh đây rất sợ căn nhà này sập thì không biết hậu quả ra sao nữa”, một người dân bức xúc nói.

Dân gấp, nhà chức trách từ từ

Theo thống kê của trung tâm Nghiên cứu kiến trúc thuộc sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 1.350 nhà cổ, biệt thự cổ tập trung nhiều nhất tại các quận 1, 3 và 5. Đầu năm 2016, sau khi một biệt thự tại Hà Nội bị sập khiến hai người tử vong, UBND TP.HCM đã chỉ đạo rà soát, kiểm tra các biệt thự xuống cấp và đồng ý cho phép tháo dỡ 29 căn không thể bảo tồn.

Đặc biệt, UBND cũng giao viện Nghiên cứu phát triển thành phố nhanh chóng nghiên cứu, phân loại biệt thự cổ để có hướng xử lý.

“Chúng tôi tưởng sẽ thoát khỏi cảnh đi không đặng ở cũng không xong thông qua chỉ đạo này của chính quyền. Vậy mà, từ đó đến nay đã hơn năm vẫn chưa thấy ai phân loại – đồng nghĩa với quyền lợi của chúng tôi bị loại”, chủ nhân một căn biệt thự cổ ở quận 1, bức xúc. Đằng sau sự bức xúc này đã dẫn theo không ít các chủ nhân biệt thử cổ “lén lút” làm liều. Điển hình vì đợi hoài không được, cuối tháng 6.2016, chủ nhân căn biệt thự cổ 237 Nơ Trang Long, Q. Bình Thạnh đã liều sửa chữa. Lý do được chủ căn biệt thụ này đưa ra là vì lo lắng đến sự an toàn của gia đình. Sự việc lập tức gây ồn ào dư luận và hiện tại căn biệt thư này đã trở thành phế tích khi kết cấu bị dỡ gần như hoàn toàn, nhưng chủ nhân thì bị đình chỉ thi công và có nguy cơ bị buộc vi phạm pháp luật.

Ai chịu trách nhiệm về sự chậm trễ phân loại biệt thự cổ để có hướng xử lý rõ ràng?

Liên quan đến câu hỏi này, một phó viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển thành phố trả lời trên phương tiện truyền thông vào ngày 11.5, cho rằng dự thảo mà đơn vị này làm phân loại ba nhóm biệt thự. Nhóm 1 là biệt thự được xếp hạng di tích lịch sử, văn hoá; biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc, nhà cổ do hội đồng Bảo tồn xác định và lập danh sách để trình UBND thành phố phê duyệt. Những biệt thự này được giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao. Điển hình là căn biệt thự số 237 Nơ Trang Long, Q. Bình Thạnh... Nhóm 2 là biệt thự có giá trị về nghệ thuật kiến trúc, lịch sử, văn hoá, không thuộc nhóm 1, cũng do hội đồng Bảo tồn xác định, lập danh sách và UBND thành phố phê duyệt. Biệt thự nhóm này phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài, có thể thay đổi cấu trúc bên trong như các căn tại số 9 Võ Văn Tần, 15 Võ Văn Tần, quận 3… Biệt thự nhóm 3 không thuộc nhóm 1 và nhóm 2, chủ nhà được xây, sửa theo các quy định về quy hoạch.

“Tháng 12.2016, đơn vị đã trình UBND TP.HCM dự thảo về tiêu chí đánh giá và phân loại các biệt thự cũ trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi có chấp nhận hay không từ chính quyền TP.HCM”, vị cán bộ trên khẳng định trên phương tiện truyền thông.

Trong khi đó, theo một nguồn tin từ UBND TP.HCM đến nay lãnh đạo UBND vẫn chưa nhìn thấy bản dự thảo phân loại biệt thự cổ trên (?!).

Người nói rồi, kẻ nói chưa, hổng ở chỗ nào chưa rõ nhưng cái rõ nhất là chuyện hàng trăm chủ nhân các ngôi biệt thư cổ vẫn cứ thế khổ và kêu rên!

(Theo Thế Giới Tiếp Thị)