Ba đời nay, gia đình ông Nguyễn Hữu Thư ở Giếng Cốc, xã Hạ Bằng (Thạch Thất, Hà Nội) đều dùng lá chè hái từ cây có tuổi đời trên 200 trăm để hãm nước uống hàng ngày. Hai năm nay, một nhánh cây chè đã chết làm cả nhà mất ăn mất ngủ, lo lắng không biết cụ chè trong góc vườn còn gắn bó với gia đình được bao lâu nữa.

Báu vật truyền đời

Ông Nguyễn Hữu Thư cho hay, ông không thể quên được hương vị thơm ngon của chén chè mình được thưởng thức hồi 6-7 tuổi, thứ nước được hãm từ lá chè cổ hái trong vườn nhà.

Khi lên 8-9 tuổi, ông được ông nội kể lại câu chuyện về cây chè cổ mà gia đình vẫn thường gọi là cụ chè. Không biết cụ chè có từ bao giờ, chỉ biết, khi ông nội ông sinh ra, cây chè đã được trồng ở đó, trong góc vườn. Trải qua 3 đời, cả gia đình ông chưa phải mua một lạng chè mạn nào vì đã có "cụ".

Dẫn chúng tôi ra vườn thăm cụ chè - báu vật gia đình truyền lại, ông Thư cho biết, trước đâym cả vùng này đều là đồi chè. Dân sống nhờ vào nghề hái lá chè đem bán. Gia đình ông cũng không là ngoại lệ. Nhưng về sau, thấy nghề này đem lại thu nhập thấp, người dân trong làng và gia đình ông phá bỏ dần chè đi. Không hiểu sao, cụ chè vẫn được giữ lại cho đến nay. Tính ra, cụ chè đã sống và gắn bó với gia đình ông được trên 200 tuổi.

{keywords}Cụ chè 200 tuổi của nhà ông Thư
{keywords}
Hàng ngày ông phải bắc thang trèo lên mới hái được chè

Nói xong, ông lấy tay ôm qua đường kinh gốc và khoe: “Đường kính gốc to tới 40cm, cây cao gần bằng căn nhà hai tầng (9m), dáng thẳng đứng cùng cành lá xum xuê đang đua nhau đón lấy ánh nắng mặt trời. Cả làng này không kiếm đâu ra cây thứ hai”.

“Lá của cụ chè đem hãm nước uống thì ngon nức tiếng, không cây chè cổ nào có thể sánh bằng. Đặc biệt là vào mùa hè, khi chè đón được nhiều ánh nắng mặt trời nhất cũng là lúc cụ chè cho những chiếc lá ngon nhất trong năm”, ông Thư nói.

Trải qua bao năm tháng, nhiều lần gia đình ông định phá vườn cây để xây công trình phụ, nhưng chưa bao giờ nhắc đến chuyện chặt bỏ cụ chè. Bởi, với gia đình ông, cụ chè đã là thành viên không thể thiếu của gia đình.

“Cụ chè giờ cao quá rồi, mỗi khi hái lá tôi đều phải bắc thang trèo lên chứ không thể đứng dưới đất hái được nữa”, ông Thư nói.

{keywords}
Lá cây chè cổ thụ càng già hãm nước uống càng ngon

Trả tiền tỷ cũng không bán

Ông Thư tâm sự, 70 năm nay, ngày nào ông cũng uống nước chè tươi được hãm từ lá cây chè cổ trong vườn nhà nên giờ thành ra nghiện.

Vì thế, khi đi đâu xa, nhất quyết ông phải hái một ít chè đem theo để hãm nước uống dần, không thì chỉ uống nước lọc. Với ông, những loại chè khác đều có vị nhạt nhẽo, không loại nào sánh được cả về hương, vị, sắc như cụ chè cổ trong vườn nhà. Đó là thứ nước trà có màu trong xanh, uống hơi chát, nhưng khi uống xong chép miệng sẽ thấy có vị ngọt trong cổ họng. Vị ngọt này sẽ kéo dài ít nhất trong 5-10 phút. Tuy nhiên, để có được ấm nước chè ngon, khi hái chè ông cũng phải chọn những lá chè ngon đúng độ.

Ví dụ, với cụ chè cổ này, lá càng già hãm nước càng ngon. Khi hái lá chỉ cần thử bẻ ngang chiếc lá, thấy tiếng gãy đánh “tách” một cái là lá chè ngon. Còn những lá bánh tẻ, những lá non và búp chè thì ông không uống bởi chúng sẽ có vị chát nhiều hơn.

Đặc biệt, khi hãm chè cũng cần phải chú ý, phải rửa sạch lá qua 3 nước, sau đó vò nhẹ rồi cho vào ấm theo tỷ lệ lá chè chiếm 1/3 thể tích ấm nước. Tiếp đó, nước đun sôi 100 độ C rót vào ấm, lắc qua lắc lại rồi đem đổ bỏ toàn bộ nước đó đi, rót nước nóng tiếp vào và để ủ trong 3 tiếng là có thể đem ra thưởng thức.

{keywords}
Cả đời ông Thư quen uống nước chè xanh hái từ cây chè cổ thụ, đi đâu xa mà thiếu thì ông thà uống nước lọc còn hơn.

“Mỗi ngày tôi đều phải hãm ba ấm, cứ chuẩn bị hết ấm này tôi lại hãm ấm kia để lúc nào cũng có chè uống. Theo thời gian, uống mãi quen rồi, sáng ra phải uống được ngụn chè tươi, sau mỗi bữa ăn cũng phải uống ít nhất một ngụm. Không uống là cảm thấy trong người bứt rứt, khó chịu lắm”, ông Thư tâm sự.

Không biết có phải do được uống nước chè cổ thụ không, nhưng mỗi lần uống xong, ông thấy tinh thần vô cùng thoải mái, sảng khoái. Ngày nắng nóng, đi ngoài đường về mà có cốc chè tươi pha thêm chút đường thì thật tuyệt vời.

Các tài liệu khoa học cho thấy chè xanh có những tinh chất chống bệnh tật, đặc biệt là ung thư, nên có lẽ vì thế mà bao năm nay, nhờ uống nước chè, các thành viên trong gia đình ông đều khỏe mạnh.

Nhiều vị khách quý đến chơi nhà ngỏ ý hỏi mua nhưng ông đều lắc đầu, chỉ hái lá biếu. Cụ chè giờ đã già yếu hơn trước nên cho lá không nhiều, chỉ đủ để gia đình ông dùng hàng ngày.

“Có người hỏi mua rồi bảo đem máy móc đến đánh gốc cây đi nhưng tôi nhất quyết không bán, kể cả họ có trả tiền tỷ. Với chúng tôi, cụ chè là báu vật, là thành viên không thể thiếu của gia đình”, ông Thư chia sẻ.

Nhưng giờ ông Thư đang mất ăn mất ngủ bởi không biết cụ chè có thể gắn bó với gia đình được bao lâu nữa. “Cụ chè có hai nhánh, một nhánh đã bị chết nên gần đây, sáng sớm nào tôi cũng phải ra thăm cụ, chỉ lo nhánh còn lại 'đi' nốt. Con tôi nói lấy quả của cụ chè để ươm trồng một cây khác, nhưng tôi nghĩ có trồng thì ít nhất cũng phải 50-60 năm nữa mới có chè ngon để uống”, ông bảo.

B.Hân - T.Linh