Chỉ cần ngồi nhà chọn rau củ, thịt cá,... một lúc sau, đã có người giao hàng tới tận nơi. Đó là những tiện ích mà hệ thống siêu thị vừa công bố sau khi chính thức mở thêm kênh bán hàng online. Không chỉ mớ rau, cân thịt, quả ớt,... mà cả chai nước mắm, gói mỳ tôm cũng được bán đầy chợ mạng.

Ngồi nhà mua rau 

Đại diện một siêu thị - vừa mở thêm kênh bán hàng qua mạng - cho hay, nhờ có lợi thế mạng lưới các siêu thị mini ở khắp thành phố nên việc giao hàng với những hóa đơn online được thực hiện nhanh chóng. Do là thực phẩm, đồ ăn hàng ngày nên việc này rất được chú trọng để đảm bảo an toàn, độ tươi ngon khi tới tay người mua để họ còn chế biến. Với một số loại đồ ăn khác, siêu thị sẽ sơ chế trước, hoặc nấu sẵn, người mua chỉ mang về hâm nóng và có thể dùng ngay.

“Doanh thu từ việc mang đồ tiêu dùng hàng ngày bán trên mạng chưa cao, nhưng để cạnh tranh, chúng tôi buộc phải mở thêm kênh bán hàng này”, đại diện siêu thị chia sẻ.

{keywords}
Nhiều loại rau củ quả được siêu thị bán trên mạng

Tương tự, một hệ thống siêu thị khác cũng tuyên bố tham gia mảng bán lẻ này với cách làm táo bạo. Giá các sản phẩm được niêm yết trên web sẽ ngang với giá thị trường, thậm chí còn rẻ hơn các đối thủ thương mại điện tử khác. Đó là nhờ họ mua hàng được hàng với số lượng lớn từ nhà cung cấp để phân phối cho các công ty con của mình.

Bên cạnh website, doanh nghiệp còn phát hành đồng loạt ứng dụng mua hàng của mình trên kho ứng dụng của iOS và Android với tính năng đăng nhập bằng vân tay. Ứng dụng trên nhắm đến khách hàng mục tiêu là phụ nữ với các sản phẩm tiêu dùng gia đình và mỹ phẩm được ưu tiên hàng đầu.

Trang mua sắm online này sẽ cung cấp 100% tất cả sản phẩm từ các anh em cùng hệ thống của tập đoàn. Bên cạnh hàng thực phẩm, gia dụng của siêu thị, những sản phẩm thời trang và mỹ phẩm cao cấp từ trung tâm thương mại được xác định là nhóm sản phẩm mũi nhọn của trang này.

Cuộc cạnh tranh quyết liệt

Thực tế, mô hình bán lẻ trên mạng đã được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Vingroup với Adayroi là nơi cung cấp từ chai dầu ăn, kem đánh răng sữa tắm,... của Vinmart và Vinmart+ tới đồ nội thất, sản phẩm thời trang của các công ty con cùng tập đoàn. Hay mới đây, Lotte cũng chính thức tham gia bán lẻ online lấy lợi thế là nguồn hàng bán lẻ đồ sộ của mình trong hệ thống siêu thị để đưa lên mạng.

Thế Giới Di Động tiếp tục thể hiện tham vọng lớn khi công bố hướng phát triển của trang thương mại điện tử Vuivui. Nếu như Bách hóa Xanh hướng đến phục vụ việc đi chợ thuận tiện hằng ngày của các bà nội trợ thì Vuivui sẽ là nơi nhiều hơn về nhóm hàng và đa dạng sản phẩm trong từng nhóm hàng. Mục tiêu doanh thu tăng từ 5 tỷ cuối quý I lên 20 tỷ khi kết thúc năm 2017.

{keywords}
Doanh thu bán hàng online còn khá khiêm tốn

Trước đó, nhiều hệ thống siêu thị như Fivimart, Big C cũng mang hàng từ siêu thị lên mạng bán qua kênh trực tuyến.

Điểm mạnh của việc đi chợ Online đó là tiết kiệm thời gian. Người mua dễ dàng lựa chọn được thời gian giao hàng phù hợp với mình. Đơn cử như  Vuivui có 3 khung giờ giao hàng trong ngày, quá thời hạn cam kết, khách sẽ tự động được bồi thường bằng phiếu mua hàng.

Tuy nhiên, một nhược điểm mà hầu hết các trang thương mại điện tử gặp phải là bị giới hạn về mặt địa lý, chỉ tập trung ở hai thành phố là Hà Nội và TP.HCM. Vuivui mới chỉ phục vụ các đơn hàng ở TP.HCM. Hay Fivimart cho biết, vì điều kiện giao thông ở Hà Nội, các đơn đặt hàng trước 16h00 sẽ được giao hàng ngay trong ngày. 

Bên cạnh đó, thói quen mua thực phẩm phải được xem tận mắt, lựa tận tay cũng là một rào cản. Ngoài ra, các sản phẩm đa dạng, đặc biệt là ngành rau củ, thực phẩm,... quá nhiều nên nhiều trang web không cập nhật được hết so với thực tế ở siêu thị.

Hệ thống siêu thị BigC trước đây có trang thương mại Cdiscount, đã phải ngừng hoạt động sau khi về tay người Thái. Sàn giao dịch điện tử này đi vào hoạt động từ cuối năm 2014, với mục tiêu trở thành nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu Việt Nam, nhưng đến nay vẫn chưa gây được nhiều ấn tượng đối với người tiêu dùng.

Doanh thu bán hàng online so với bán lẻ trực tiếp của các hệ thống siêu thị này vẫn còn khá khiêm tốn. Mặc dù vậy, các đại gia bán lẻ vẫn tự tin vào triển vọng của thị trường trực tuyến. Theo thống kê, mức tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam các năm qua đạt khoảng 20%/năm. Dự báo đến năm 2020, quy mô ngành này sẽ đạt 10 tỷ USD - chiếm 5% tỷ trọng ngành bán lẻ cả nước.

Duy Anh