"Nhiều nơi còn mắc bệnh nghiện kiểm tra. Nghiện rồi thì khó sửa, phải có gì đó hấp dẫn lắm người ta mới thích đi kiểm tra" - TS. Nguyễn Đình Cung nhận xét như vậy khi nói về thực trạng doanh nghiệp vẫn bị hành đủ kiểu hiện nay.

Gánh nặng thủ tục

Đó là cách ví von của người đứng đầu Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ tại hội nghị triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2016, do cơ quan này tổ chức ngày 18/5. Đây là nghị quyết lần thứ 3 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.

Tại đây, nhiều DN, hiệp hội tiếp tục phàn nàn về các vướng mắc, rào cản trong quá trình sản xuất kinh doanh.

{keywords}
Có quá nhiều thủ tục gây tốn kém tiền bạc, lãng phí thời gian của DN (ảnh minh họa)

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, dẫn chứng, để nhập khẩu bông, DN phải gửi công văn lên cơ quan của Bộ NN-PTNT để xin Giấy phép Kiểm dịch thực vật. Tính từ khi gửi công văn đến khi có quyết định kiểm dịch là 7 ngày, sau đó làm thủ tục mở tờ khai xin đăng ký kiểm dịch hun trùng tại cửa khẩu mất 2 ngày. Rồi phải chờ thêm 24 giờ sau khi nộp kết quả kiểm dịch hàng mới được thông quan.

“Như vậy, mất ít nhất 10 ngày DN mới xong thủ tục kiểm dịch hàng hóa” - ông Trương Văn Cẩm than vãn.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội bông sợi Việt Nam, năm 2015, Việt Nam nhập khẩu trên 1 triệu tấn bông. Bình quân mỗi năm, có khoảng 17.000-18.000 container bông bị lấy mẫu kiểm tra, chi phí kiểm dịch 1 triệu đồng/container. Như vậy, DN tốn ít nhất 17-18 tỷ đồng mỗi năm chi cho dịch vụ này. Thời gian kiểm dịch nhanh nhất là 2,5 ngày, chậm thì 7-8 ngày. Điều này gây ra gánh nặng rất lớn cho DN.

“Trước khi đến hội nghị này, tôi kiểm tra từ các DN thì được biết dù bị kiểm tra suốt nhiều năm nay nhưng chưa thấy đơn vị nào phản ánh là phát hiện sâu, bọ trong các lô hàng”, ông Sơn cho biết.

Tại hội nghị, ông Văn Viết Tuấn, đại diện Công ty Cổ phần Viettronics Tân Bình, lại tỏ ra bức xúc về việc thực hiện quy định của Bộ Công Thương về dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng.

Theo ông Tuấn, hiện chỉ duy nhất có Trung tâm 3 (Biên Hòa - Đồng Nai) tiến hành thử nghiệm nên xảy ra tình trạng quá tải, mất thời gian của doanh nghiệp. Mặt khác, hồ sơ đăng ký lại phải gửi ra Hà Nội (Bộ Công thương) vì không có cơ quan đại diện của Bộ hay Văn phòng năng lượng tại TP.HCM.

Tất cả công đoạn này làm DN mất tới 2 tháng mới nhận được Giấy quyết định dán nhãn năng lượng.

Nghe vậy, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, chi phí cho việc dán nhãn năng lượng này là không lớn, nhưng thời gian kiểm nghiệm lại quá nhiều. Đó là cách quản lý không phù hợp, không thân thiện, không vì DN, không đúng tinh thần Thủ tướng đã nêu đó là “vì DN phục vụ”.

Chấm dứt tình trạng “tiền dưới gầm bàn”

Trong khi đó, bà Nguyễn Ánh Tuyết, công ty TNHH Ford Việt Nam, đã liệt kê một loạt các thông tư của các bộ Công Thương, GTVT... đang gây cản trở hoạt động của DN. Đại diện Ford Việt Nam bày tỏ mong muốn trước khi các bộ ngành ban hành văn bản thì cho phép DN được có ý kiến vì họ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của các quy định đó.

{keywords}

DN phàn nàn vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu (ảnh minh họa)

TS. Nguyễn Đình Cung khẳng định vấn đề gây cản trở đang nằm ở các bộ. Các bộ trưởng không thay đổi, thì khó có thể giải quyết được.

“Cách quản lý không thân thiện với thị trường, với DN, đầy rẫy xin cho”, ông Cung thốt lên.

TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng: Nhiều nơi còn mắc bệnh nghiện kiểm tra. Nghiện rồi thì khó sửa, phải có gì đó hấp dẫn lắm người ta mới thích đi kiểm tra. Khi đã nghiện, thì phải có bàn tay bác sĩ yêu cầu cai nghiện bắt buộc.

Ông cũng tỏ rõ sự thất vọng khi nhắc đến cơ chế một cửa quốc gia nhằm giảm thời gian thông quan hàng hóa. Một cửa quốc gia mà chỉ kết nối có 2-3 thủ tục trong số hàng trăm thủ tục của các bộ, ngành. Các bộ chủ yếu thực hiện các thủ tục ít ảnh hưởng đến quyền lợi của bộ đó, còn thủ tục nào ảnh hưởng nhiều quyền lợi của họ nhưng giúp ích cho DN thì không làm.

“Cần kết nối thực chất, không nên kết nối hình thức để báo cáo có bao nhiêu thủ tục được kết nối”, ông Cung nhấn mạnh.

Ông Trần Quang Trung, Hiệp hội sữa Việt Nam, kể thêm: “Khi tôi còn làm Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm, Bộ Y tế, tôi đã đả phá thói mời DN đến, chuyên viên một bên, DN một bên. Nhìn không giống ai, như một chợ vỡ. Trước khi về hưu, tôi dành thời gian gian làm dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, không cho chuyên viên tiếp xúc với DN, tránh tiêu cực”.

“Tất nhiên, họ vẫn có cách tiêu cực bằng nhiều cách. Cuộc chiến này phải dài dài, không để cải cách thủ tục này xong đẻ ra nhũng nhiễu khác”, ông Trung lưu ý.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, khẳng định giảm thời gian giải quyết thủ tục cho DN là vấn đề rất quan trọng. Nhưng nếu thủ tục giải quyết nhanh hơn mà vẫn còn nhũng nhiễu, DN vẫn phải gặp ông nọ bà kia, vẫn còn tình trạng “tiền dưới gầm bàn” thì không đạt mục tiêu.

“Muốn làm được phải công khai minh bạch. Như vậy cần có công cụ là công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử. Nếu không có công cụ cho người dân, DN giám sát thì dễ có tiêu cực”, ông Lê Mạnh Hà chia sẻ.

Hà Duy