- Cùng với việc đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, cổ phần hóa (CPH) bệnh viện đã từng bước được thực hiện và đem lại nhiều tín hiệu khả quan. Theo các chuyên gia, dù việc cổ phần hóa bệnh viện khó khăn hơn các DNNN đơn thuần khác, nhưng đó là hướng đi đúng và cần có biện pháp phù hợp để thúc đẩy quá trình này.

Hơn 1 năm trước, Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương (GTVT TW) đã chính thức hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cổ phần từ ngày 05/01/2016. Đây là đơn vị thí điểm đầu tiên cả nước về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập y tế sang công ty cổ phần. Sau hơn 1 năm “thay áo” mới, Bệnh viện GTVT TW các thông số như số lượng bệnh nhân, doanh thu, lương của người lao động… tăng đều đặn đã cho thấy hiệu quả bước đầu của chủ trương CPH.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện GTVT TW đã tăng so với cùng kỳ năm 2015 (Tổng số lượt khám bệnh đạt 108,99%; Tổng số người bệnh điều trị ngoại trú đạt 117,08%; bệnh nhân nội trú bảo hiểm y tế đạt 102,74%; Bệnh nhân ngoại trú dịch vụ đạt 114,13%; bệnh nhân ngoại trú dịch vụ đạt 114,13%;...).

{keywords}

Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương

Doanh thu tăng so với cùng kỳ năm 2015 (Doanh thu bệnh nhân bảo hiểm y tế là 112,240 tỷ đồng, đạt 145,8%; Doanh thu bệnh nhân dịch vụ là 29,68 tỷ đồng, đạt 116,15%;...). Thu nhập bình quân của người lao động tăng 19,7% so với năm 2015…

Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hoạt động của Bệnh viện GTVT TW 1 năm sau cổ phần hóa, Bộ GTVT cho rằng: 1 năm hoạt động theo mô hình mới là công ty cổ phần cho thấy công tác cổ phần hoá Bệnh viện GTVT TW đã đạt được thành công bước đầu, chứng minh việc chuyển đổi mô hình hoạt động của bệnh viện công lập sang công ty cổ phần, thu hút được các nguồn lực từ xã hội nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân là hoàn toàn đúng đắn.

Kể từ sau khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần, mặc dù Bệnh viện không còn được nhận khoản hỗ trợ thường xuyên và không thường xuyên của Nhà nước (khoảng 60 tỷ đồng/năm), nhưng với việc tăng cường công tác quản lý, điều hành công khai, minh bạch đã chiết giảm chi phí. Đồng thời, nhà đầu tư chiến lược đã phối hợp, trực tiếp tham gia vào hoạt động điều hành và bước đầu thực hiện cam kết của nhà đầu tư chiến lược, Bệnh viện vẫn hoạt động ổn định và có tăng trưởng.

Từ bước đi đầu tiên này, các chuyên gia cho rằng cần tiếp tục tiến hành cổ phần hóa một số bệnh viện. TS Ngô Minh Hải, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nghiệp Nhà nước (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) cho rằng cổ phần hóa DNNN nói chung cũng như các bệnh viện nói riêng là một chủ trương đúng đắn. Thực tế đã chứng minh quản lý kiểu tập thể, thiếu người chịu trách nhiệm cho sức khỏe hoạt động của một đơn vị sẽ là mầm mống nảy sinh sự trì trệ, yếu kém, thậm chí có nguy cơ làm phát sinh nhiều tiêu cực.

“Bất cứ tổ chức, DN nào theo mô hình cha chung không ai khóc thì kiểu gì cũng phát sinh bất cập”, ông Hải chia sẻ.

Nhìn cơ cấu bệnh viện công – tư trên thế giới, ông Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc 80% là bệnh viện tư nhân. Đặc biệt, Thụy Điển đang rất muốn phát triển các bệnh viện tư và tư nhân hóa bệnh viện công.

Các chuyên gia nhận định, khi chuyển đổi mô hình hoạt động bệnh viện thành công ty cổ phần, việc quản lý sẽ được minh bạch hơn.

Hiện nay, một chủ trương rất lớn liên quan đến mô hình hoạt động của các bệnh viện đang được Bộ Y tế thực hiện. Đó là năm 2018 tính đủ các chi phí vào giá dịch vụ y tế, bởi giá dịch vụ y tế hiện nay mới tính một phần chi phí trực tiếp.

Khi giá dịch vụ y tế được tính đủ, bệnh viện sẽ không được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động nữa. Nguồn kinh phí hoạt động của bệnh viện lúc đó sẽ do Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán (đối với người có thẻ Bảo hiểm y tế) hoặc do người bệnh chi trả (nếu không có thẻ Bảo hiểm y tế). Nhà nước sẽ dành phần ngân sách đang cấp cho các bệnh viện để hỗ trợ cho các đối tượng hoàn cảnh khó khăn mua thẻ Bảo hiểm y tế. Mục tiêu điều chỉnh giá theo hướng tính đủ chi phí để thực hiện chủ trương cải cách tài chính công, xã hội hóa trong lĩnh vực y tế…

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, điều này sẽ giúp các bệnh viện phải thay đổi cách thức hoạt động khi phải lo lương, lo các chế độ cho nhân viên bệnh viện và các chi phí khác duy trì hoạt động. Đây chính là nền tảng thuận lợi để các bệnh viện có thể hoạt động theo cơ chế CPH.

Thừa nhận rằng việc cổ phần hóa bệnh viện không nên diễn ra ào ạt, nhưng một chuyên gia về dịch vụ công cho rằng cổ phần hóa bệnh viện là hướng đi cần thiết. Theo đó, cần có sự phân loại các bệnh viện để xem xét nhóm bệnh viện nào nên cổ phần hóa, nhóm bệnh viện nào không. Bởi vì dịch vụ công là lĩnh vực đặc thù, khác với các hàng hóa bình thường.

TS Ngô Minh Hải khẳng định: Các bệnh viện phải thúc đẩy cổ phần hóa, quản lý theo kiểu DN tư nhân, khi đó mới tạo được sức cạnh tranh giữa các bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Hướng đi cổ phần hóa bệnh viện cần được nhân rộng.

Hoài Nam