Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vân Đồn sẽ là khu kinh tế tổng hợp và du lịch biển đảo chất lượng cao với tổng diện tích tương đương với quốc đảo Singapore. Trong đó ưu tiên phát triển công nghệ cao, du lịch, hậu cần.

Khai thác ngành nghề từ thế mạnh sẵn có

Với diện tích rộng hơn 2.000km2, Vân Đồn có những điểm khác biệt rất lớn so với 14 khu kinh tế ven biển của cả nước. Đó là điều kiện giao thông thuận lợi cả đường bộ, hàng không, đường biển. Cùng với đó là những giá trị về tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, sinh thái, vùng biển rộng với hơn 600 đảo đá và đất, là điều kiện để Vân Đồn có cơ hội phát triển công nghiệp giải trí và kinh tế biển.

{keywords}

Từ những lợi thế đặc thù như ở trên, các chuyên gia cho rằng, những ngành, nghề ưu tiên cho phát triển đặc khu kinh tế Vân Đồn được được đưa ra bao gồm công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, dịch vụ du lịch, dịch vụ hậu cần.

Theo đó, các doanh nghiệp công nghệ cao, dự án ứng dụng công nghệ cao sẽ đầu tư vào các lĩnh vực như ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao; ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao theo quy định của pháp luật về công nghệ cao; sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học; chế biến dược phẩm, chế phẩm sinh học; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm.

Với công nghiệp hỗ trợ, các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao phải có vốn đầu tư tối thiểu 110 tỷ đồng.

Về phát triển lĩnh vực du lịch vào đặc khu kinh tế Vân Đồn, theo dự thảo luật, các dự án khách sạn, khu du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng cao cấp sẽ từ 4 sao trở lên; du lịch văn hóa có vốn đầu tư tối thiểu 110 tỷ đồng. Dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino có vốn đầu tư tối thiểu là 44.000 tỷ đồng. Công nghiệp văn hóa có vốn đầu tư tối thiểu 110 tỷ đồng. Trung tâm giải trí có thưởng quốc tế quy mô tối thiểu 1.000 tỷ đồng.

Kinh doanh cảng hàng không, sân bay với quy mô vốn tối thiểu 5.000 tỷ đồng; kinh doanh dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay; kinh doanh vận tải hàng không; dịch vụ hậu cần hàng không với quy mô vốn tối thiểu 110 tỷ đồng.

Dịch vụ thương mại và mua sắm quốc tế với quy mô vốn đầu tư tối thiểu 1.000 tỷ đồng.

Nỗ lực Quảng Ninh trong vận động xây Đặc khu Vân Đồn

Trong những năm qua, Quảng Ninh đã và đang tập trung chuẩn bị cơ sở hạ tầng thiết yếu cho Khu kinh tế Vân Đồn trong tương lai, nhằm phát huy và khai thác tốt nhất tiềm năng du lịch to lớn, đặc sắc của Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long, tạo động lực để phát triển, đồng thời chủ động khai thác lợi thế trong hợp tác phát triển dọc vành đai kinh tế ven biển Việt Nam - Trung Quốc.

Quảng Ninh đã chủ động kêu gọi thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược theo hình thức đối tác công - tư. Vừa chủ động tìm, mời gọi nhà đầu tư đủ lực để có thể làm sân bay và khu du lịch phức hợp có casino trong cùng một lúc, tỉnh vừa tự bỏ ngân sách thực hiện giải phóng mặt bằng làm cơ sở hạ tầng. Không chỉ vậy, trong phạm vi của địa phương, các thủ tục hành chính được rút gọn nhiều lần đã thuyết phục các nhà đầu tư khi đến với Quảng Ninh.

Đến nay, tỉnh đã huy động hơn 36.000 tỷ đồng, trong đó có 30.000 tỷ đồng từ các doanh nghiệp đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào các hạng mục công trình, như: Xây dựng cảng hàng không đồng bộ với hệ thống giao thông kết nối với du lịch, xây dựng hệ thống cảng tàu chuyên dụng và hiện đại, khu vui chơi giải trí có hạng mục casino…

Tới đây, khi các dự án hạ tầng chiến lược của tỉnh gồm đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, Hạ Long - Móng Cái, cầu Bắc Luân 2,… hoàn thành cùng với sân bay Vân Đồn, Cảng khách quốc tế Hòn Gai và các dự án hạ tầng khác sẽ tạo thành hệ thống giao thông liên kết vùng hoàn thiện và là cơ hội để Vân Đồn “cất cánh”.

Bằng quyết tâm rất lớn và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh Quảng Ninh kỳ vọng Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn phải cạnh tranh được thế giới ở mức cao nhất và được quy định trong Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn có ý nghĩa rất quan trọng trong mở cửa hướng ra biển không chỉ của riêng Quảng Ninh mà mở rộng ra cả khu vực phía bắc, theo hướng hội nhập kinh tế với khu vực Đông - Bắc Á. Đồng thời tạo động lực mới cho phát triển, thúc đẩy tăng trưởng để Quảng Ninh thật sự trở thành đầu tàu kinh tế khu vực phía Bắc, có sức lan tỏa trong vùng và cả nước; góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ biển đảo của Tổ quốc

D.Minh