Mở rộng hạn điền sẽ là bước đà đưa nền nông nghiệp sản xuất nhỏ lẻ sang kinh doanh nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn. Thực tế, nhiều mô hình đã thành công. Song, theo các chuyên gia, phải làm thật sự, phải coi đó là ngành để sinh ra lợi nhuận chứ không thể làm với lý do phúc lợi xã hội như một số doanh nghiệp nêu ra.

 

Nhờ người đứng tên sổ đỏ để làm ăn lớn

Trong khi vấn đề mở rộng hạn điền còn đang gây nhiều tranh cãi xung quanh câu chuyện làm vậy sẽ đẩy người nông dân vào cảnh bần cùng hóa, mất kế sinh nhai, rồi sẽ tạo ra “địa chủ mới”… thì thực tế, nhiều mô hình nhờ vào tích tụ đất đai để sản xuất hàng hóa với quy mô lớn đã thành công.

Ông Võ Quan Huy ở Long An. Ông hiện đang thành công với mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên diện đất lên đến cả 1.000 ha rộng khắp 6 tỉnh gồm Long An, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Lâm Đồng, Bình Dương và Tây Ninh.

Với việc theo đuổi mô hình nông nghiệp công nghệ cao, riêng sản phẩm chuối của ông, nhờ có diện tích đất rộng lớn hàng trăm ha, ông đã mạnh dạn đầu tư trồng chuối theo công nghệ khép kín từ khâu giống, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói, bảo quản. Từ đó, xây dựng được thương hiệu chuối “made in VietNam” của riêng mình để xuất khẩu sang các thị trường khó tính nhất như Nhật Bản, Trung Đông, Hàn Quốc, Singapore… với doanh thu lên đến 4.000 tỷ đồng/năm.

Mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao của ông còn tạo công ăn việc làm với thu nhập ổn định cho hàng trăm bà con nông dân ở quanh vùng.

 

{keywords}
Nhiều doanh nghiệp đã thành công khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp (ảnh: BH)

Trao đổi ở nhiều diễn Ông Võ Quan Huy cho rằng, để doanh nghiệp vươn tầm thế giới, phải có quy mô sử dụng đất đai rất lớn. Để trồng chuối xuất khẩu, doanh nghiệp cần tối thiểu diện tích 100 ha, ở đó có nhà đóng gói, đường cáp tải chuối… Đồng thời, đầu tư quy mô lớn để áp dụng khoa học công nghệ thì chi phí đầu tư sẽ thấp hơn so với sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.

Hiện nay, để gom được quý đất lớn và phù hợp với các quy định, doanh nghiệp ông đang phải nhờ người đứng tên sổ đỏ để canh tác trên 1.000 ha đất tại 6 tỉnh. Bởi, trong số đất đang sử dụng, ông có khoảng 600ha do khai hoang và sang nhượng của người khác, nhưng chỉ đứng tên mười mấy ha, còn lại ông không nhớ rõ có bao nhiêu người đang đứng tên sổ đỏ hộ.

Tương tự, mô hình trồng tranh leo công nghệ cao với điện tích 650ha ở Nghệ An theo chuỗi giá trị khép kín từ cây giống, vùng trồng, sản xuất đến xuất khẩu của ông Nguyễn Mạnh Hùng (Tổng giám đốc Nafood Group) cũng đạt được thành công. Từ đó, đưa sản phẩm chanh leo xuất khẩu ra rất nhiều nước trên thế giới và hiện đang đứng đầu thị trường châu Á về sản phẩm chanh leo cô đặc.

Ông Hùng chia sẻ, tiềm năng của cây chanh leo rất lớn nếu quy hoạch đúng, có thêm đất đai để mở rộng vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín thì có thể đạt doanh thu tỷ USD.

Ngoài những mô hình trên, hiện nay nhiều mô hình làm nông nghiệp quy mô lớn cũng gặt hái được thành quả. Ví như, các mô hình làm nông nghiệp của tập đoàn VinGroup, của Vinamilk, của Pan Fram hay như Tập đoàn TH….

Sau khi đã thành công với mô hình sản xuất sữa tươi sạch, trồng rau theo công nghệ cao, sản xuất dược liệu để xuất khẩu của tập đoàn TH tại Nghệ An, mới đây, doanh nghiệp này lại tiếp tục đầu tư 3.000 tỷ đồng làm dự án nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 3.000ha tại tỉnh Thái Bình dành để trồng rau, củ quả sạch, trồng lúa sạch.

Theo lời lãnh đạo từ phía tập đoàn này, toàn bộ diện tích đất của dự án được thuê lại của nông dân. Mỗi hộ gia đình có diện tích đất cho thuê sẽ được tạo điều kiện cho một lao động tham gia sản xuất tại các dự án.

Các lãnh đạo doanh nghiệp nông nghiệp tâm sự, làm ăn lớn thì phải đầu tư máy móc và nhà xưởng hiện đại. Nhưng nếu đất đai nhỏ lẻ, mỗi thửa ruộng vài trăm mét vuông thì không thể đưa máy móc vào đồng ruộng, đồng bộ áp dụng khoa học kỹ thuật... thì không có hàng hóa quy mô lớn.

 

{keywords}

WB khuyến cáo, Việt Nam phải thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từ sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh nông nghiệp (ảnh minh họa: SGGP)

Tư duy kinh doanh nông nghiệp

Dù đã có nhiều mô hình làm nông nghiệp với quy mô lớn, tạo ra hàng hóa với giá trị cao nhưng những mô hình nêu trên chưa nhiều. Theo đó, nền nông nghiệp ở Việt Nam nhìn chung vẫn là manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm đưa ra thị trường thấp, khó cạnh tranh với hàng hóa cùng loại của các quốc gia khác.

Chia sẻ về vấn đề này, tại một diễn đàn bàn về hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, GS. Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, trong báo cáo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), từ năm 2015, Việt Nam đã không còn là nước nghèo và chuyển sang hình thức phát triển nông nghiệp - nông thôn mới. Song, Việt Nam đang phải đối diện với ba vấn đề lớn: Tăng trưởng giảm, nông nghiệp bị tổn thương do khí hậu và môi trường, khoảng cách thu nhập trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp đang ngày càng lớn.

Theo đó, WB khuyến cáo, Việt Nam phải thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từ sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh nông nghiệp, bởi nông nghiệp đóng góp 20% GDP và từ 25-30% tổng lao động xã hội.

Trong khi đó, TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp nông thôn cũng cho hay, kinh doanh nông nghiệp hay còn gọi là nông nghiệp sản xuất hàng hóa trên quy mô lớn là xu hướng tất yếu.

Hiện nay, nền nông nghiệp Việt Nam đã bước qua ngưỡng thiếu ăn, bước qua ngưỡng sản xuất tự cung tự cấp mà chuyển sang bước nông nghiệp sản xuất hàng hóa, tuy nhiên, ở đây là sản xuất hàng hóa nhỏ lẻ, manh mún. Còn nông nghiệp sản xuất hàng hóa với quy mô lớn thì chúng ta lại bị vướng bởi rào cản chính là đất đai và vốn. Song, nếu mở rộng hạn điền, cho phép tích tụ ruộng đất với quy mô lớn thì sẽ là cú hích để người nông dân và doanh nghiệp đầu tư vốn, mua sắm máy móc, xây dựng nhà xưởng để sản xuất nông nghiệp theo chuỗi khép kín.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng, khi đã có tư duy làm kinh doanh nông nghiệp thì phải thực sự đầu tư vào nông nghiệp. Bởi, hiện nay, rất nhiều đại gia làm bất động sản đến xin đất làm nông nghiệp để làm không phải vì hiệu quả kinh tế mà là vì mục đích nhân đạo, theo kiểu doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. Làm như vậy là chết, là không hiểu quả.

Khi tích tụ đất đai để sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, doanh nghiệp phải làm tốt hơn nông dân, không chỉ vậy còn làm tốt hơn đối thủ cạnh tranh ở Thái Lan, Mỹ để có thể xuất khẩu. Như vậy, đòi hỏi doanh nghiệp phải làm tử tế. Phải làm nông nghiệp, tập trung cho nông nghiệp và làm ăn hiệu quả, sinh ra lợi nhuận như những ngành hàng khác, ông Sơn nhấn mạnh.

B.Hân - Kim Duyên