Góp ý về đề xuất giảm thuế nhập khẩu cho lọc dầu Dung Quất, Bộ Công Thương vừa có văn bản cho rằng điều này là “có cơ sở” và “cần thiết phải có giải pháp cấp bách” để tháo gỡ khó khăn cho lọc dầu Dung Quất.

Gỡ bất cập chênh lệch thuế

Theo Bộ Công Thương, hiện nay theo cam kết tại một số hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và ASEAN, Hàn Quốc… mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với các sản phẩm xăng dầu đang được điều chỉnh giảm theo lộ trình cam kết. Điều này dẫn đến có sự chênh lệch giữa mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi và thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.

Cụ thể, kể từ 1/1/2016 thuế nhập khẩu các mặt hàng dầu diesel và nhiên liệu phản lực (Jet A1) từ các nước ASEAN là 0%. Trong khi đó, thuế suất áp dụng với dầu dieselvà Jet A1 của lọc dầu Dung Quất vẫn là 10%.

Như vậy giá bán sản phẩm dầu diesel của Dung Quất chịu thuế cao hơn 10% so với hàng cùng chủng loại nhập từ ASEAN. Còn với Hàn Quốc, thuế nhập khẩu xăng sẽ giảm còn 10%, thấp hơn một nửa so với mức 20% áp dụng cho Dung Quất, ASEAN; còn các mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa, nhiên liệu bay có thuế suất 5% (trừ dầu madut 0%).

{keywords}
Lọc dầu Dung Quất kêu khó vì thuế.

Trước mắt, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính xem xét có phương án điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng dầu nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm của nhà máy lọc dầu Dung Quất, đảm bảo mục tiêu vận hành ổn định và hiệu quả của nhà máy.

Trước đó, Hiệp hội năng lượng VN cũng đề nghị giảm thuế nhập khẩu cho lọc dầu Dung Quất ngang bằng với hàng nhập khẩu. Đồng thời, Chính phủ và các bộ chỉ đạo các khách hàng đặc biệt khách hàng lớn là Petrolimex tiếp tục ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm xăng dầu với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trong năm 2016 và các năm tiếp theo.

Hiện nay, trước các đề xuất 'kêu cứu' của lọc dầu Dung Quất, Bộ Tài chính vẫn chưa đưa ra phương án cụ thể. Các đề xuất của Dung Quất đang được lấy ý kiến các bộ ngành liên quan để đi đến quyết định cuối cùng

Lọc dầu Dung Quất 'đóng cửa' thật không?

Trao đổi với báo chí sáng 1/3 về các đề xuất của lọc dầu Dung Quất, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bày tỏ: "Sự hỗ trợ của Nhà nước với DN trong một giai đoạn nào đó, nhất là giai đoạn khởi đầu là quan trọng, nhưng không thể cứ kéo dài vô tận".

TS Thiên nhấn mạnh: "Nhà nước cần đặt ra một lộ trình cụ thể trong việc hỗ trợ cho các DN và đến một lúc nào đó thì chuyển hoàn toàn sang cơ chế thị trường. Ví dụ trong 3 năm đầu tiên, Nhà nước có những chính sách hỗ trợ nhất định để DN có điều kiện phát triển, nhưng mức độ ưu đãi giảm dần, sau 3 năm thì dừng lại".

"Tới khi đó, DN phải tự sống, phải lo lấy vợ con chứ không thể bám mãi vào bố mẹ", TS Thiên nhấn mạnh.

{keywords}
DN phải dần tự sống bằng năng lực của mình.

Theo ông, "tình thế của nhà máy lọc dầu Dung Quất quá đặc biệt. Nhà nước đã đầu tư rất lớn nên bây giờ, khi có chuyện thì cũng không thể nói đơn giản để mặc cho nó chết được".

Để giải quyết được vướng mắc của Dung Quất thì đầu tiên, "Nhà nước vẫn phải có một can thiệp tối thiểu, nhưng phải hợp lý và sớm chấm dứt lộ trình ưu đãi. Đặc biệt, người ta đang nghi ngờ về khả năng 'chết' của Dung Quất. Điều này phải rõ ràng ra. Nếu lọc dầu Dung Quất 'chết' mà làm tổn hại lợi ích quốc gia thì phải xem lại vì đây cũng là tài sản của Nhà nước", TS Thiên chia sẻ.

Như VietnamNet đã phản ánh, PVN mới đây đã gửi công văn “kêu cứu” lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương với lời nhấn mạnh về nguy cơ bắt buộc phải giảm công suất hoặc tạm dừng nhà máy trong 2-3 tháng tới.

Nguyên nhân là do áp dụng lộ trình thuế ATIGA trong ASEAN và theo Hiệp định thương mại Việt Nam- Hàn Quốc, các thương nhân đầu mối đã chuyển sang nhập khẩu xăng dầu ASEAN, Hàn Quốc hưởng thuế thấp. Trong khi đó, xăng dầu Dung Quất phải chịu thuế MFN theo Thông tư 78 của Bộ Tài chính với mức cao, khiến giá xăng dầu Dung Quất cao hơn từ 2-4 USD/thùng và không cạnh tranh nổi với xăng dầu ngoại.

Biện pháp mà Dung Quất mong muốn Thủ tướng xem xét là giảm thuế nhập khẩu để không tạo sự chênh lêch trên. Tuy nhiên, chính sách thuế nhập khẩu xăng dầu này lại liên quan mật thiết đến cơ chế tài chính của lọc dầu Dung Quất theo Quyết định 925 và tương lai là lọc dầu Nghi Sơn theo giấy phép dầu tư.

TS Trần Đình Thiên cho rằng: "Nếu như có thể thì xem xét lại cơ chế tài chính này, bởi các cam kết theo các hiệp định thương mại sẽ không thể thay đổi, bắt buộc phải theo".

"Cơ chế không rõ ràng nên dẫn đến việc các DN cứ khất lần và dựa dẫm mãi vào Nhà nước. Đến khi diễn biến thị trường thế giới bất thường thì chịu không nổi. Đây là bài học kinh nghiệm không hề rẻ với những ngành công nghiệp khác”, TS Thiên bình luận.

GS. TS Nguyễn Quang Thái ,Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, việc các DN xin ưu đãi phải xuất phát từ bức tranh chung của nền kinh tế chứ không phải từng ngành một ai cũng muốn thu lợi cho riêng. Với Dung Quất, đây cũng là câu chuyện của thị trường, chứ không phải duy y chí".

Hà Duy - Phạm Huyền