Cái bắt tay của 250 doanh nghiệp Việt Nam nhằm kết nối sản xuất-phân phối, bán lẻ vừa diễn ra ở Hà Nội với những thoả thuận như 0% chiết khấu trở nên thật quý trong bối cảnh hàng Việt đang bị đẩy dần ra khỏi kệ siêu thị.

Đằng sau những thương vụ thâu tóm của các đại gia lớn, với những cam kết xoá bỏ hàng rào thuế quan ở các FTA, hàng Thái, Nhật, Hàn đã dần đẩy hàng Việt ra khỏi kệ siêu thị. Thế nên, một cái bắt tay của 250 doanh nghiệp Việt Nam nhằm kết nối sản xuất-phân phối, bán lẻ vừa diễn ra ở Hà Nội với những thoả thuận như 0% chiết khấu trở nên thật quý, dù có vẻ muộn màng.

{keywords}

Từ nỗi lo của rau Việt

Mở nông trại ở quận Long Biên, Hà Nội đã được gần 7 năm, chị Nguyễn Thị Phương Liên lúc nào cũng ấp ủ một kế hoạch phát triển thương hiệu rau quả sạch Tuệ Viên phủ khắp thị trường Hà Nội. Thế nhưng, làm được điều này không dễ.

"Thời gian đầu, hầu như chúng tôi chỉ bán hàng trực tiếp, mang rau đến tận nhà. Nhưng cách thức "từ nông trại đến thẳng bàn ăn" như vậy lại khá vất vả, chi phí phân phối khá lớn và chỉ phục vụ được số lượng khách nhất định ở lân cận", chị Liên tâm sự.

Theo chị phân tích, chỉ có đi vào hệ thống siêu thị lớn, có các chân rết chân trải dài thì mới phát triển được. Nhưng tỷ suất lợi nhuận của rau củ vốn rất thấp nên câu chuyện tính tỷ lệ chiết khấu ra sao với các siêu thị cũng là bài toán đau đầu.

Nỗi lo lớn dần khi từ năm ngoái đi các siêu thị lớn, chị Liên cho hay, đã thấy có rau củ của Nhật, Hàn rồi. "Đó là những loại rau có thể dành riêng cho thực khách người Nhật, Hàn tại Việt Nam ai chắc chắn rằng, rau sạch nước ngoài lại không nhập khẩu nhiều vào Việt Nam như các loại hàng tiêu dùng khác?", chị Liên đặt vấn đề.

{keywords}

Chính vì lý do này, mới đây, khi VinGroup mời chị ký kết thoả thuận tham gia hệ thống phân phối của Tập đoàn với cam kết tính chiết khấu 0% thì chị Liên ngay lập tức hồ hởi tham gia.

"So với mức trung bình chiết khấu 15-20% cho các siêu thị thì sự cam kết này sẽ tạo cơ hội cho chúng tôi tích luỹ vốn, mở rộng quy mô, phát triển được thương hiệu. Khi đó, sẽ không phải là 300-400kg rau/ngày mà có thể nhiều hơn", chị Liên kỳ vọng.

Dù rằng, ngược lại, theo chị Liên, tất yếu chị sẽ phải đáp ứng khá nhiều tiêu chuẩn khắt khe và cũng phải chịu sự giám sát ngược trở lại của nhà phân phối này.

Tâm tư của bà chủ nông trại rau sạch trên cũng là nỗi niềm lớn của hàng trăm DN Việt Nam hiện nay, khi đang bị đẩy ra khỏi các kệ hàng Thái, Nhật, Hàn, từ thực phẩm đến hoá mỹ phẩm, đồ gia dụng, thời trang...

{keywords}

Lần đầu tiên gần 250 doanh nghiệp Việt cùng đồng hành trong chương trình do Vingroup khởi xướng

Cái bắt tay 0% chiết khấu của VinGroup với bà chủ nông trại rau sạch trên khiến ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội lại không khỏi bức xúc: "Tôi vẫn nhớ vụ siêu thị Big C ép chiết khấu các nhà cung ứng, rồi cả siêu thị nội cũng ép chiết khấu hàng Việt."

"Đã mở cửa rồi, không thể ngăn cản hàng ngoại vào Việt Nam, chỉ có cách DN Việt phải mạnh lên. Nhưng trước tiên, chính những ông phân phối ấy phải tự biết yêu hàng Việt, phải biết dùng hàng Việt", ông Phú nói.

Chỉ có liên kết, hàng Việt mới đứng được

Cuối tháng 5/2016, Hội chợ Bán lẻ hàng Thái ở Cung Hữu Nghị Việt- Xô, Hà Nội đã diễn ra với cảnh nô nức mua bán. Một tờ báo đã giật tiêu đề "Người Hà Nội tấp nập mua hàng Thái" khiến không ít người thấy "chạnh lòng" cho hàng Việt. Một bạn đọc đã phải thốt lên: "Người dân đến hội chợ hàng Thái để mua vì bán đúng hàng Thái, còn hội chợ hàng Việt thì trộn hàng Trung Quốc vào để bán..."

{keywords}

Chính bởi một hiện trạng như vậy, ông Phú đã không quên nhấn mạnh: "Nhưng khách quan nhìn vào, muốn liên kết tốt thì các nhà sản xuất phải đảm bảo được chất lượng, tiêu chuẩn...".

"Hàng Việt phải học tập hàng Thái, bởi họ vào Việt Nam, vừa có chất lượng, vừa có giá cả hợp lý và đầy trách nhiệm, ", ông Phú nhìn nhận.

Bên lễ buổi ký kết thoả thuận hợp tác với 250 nhà sản xuất hôm 1/6, ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn VinGroup cho biết: "Mức 0% chiết khấu là dành riêng mặt hàng thực phẩm sạch, nghĩa là chúng tôi sẽ bán hộ không lấy lãi, đảm bảo hoàn trả 100% phần chiết khấu về nhà sản xuất. Còn với các mặt hàng khác, chúng tôi sẽ tính toán mức chiết khấu ưu đãi hợp lý nhất".

Nhưng theo ông Hiệp, để mối liên kết trên bền vững, đảm bảo thương hiệu thì chính Tập đoàn cũng đã tính toán việc có thể góp vốn, đồng thời, tham gia kiểm soát chất lượng và nâng cao công tác marketing bán hàng với các nhà sản xuất. Điều cốt lõi là làm sao để thúc đẩy nền sản xuất Việt Nam phát triển, cạnh tranh được với hàng ngoại.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ: "Tôi nghĩ cần có sự góp sức vun vào quá trình kết nối này từ 2 phía, từ cả cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Công Thương và giới truyền thông, để nó diễn ra cơm lành canh ngọt".

Nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mai và công nghiệp Việt Nam, bà Phạm Chi Lan không ngần ngại nói: "Thị phần FDI ngày càng tăng lên thì ta lại chứng kiến sự chững lại của DN Việt. Cho nên, tôi rất cảm kích khi các DN Việt kết nối với nhau, hỗ trợ nhau như vậy".

"Số phận DN Việt, hàng Việt sẽ thế nào nếu như không liên kết với nhau? Bởi chỉ có liên kết, các nhà sản xuất Việt mới đứng được. DN nội địa mạnh thì nền kinh tế mới phát triển ", bà Lan nhấn mạnh.

Phạm Huyền