Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhận được nhiều ưu đãi và đã có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế. Nhưng vẫn có tới một nửa doanh nghiệp FDI báo lỗ trong khi nhiều DN vẫn liên tục mở rộng đầu tư. Có DN còn lợi dụng ưu đãi để thực hiện các hoạt động chuyển giá. Các DN này đã từng được rải thảm chào đón, là mẫu hình thành công thu hút đầu tư, được ưu đãi tối đa... nay lại là đối tượng bị giám sát vì thua lỗ, chuyển giá

Ưu đãi nhiều, nhưng dàn trải

Từ một tỉnh nghèo thu ngân sách chỉ 100 tỷ, đến nay Vĩnh Phúc đã thu ngân sách hơn 30 nghìn tỷ, trong đó khu vực FDI trong lĩnh vực ô tô, xe máy,... đóng góp đáng kể.

Đến nay, Vĩnh Phúc đã thu hút được hơn 4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ.

“Một trong những yếu tố dẫn đến thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, cũng như tỉnh Vĩnh Phúc đó là thực thi có hiệu quả chính sách ưu đãi đầu tư nhằm tạo ra sức hấp dẫn đối với Nhà đầu tư nước ngoài”, ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nói tại Hội thảo chuyên đề Ưu đãi đầu tư, giao dịch liên kết do Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính tổ chức ngày 10/7.

{keywords}
Doanh nghiệp FDI đóng góp nhiều cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đánh giá: Ưu đãi đầu tư không phải là điều kiện quan trọng nhất khi nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Cụ thể, việc áp dụng chính sách ưu đãi thuế cao đối với các dự án đầu tư vào địa bàn kém phát triển song các địa bàn này vẫn khó thu hút đầu tư. Hoặc các chính sách ưu đãi cao đối với dự án đầu tư vào nông nghiệp, chế biến nông sản, thủy sản nhưng việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực này còn khiêm tốn.

Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam khá phức tạp do phạm vi ưu đãi còn dàn trải, bao gồm cả ưu đãi theo lĩnh vực và địa bàn, nên chưa thật sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, nhìn nhận: Thu hút FDI vào Việt Nam phụ thuộc nhiều yếu tố. Ngoài thể chế chính sách, hạ tầng, chi phí thì chính sách thuế và ưu đãi là yếu tố quan trọng. Giống như muốn bán hàng thì điều đầu tiên người mua quyết định mua hay không là dựa vào mẫu mã và giá cả, chứ chưa cần nhìn chất lượng. Tương tự với thu hút đầu tư, những chính sách nổi bật ảnh hưởng hầu bao, túi tiền như chính sách thuế, đặc biệt thuế thu nhập doanh nghiệp thì sẽ thu hút được sự chú ý.

Phân tích một số yếu tố ảnh hưởng quyết định đầu tư, ông Bùi Ngọc Tuấn cho hay trước hết là thuế suất; thứ hai là chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; thứ ba là thủ tục đầu tư.

“Nhà đầu tư nước ngoài khi chưa có thông tin gì chi tiết cụ thể thì đây là 3 yếu tố người ta quan tâm đầu tư”, ông Tuấn nói.

Phân tích ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, đại diện Deloitte Việt Nam cho rằng các chính sách này đang khá thuận lợi cho DN, mặt bằng thuế suất khá thấp so với các quốc gia khác. Nhưng nhược điểm là các chính sách ưu đãi thuế đang nghiêng theo hướng địa bàn ưu đãi hơn là theo lĩnh vực. Việc áp dụng ưu đãi theo lĩnh vực còn nhiều khó khăn về thủ tục.

Ngoài ra, các chính sách ưu đãi thuế còn cứng nhắc, nhiều trường hợp nhà đầu tư không tận dụng được ưu đãi thuế nên giảm sức hút đầu tư.

Ông Wim Douw, chuyên gia cao cấp về chính sách đầu tư, nhóm Ngân hàng Thế giới, chia sẻ: Ưu đãi đầu tư là công cụ chính sách hạn chế, đi kèm với rủi ro. Dùng chính sách này phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến số thu ngân sách, không làm biến dạng các hoạt động kinh tế.

Ông Wim Douw cho biết, các ưu đãi của Việt Nam cho các nhà đầu tư chủ yếu là ưu đãi về thuế, tài chính như miễn giảm thuế, cho thuê đất ưu đãi,... Tuy nhiên, vị này đánh giá Việt Nam còn phụ thuộc nặng vào chính sách miễn thuế có thời hạn, một công cụ đã được chứng minh “chỉ có lợi cho doanh nghiệp FDI “dễ bay nhảy” với tầm nhìn ngắn hạn.

{keywords}
Cocacola từng bị đặt dấu hỏi về nghi án chuyển giá ở Việt Nam khi liên tục lỗ.

Lợi dụng ưu đãi để chuyển giá

Nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp FDI được đưa ra, nộp ngân sách của khối này cũng tăng mạnh qua từng năm. Nhưng đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho hay: Số lượng DN FDI báo lỗ hàng năm là từ 44% đến 51%; đặc biệt năm 2015 là 51% và năm 2016 là 50% trên số lượng DN có báo cáo.

Đáng lưu ý là, tốc độ tăng của quy mô đầu tư và hoạt động của các DN báo lỗ và lỗ lũy kế cao hơn tốc độ tăng về số lượng DN báo lỗ và doanh nghiệp lỗ lũy kế. Điều này cho thấy tình trạng chuyển giá của khu vực FDI ngày càng gia tăng, phức tạp.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng Vụ thanh tra (Tổng cục thuế), tiết lộ có những doanh nghiệp FDI lỗ 10 năm, 15 năm, thậm chí 20 năm lỗ, song vẫn mở rộng đầu tư.

Đặc biệt, Cục Tài chính DN phát hiện “mặt trái của ưu đãi lớn” khi các DN FDI lợi dụng để “chuyển giá ngược”.

Cụ thể, theo đơn vị này, xuất hiện việc chuyển giá, chuyển lợi nhuận ngược (từ nước ngoài vào Việt Nam) của một bộ phận doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong nước “được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp” và thời gian miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Điều này thể hiện qua số liệu về tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong một số ngành qua các năm luôn duy trì ở mức rất cao, như "Linh kiện điện tử, máy vi tính, thiết bị ngoại vi", "Viễn thông, phần mềm" (ROE trước thuế trên 30%).

Vì thế, đại diện Cục Tài chính DN đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá chính sách ưu đãi đầu tư hiện nay để nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cho giai đoạn tới. Trong đó, tập trung tăng đầu tư nước ngoài vào hạ tầng, linh kiện điện tử, phần mềm, viễn thông,... không tiếp nhận hoặc hạn chế tối đa những dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ thấp, tiêu hao năng lượng, gây ô nhiễm.

Lương Bằng