Vừa mới nhận nhà đã kéo nhau treo băng rôn phản đối chủ đầu tư, mất nước, sập trần là tình trạng diễn ra tại nhiều dự án chung cư thời gian gần đây. Dân chung cư hiện nay đang “rất khổ”.

Ngày đêm phản đối chủ đầu tư

Hàng trăm cư dân đã tập trung trước tòa nhà Helios 75 Tam Trinh với băng rôn, biểu ngữ và xuống đường tố NHS để xảy ra hàng loạt sai phạm. Dự án Helios 75 Tam Trinh mới bàn giao nhà cho cư dân cách đây không lâu nhưng đã nảy sinh nhiều bức xúc.

Cư dân mong muốn phía chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết theo hợp đồng, và giấy phép xây dựng do cơ quan chức năng cấp, đồng thời bán đúng giá điện, nước cho cư dân theo đúng mức giá quy định của nhà nước. 

Không chấp nhận các mức phí dịch vụ, phí trông giữ ô tô quá cao mà chủ đầu tư đưa ra, cư dân chung cư Mipec Riverside Long Biên đã tổ chức căng băng rôn phản đối,... khiến các tầng kinh doanh dịch vụ dưới toà nhà "tê liệt". Tòa nhà Mipec Riverside do Công ty CP Hóa dầu Quân Đội làm chủ đầu tư cao 35 tầng bắt đầu đi vào hoạt động cuối năm 2016 vừa qua. 

{keywords}
Nhiều dự án bị cư dân tố sai phạm

Golden West (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng là một dự án liên tục nhận được sự phản đối của cư dân. Theo thông tin phản ánh của nhiều cư dân sinh sống tại đây, an toàn tính mạng của cư dân chung cư Golden West đang bị đe dọa. Cuộc sống của cư dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự thờ ơ, vô trách nhiệm của chủ đầu tư.

Ngoài ra, cư dân còn nêu ra hàng loạt các vấn đề liên quan tới diện tích sở hữu chung, các giấy tờ hoàn thiện, an toàn, hội nghị chung cư,... và thông tin về quỹ bảo trì thì còn nhiều mập mờ.

Liên tục trong thời gian dài, cư dân dự án Hồ Gươm Plaza Hà Đông đã phải xuống đường để đòi quyền lợi. Theo phản ánh của cư dân Hồ Gươm Plaza, những bức xúc chủ yếu trong việc xây dựng tòa nhà, dịch vụ quản lý, hạ tầng và tiện ích.

Dự án đã được bàn giao nhà cho người dân từ năm 2014. Tuy nhiên, suốt từ thời điểm bàn giao nhà đến nay, tại khu chung cư này đã nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn.

{keywords}
Cả tuần xuống đường phản đói chủ đầu tư

Một dự án khác cũng đang gây bức xúc cho cư dân là Thăng Long Garden (250 Minh Khai, Hà Nội). Đại diện Ban quản trị cho biết, từ khi được thành lập đến nay (cuối tháng 8/2016) đã 3 lần có văn bản yêu cầu chủ đầu tư là Công ty cổ phần May Thăng Long bàn giao quỹ bảo trì. 

Tuy nhiên, đơn vị này vẫn phớt lờ những kiến nghị đó. Theo ước tính của cư dân, quỹ bảo trì của dự án vào khoảng 14 tỷ đồng.

Khổ vì mất nước, sập trần

Không chỉ bức xúc với chủ đầu tư, nhiều dự án chung cư đang sống khổ vì mất nước. Hàng trăm cư dân chung cư VP3 bán đảo Linh đàm ở Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) đã tập trung trước sảnh tòa nhà, đội nắng 41 độ, căng băng rôn phản đối việc mất nước liên tục, yêu cầu chủ đầu tư là Tập đoàn Mường Thanh phải sớm khắc phục.

Hàng loạt các băng rôn căng trước sân và sảnh toà nhà: “SOS... cư dân chung cư VP3 đang chết khát”, “Yêu cầu Tập đoàn Mường Thanh cải tạo hệ thống cấp nước cho cư dân VP3” để kiến nghị chủ đầu tư.

{keywords}
Cư dân khổ vì mất nước

Cách VP3 không xa, cư dân Rice City cư dân đã khốn đốn vì thiếu nước sinh hoạt thời gian dài. Trong lá đơn kiến nghị của các hộ cư dân thuộc tòa Trung Rice City gửi các đơn vị liên quan có đoạn: "Trong khoảng thời gian từ đầu tháng 5/2017 đến nay, tòa Trung có hiện tượng mất nước sinh hoạt thường xuyên, liên tục. Đặc biệt kể từ ngày 2/6 đến nay khi Hà Nội trải qua giai đoạn nắng nóng kỷ lục thì cư dân một lần nữa không được cấp nước khiến mọi sinh hoạt bị đảo lộn".

Ngoài ra, cư dân sống chung cư còn đối mặt với rủi ro như tại dự án Usilk city (Q.Hà Đông, Hà Nội) ống nước trên trần đột ngột bục vỡ, kéo theo cả mảng trần căn hộ đổ sập xuống. Trần nhà còn trơ các khung sắt, ống nhựa và hệ thống ống kỹ thuật.

Theo phản ánh của cư dân, thời điểm trần nhà sập xuống không có người đứng ở phía dưới nên may mắn không ai bị thương. Nhưng nhiều đồ đạc trong nhà đã bị ngập nước và hư hỏng nặng.

{keywords}
Khổ vì không có đường vào nhà

Còn tại dự án Home City, cư dân nhiều lần xuống đường để đòi lại cổng vào chung cư. Theo các cư dân, từ lúc người mua tìm hiểu dự án cho đến lúc ký hợp đồng, tất cả đều chỉ chung một địa chỉ dự án là số 177 Trung Kính. Hiện tại, chủ đầu tư lại bịt đường với lý do cổng vào tại địa chỉ số 177 Trung Kính thuộc phần đất dự án của trường tiểu học. Chính điều này đã gây khó khăn trong việc đi lại và sinh hoạt của hàng nghìn cư dân sinh sống tại đây.  

Có thể nói, hàng loạt các vụ việc đang xảy ra tại các chung cư khiến cho người dân cảm thấy bất an trong khi đó các dự án chung cư đua nhau xây dựng. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần có những quy định cụ thể, chế tài để đảm bảo quyền lợi của người dân cũng như phát triển loại hình căn hộ đang là xu thế tại các đô thị lớn.

Duy Anh