Tối ngày 18/5, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa năm 2017. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến tham dự hội nghị.


Ngay tại hội nghị đã có 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, ký biên bản ghi nhớ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến là 135.300 tỷ đồng, tương đương 6,1 tỷ USD. Các dự án tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo là 76.500 tỷ đồng; nông nghiệp là 12.000 tỷ đồng; du lịch là 22.800 tỷ đồng; y tế là 2.500 tỷ đồng và phát triển hạ tầng, đô thị là 21.500 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Đây là kết quả rất đáng trân trọng, hoan nghênh của tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, sự kiện này diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 127 năm Ngày sinh nhật Bác Hồ 19/5. Bác đã từng mong muốn tỉnh Thanh Hóa phải trở thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc” và “Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này đã góp một viên gạch vào việc thực hiện mong ước của Bác”.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét, Thanh Hóa là một vùng kinh tế năng động của Việt Nam, là điểm đến đầy tiềm năng của nhà đầu tư. Với tiềm năng và điều kiện đó, Thanh Hoá cần trở thành một tỉnh kiểu mẫu trong thu hút đầu tư, theo Thủ tướng.

Thủ tướng nhấn mạnh, Thanh Hóa phải có kế hoạch bố trí sử dụng đất khoa học, hiệu quả, giảm chi phí đất đai cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp bảo đảm về lâu dài, không bị mâu thuẫn ảnh hưởng nhau. Chính phủ sẽ trao cơ hội để Thanh Hóa là địa phương mẫu mực và tiên phong trong việc cụ thể hóa mục tiêu và đạt được tầm nhìn sớm nhất cả nước.

Cùng với đó là bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp. Đây là điểm then chốt để mở cửa, cải thiện. Chính quyền các cấp cần năng động hơn trong việc cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tốt nhất đến với địa phương; không để thụ động để mất đi các lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

Thủ tướng chỉ đạo, Thanh Hóa cần tối ưu hóa điều kiện, nền tảng sẵn có để phát triển một số cụm ngành kinh tế mà Thanh Hóa có lợi thế như lọc hóa dầu, chế biến thủy hải sản, du lịch… Ông cũng lưu ý, Thanh Hóa cần nghiên cứu phát triển nông nghiệp theo định hướng công nghệ cao, quy mô lớn, tập trung vào các sản phẩm mang giá trị kinh tế cao...

Đồng thời, cần đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khi mà Thanh Hóa có nhiều di sản văn hóa, như thành nhà Hồ, khu di tích lịch sử Lam Kinh, khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng… “Du lịch nghỉ dưỡng là một lợi thế mà FLC đặc biệt thành công ở đây”, Thủ tướng nói.

Đồng thời, theo Thủ tướng, chính quyền các cấp tại Thanh Hóa cần năng động hơn trong việc cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư, không để sự thụ động làm mất đi lợi thế cạnh tranh vốn có của tỉnh.

Thủ tướng nhấn mạnh, không thể làm kinh tế đơn thuần mà bỏ quên vấn đề môi trường, ảnh hưởng đến xã hội và cuộc sống của người dân. Cùng với Nhà nước, doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực ở địa phương để người dân địa phương được hưởng lợi.

Với Chính phủ, Thủ tướng khẳng định, sẽ triển khai một số công việc để tỉnh rộng lớn, đông dân như Thanh Hóa đóng góp vào sự phát triển chung của Việt Nam.

Trước hết là nhanh chóng triển khai đường cao tốc Hà Nội-Thanh Hóa-Nghệ An trong nhiệm kỳ này. Đưa sân bay Sao Vàng trở thành sân bay quốc tế trên tinh thần mở cửa bầu trời. Cảng nước sâu Nghi Sơn phấn đấu đón tàu từ 7 lên 10 vạn tấn. Về đường ven biển, Thủ tướng đã có ý kiến, riêng Thanh Hóa sẽ làm 100 km, kết hợp với dân sinh và phòng chống thiên tai.

“Với quyết tâm đổi mới tư duy và cách làm, nhất định Thanh Hóa sẽ thành công”, Thủ tướng nói.

{keywords}

Ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh đang hợp tác với Công ty tư vấn BCG (Mỹ) điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, định hướng đến năm 2040. Theo đó, Thanh Hóa thống nhất lựa chọn 5 trụ cột thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng là: công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; du lịch; y tế và phát triển hạ tầng, đô thị.

"Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt 3 nhất là: Hạ tầng thiết yếu phục vụ doanh nghiệp đồng bộ nhất; Chi phí thuê đất và sử dụng lao động cạnh tranh nhất; Giải quyết các thủ tục hành chính, các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp kịp thời nhất.

Phát biểu tại Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Trí Dũng nhấn mạnh đến vị thế chiến lược của Thanh Hóa trong việc liên kết vùng Bắc Trung Bộ và Đồng Bằng Bắc Bộ, bên cạnh đó là lợi thế liên kết với Lào và hơn 100 km bờ biển là yếu tố quan trọng cần tận dụng để đưa Thanh Hóa trở thành một cực phát triển kinh tế lớn của vùng và cả nước. Thanh Hóa cần tận dụng lợi thế và cơ hội để tăng trưởng trên 10%/năm.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, FLC Faros nhấn mạnh, cuối tháng 4 vừa qua, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s cũng đã nâng mức triển vọng tín nhiệm của Việt Nam từ mức “Ổn Định” lên mức “Tích Cực”. Đây được xem là một thước đo rất quan trọng về niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế đối với những quyết sách và hành động của Thủ tướng và Chính phủ trong thời gian qua”.

Ông Quyết cũng cho rằng, để DN đầu tư thành công thì yếu tố quan trọng nhất là chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, giải quyết thủ tục nhanh chóng và sự ủng hộ của nhân dân địa phương. Nếu nhu cầu thị trường là điều kiên cần thì môi trường đầu tư là điều kiện đủ để DN kinh doanh thành công và điều đó đã được thể hiện ở Thanh Hóa.

Để tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, ông Xứng cho biết, Thanh Hóa sẽ tạo điều kiện hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tốt nhất nhu cầu của doanh nghiệp; cam kết hoàn thành 100% yêu cầu tiến độ giải phóng mặt bằng của các nhà đầu tư; năm 2017 trung tâm hành chính công cấp tỉnh, trung tâm hành chính công các huyện, thị xã, thành phố đều đi vào hoạt động; việc giải quyết thủ tục hành chính được giám sát chặt chẽ, đảm bảo công khai, minh bạch. Giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định.

PV