Gọi điện lúc 23 giờ đêm, trả lời bằng ảnh selfie, đưa lời khuyên ngược cho nhà tuyển dụng… là những chiêu ứng tuyển của ứng viên vừa được VPBank tiết lộ khi chấm tuyển hồ sơ cho vị trí làm 1 tuần lương 100 triệu.

Cách ứng tuyển ‘bá đạo’

Mặc dù đã đăng tải đầy đủ và rõ ràng các bước ứng tuyển kèm theo form mẫu nhưng nhóm tuyển dụng vị trí trải nghiệm thẻ StepUp của VPBank vẫn “điêu đứng” trước những hồ sơ ứng tuyển “bá đạo”.

Chị Huyền, nhân viên Phòng Dịch vụ Chăm sóc Khách hàng 24/7 của VPBank kể lại “Lúc đó khoảng hơn 23h đêm và em đang ở trong ca trực. Có một khách hàng nam gọi đến với giọng rất vội vã: “Em ơi em ghi lại giúp anh, anh là …. (nói đầy đủ họ tên), số chứng minh thư là …. Anh ứng tuyển vị trí 100 triệu”.

{keywords}

Mặc dù tôi đã hướng dẫn rất chi tiết quy trình ứng tuyển nhưng ứng viên kỳ lạ này cứ khăng khăng: “Em cứ ghi lại trước hộ anh, mấy hôm nữa anh nộp hồ sơ đầy đủ. Anh gọi điện để đăng ký trước, em ghi chú vào để anh không bị trừ điểm vì nộp hồ sơ sau các bạn khác nhé” và cúp máy”.

Có những bộ hồ sơ chuẩn bị hết sức cầu kỳ, với thông tin cá nhân được thiết kế bắt mắt và in màu cẩn thận, nhưng không nộp qua hệ thống tuyển dụng của chương trình mà trực tiếp mang từ Vinh lên tận văn phòng hội sở VPBank ở Hà Nội nộp để “cho yên tâm”.

“Chúng tôi xin khẳng định, chương trình tuyển dụng này hoàn toàn công khai và nghiêm túc. Mọi thông tin tuyển dụng kèm theo hướng dẫn ứng tuyển đều được đăng tải công khai trên website của chương trình (100trieu.com-pv). Các bạn nên tuân theo những quy định này thì sẽ tiết kiệm được thời gian hơn cho cả các bạn và cho chúng tôi”, đại diện VPBank chia sẻ với các ứng viên tham gia chương trình.

Lý do ứng tuyển ‘khó đỡ’

Để trả lời câu hỏi “Trình bày lý do vì sao bạn lại là một ứng viên phù hợp nhất mà chúng tôi tìm kiếm?” có khoảng 30% số ứng viên đưa ra tấm ảnh selfie thay cho câu trả lời.

Cá biệt, có ứng viên chụp cả bản danh sách tuyên dương “Tổ chức, cá nhân làm kinh tế giỏi” nhưng không hiểu nhầm lẫn ở chỗ nào mà tên ứng viên lại… không có trong danh sách.

Một số lý do khá thú vị được các ứng viên đề cập, như:

“Chồng tôi có thu nhập rất cao.Tôi thường được chồng cho chi tiêu 100 triệu đồng/tháng nhưng nhiều khi không đủ.Vì thế, tiêu 100 triệu/tuần với tôi là chuyện nhỏ!”

“Tôi từng có thời gian làm việc ở hiệu cầm đồ nên hơn ai hết, tôi biết giá trị của đồng tiền và cách sử dụng chúng hợp lý.”

“Ngoài số điện thoại của mẹ và số CMT thì dãy số duy nhất mà tôi nhớ được là số thẻ tín dụng. Vì tất cả các khoảnh khắc đáng nhớ của cuộc sống đều xoay quanh dãy số đó”

Kế hoạch chi tiêu gây lúng túng cho nhà tuyển dụng

“Xây dựng một doanh nghiệp start up”

“Hẹn hò với một em xinh đẹp”

“Làm từ thiện”

Thậm chí, có ứng viên còn lập bảng mô tả chi tiết mình sẽ gửi tiết kiệm số tiền 100 triệu ra sao và sau bao lâu thì số tiền sẽ tăng gấp đôi, rồi sau đó mới hưởng thụ.

Có những lý do khiến hội đồng tuyển dụng rất xúc động “Bố mẹ em đã vất vả nuôi em trưởng thành nhưng em chưa có cơ hội đền đáp, em muốn dùng số tiền này để đưa bố mẹ đi chữa bệnh”.

Một số bản kế hoạch còn lập biểu đồ rất bài bản, tính toán chi tiết ngày thứ 1 mua sắm ở đâu, hết bao nhiêu, được hoàn tiền bao nhiêu để cộng thêm vào ngày tiếp theo.

Sau cả một kế hoạch dài và chi tiết, bạn chốt lại bằng việc đưa ra lời khuyên cho nhà tuyển dụng: “Em cho rằng việc chi hết 100 triệu trong vòng 1 tuần là không nên, vì hoàn toàn có thể đợi các chương trình khuyến mại, giảm giá sốc của các thương hiệu hoặc các chương trình khuyến khích du lịch để tận dụng 100 triệu này một cách hiệu quả nhất. Việc đưa ra tiêu chí phải tiêu hết 100 triệu trong 1 tuần gây cảm giác lãng phí và không hiệu quả, Ngân hàng nên tuyển em về để lên lại kế hoạch này”.

Là một “chiêu” mới so với các doanh nghiệp Việt Nam nhưng nếu so với một số thương hiệu lớn trên thế giới thì chiêu này đã từng được sử dụng nhiều lần.

Khác biệt ở chỗ, trong khi các chương trình tương tự trên thế giới không hề gặp phải sự nghi ngại của thị trường, thì khi mới xuất hiện, chương trình này đã bị mang tiếng chỉ là chiêu PR của VPBank. Hy vọng chương trình sẽ có một “happy ending” để các thương hiệu dịch vụ tại Việt Nam có động lực tạo ra thêm các chiến dịch marketing ngày càng tiệm cận với trình độ phát triển của thế giới.

Xuân Thạch