Thâm hụt ngân sách trong những năm gần đây là do chúng ta chi tiêu quá nhiều chứ không phải do hụt thu.

Cảnh báo ngưỡng an toàn

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nghĩa vụ trả nợ năm 2014 trên tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) của Chính phủ, vào khoảng 26% và năm 2015 khoảng 32%, đã vượt ngưỡng 25% theo quy định. Điều này cho thấy, chi trả nợ đang ở mức cao và có xu hướng tăng nhanh và đã liên tục cảnh báo về sự an toàn.

Trong khi đó, chi cho đầu tư phát triển từ NSNN năm 2014 -2015 chỉ ở mức 17%-18%/năm. Cho dù trên thực tế điều hành, có bổ sung thêm từ nguồn dự phòng NSNN, cao nhất cũng chỉ đạt 20%/năm.

Theo TS. Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân, ngân sách Việt Nam đang đối diện với thách thức của an toàn tài khóa là thâm hụt không được lớn hơn chi đầu tư phát triển, tức là không được đi vay để phục vụ tiêu dùng.

{keywords} 

Luật Ngân sách quy định rõ nguyên tắc cân đối NSNN, là tổng số thu phải lớn hơn tổng số chi thường xuyên. Trong trường hợp bội chi, thì số bội chi phải nhỏ hơn số chi cho đầu tư phát triển. Điều này có thể được hiểu là do nhu cầu đầu tư của Nhà nước lớn, mới làm cho ngân sách bội chi. Việc tìm kiếm nguồn bù đắp thâm hụt ngân sách, cũng chính là tìm kiếm nguồn vốn để đầu tư cho phát triển. Vay bù đắp bội chi NSNN, phải bảo đảm nguyên tắc không sử dụng cho tiêu dùng.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, tình hình nợ công sẽ nguy hiểm hơn nếu ngân sách đi vay để tiêu dùng. Đó là chính sách vay nợ không bền vững. Nếu vay cho mục đích đầu tư sẽ sản sinh ra sản phẩm mới, đóng góp vào GDP, từ đây có tiền thuế để trả nợ. Nhưng nếu vay tiêu dùng thì các khoản vay đó sẽ mất đi.

Nói về lo ngại này, Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch đã từng có ví von rất hài hước, đi vay là phải vay tiền “cái” mới đẻ được, nhưng ta vay thì lại vay tiền “đực”, không đẻ được. Ý ông Lịch muốn nói đã đi vay, thì phải sử dụng số tiền này đầu tư đem lại hiệu quả.

Còn theo ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Luật NSNN quy định, bội chi chỉ để dành cho đầu tư phát triển, nhưng trong số 226.000 tỷ đồng bội chi của năm 2015, chỉ có 195.000 tỷ được bố trí cho lĩnh vực này.

Chi nhiều, áp lực nợ tăng

Theo TS. Cao sỹ Kiêm, cần phải nhận thức rõ ràng thâm hụt ngân sách trong những năm gần đây là do chúng ta chi tiêu quá nhiều chứ không phải do hụt thu.

Qua theo dõi thì thấy tổng thu NSNN trong 4 năm qua đạt khoảng 24% GDP, với tốc độ tăng khoảng 10%/năm. Nhưng tổng chi ngân sách tăng nhanh, lên tới hơn 30% GDP. Đáng lưu ý, trong hai năm gần đây, chi thường xuyên mỗi năm đã gấp hơn 3 lần chi cho đầu tư phát triển từ NSNN.

Lãnh đạo Chính phủ cũng nhiều lần cảnh báo, cơ cấu ngân sách còn nhiều điểm đáng lo ngại khi chi thường xuyên, chi lương, ngày càng lớn, phần dành cho đầu tư phát triển ngày càng giảm.

{keywords} 

Còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng từng than thở rằng, chưa bao giờ tiền dành cho đầu tư phát triển lại ở mức thấp như hiện nay, chỉ chiếm khoảng 17% tổng chi ngân sách hàng năm.

Số liệu từ các cơ quan chức năng cho thấy, chi quản lý hành chính liên tục tăng với tốc độ cao, nếu giai đoạn 2001-2005 chỉ ở mức 17%/năm thì đến giai đoạn 2008-2012 tăng tới mức 31,7 %/năm và hiện đang ở mức trên 30%/năm.

Ví dụ, riêng số chi quản lý hành chính (dự toán) cho các cơ quan trung ương đã tăng hơn 11 lần từ 3.000 tỷ đồng năm 2004 lên 34.000 tỷ năm 2013. Điều này cho thấy Việt Nam không đạt được kết quả tốt trong việc cải cách bộ máy hành chính để giảm chi tiêu công.

Trên thực tế, thời gian qua việc cắt giảm chi tiêu công, chủ yếu lại nhằm vào lĩnh vực đầu tư phát triển, còn chi thường xuyên, nhân tố được coi là có ít đóng góp hơn cho tăng trưởng kinh tế dài hạn, lại không cắt giảm được bao nhiêu.

Thâm hụt ngân sách cao, đi kèm với nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, là nguyên nhân chính khiến Chính phủ đang phải thực hiện hàng loạt các chương trình phát hành trái phiếu, cả trong nước lẫn quốc tế để đảo nợ. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách thâm hụt cao như hiện nay, nhiều chuyên gia lo ngại, không ai có thể đảm bảo rằng, những khoản vay mới này sẽ được dùng để trang trải cho những khoản nợ cũ. Nếu chúng sẽ lại được dùng để tài trợ cho các khoản chi tiêu mới và tích lũy vào gánh nặng nợ công hiện tại.

Với nguồn lực hạn chế do thâm hụt ngân sách kéo dài, nền kinh tế Việt Nam đang cần những chương trình tái cấu trúc thực sự, trong đó một trong những trọng tâm là cải cách tài khóa, nhằm giải quyết triệt để những bất ổn kinh tế hiện tại và hướng nền kinh tế tới mục tiêu tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Trần Thủy