Người dân đang từ bỏ nắm giữ USD khi tỷ giá ổn định và dần mở theo thị trường. Còn đầu cơ cũng phải tính lại khi 'chợ đen' ngày càng teo, giá mua bán USD thấp hơn cả ngân hàng. Sự phức tạp và khó lường của tỷ giá dường như đã được kìm tỏa sau cuộc chiến suốt nhiệm kỳ qua.

Giải trình giá điện mới đây, EVN tiếp tục nhắc lại khoản lỗ hơn chục ngàn tỷ do điều chỉnh tỷ giá tăng hơn 9% trước đây. Khoản lỗ hiện vẫn 'treo' và phân bổ dần mỗi năm hàng ngàn tỷ vào giá điện. Mấy năm trước, Petrolimex cũng không ít lần kêu ca về khoản lỗ ngàn tỷ do biến động tỷ giá.

Hậu quả của những cú sốc điều chỉnh tỷ giá 5,4% vào 26/11/2009 hay 9,3% vào 11/2/2011… là dấu ấn cho một giai đoạn toàn bộ thị trường luôn trong tình trang phòng thủ, găm giữ vì lo sợ USD tăng sốc. 

Thậm chí, mỗi khi USD có dấu hiệu tăng trên thị trường tự do, cơ quan quản lý đưa ra một vài thông tin trấn an rồi ngay sau đó là điều chỉnh tăng sốc. Đó như là một 'luật ngầm' mà dân đầu cơ lợi dụng để làm loạn thị trường. 

Nhưng điều đó, đã bị phá bỏ. 

{keywords}
Thị trường ngoại hối Việt Nam khá ổn định trong 4 năm gần đây.

Ba lần giữ cam kết

Điều hành tỷ giá luôn là một thách thức lớn cho chính sách tiền tệ. Nói như một cựu lãnh đạo NHNN là: chả ai dám nói trước điều gì với tỷ giá. Chính vì thế, những năm trước cơ quan quản lý luôn trong tình thế chạy theo để ứng phó mỗi khi có biến động. 

Giai đoạn từ 2012 trở lại đây đã ghi nhận một diễn biến khác của tỷ giá với chủ động cam kết, điều hành ổn định dài hạn và kiên định với một lộ trình thị trường hóa hơn. Loại bỏ dần tâm lý găm giữ và đầu cơ. 

Ngày 7/9/2011, một tháng sau khi ngồi ghế Thống đốc, ông Nguyễn Văn Bình đã đưa ra cam kết: nếu điều chỉnh tỷ giá USD/VND thì đến cuối năm không quá 1%. Thực tế, đến cuối 2011, cam kết này đã được thực hiện dù nửa cuối 2011 đã không dưới chục lần tỷ giá tăng liên tiếp.

Trong các năm tiếp theo, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đều đưa ra cam kết tỷ giá, tăng ở mức 2% cho 2012 và 2– 3% cho 2013. Và đến cuối năm, những cam kết đó đã được giữ vững. Tiếp đến, 2014, tỷ giá tiếp tục được kìm tỏa trọng một định hướng sẵn từ đầu năm. Ba đợt “sốt” trong năm 2014 cũng nhanh chóng được bình ổn.

Những cam kết tỷ giá luôn gây ra nhiều tranh cãi vì nghi ngại; cũng như sự tấn công liên tục của những cơn sốt thị trường nhưng thực thi được điều đó đã tạo là một định hướng lớn để thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định. Từ thế chạy theo, quản lý tỷ giá chuyển sang dẫn dắt điều phối thị trường. Những cơn sốt chưa dứt hẳn nhưng nổi lên ngắn hạn rồi nhanh chóng hạ hiệt. Tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế giảm, giúp NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng mạnh dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Và điều quan trọng nhất, với một nền tỷ giá ổn định, DN và nền kinh tế đã yên tâm đầu tư làm ăn mà không còn lo phòng thủ trước các cú sốc như trên.

{keywords}
Các chính sách tiền tệ dần độc lập và sát thị trường hơn.

Cuộc chơi sòng phẳng

Bước vào 2015, tỷ giá được hưởng những điều kiện thuận lợi với những nguồn lực dồi dào, nền tảng ổn định tích lũy từ các năm trước, lạm pháp liên tục ở mức thấp, dự trữ ngoại hối lên tới gần 40 tỷ USD…

Tuy nhiên, những cơn sốc tài chính thế giới nhất là biến động NDT của Trung Quốc tác động vào Việt Nam đã khiến cho mọi kỳ vọng bị thách thức. 

Thời điểm đó, đã không ít người lo ngại khả năng ứng phó của Việt Nam, thị trường tự do tưởng như có một cơ hội cho một cuộc náo loạn mới. Tuy nhiên, dù lường được nội lực không sẵn có để có thể chơi một cuộc đấu bạo tay nhưng không vì thế mà thế chủ động bị mất đi và lộ trình quản lý tỷ giá bị đứt quãng.

Ngay sau cú sốc 4,6% đồng NDT và thay đổi chính sách ngoại hối của Trung Quốc bắt đầu từ 11/8/2015 đã tác động tới Việt Nam. Cụ thể, với quy chế xác định tỷ giá tham chiếu hàng ngày dựa trên diễn biến trên thị trường, liên tiếp từ 11-13/8/2015, TQ đã 3 lần hạ tỷ giá tham chiếu lần lượt là 1,9%, 1,6% và 1,1%, đưa đồng NDT giảm tổng cộng gần 5% xuống còn 6,45 NDT/USD, mức thấp kỷ lục trong suốt 4 năm trước đó.

Ngay lập tức, NHNN đã nới biên độ tỉ giá lên +/-2% vào ngày 12/8. Tới ngày 19/8, NHNN điều tăng tỷ giá thêm 1% đồng thời nới biên độ lên +/-3%. Cùng với 1 lần điều chỉnh biên độ vào ngày 7/1 và 7/5 trước đó, tổng cộng VND được nới rộng +5% trong năm 2015.

Sự phản ứng kịp thời này đã củng cố vững cho VND trên thị trường ngoại hối, tăng sức đề kháng cho nền kinh tế. Nửa năm sau cú sốc NDT, có thể thấy, đồng VND vẫn rất ổn định. Điều đó cho thấy, các CSTT trong đó có chính sách tỷ giá của NHNN đúng mức, phù hợp và kịp thời.

Và đầu năm mới 2016, NHNN đã công bố một chế chế điều hành tỷ giá mới như một cam kết cho lộ trình đổi mới điều hành tỷ giá và chuẩn bị cho những cuộc đấu sòng phẳng hơn trên thị trường. 

Cơ chế tỷ giá trung tâm, áp dụng từ 4/1/2016. Theo đó,  NHNN sẽ công bố tỷ giá hàng ngày có lên có xuống bám sát thị trường và cung cầu ngoại tệ.

Cơ chế mới giúp xóa bỏ tâm lý găm giữ, chờ đợi các đợt phá giá. Thay vì phải giữ một cơ chế cứng rồi luôn phải tìm cách đối phó thì cơ chế mở hơn theo hướng thị trường đã tự nó điều chỉnh thị trường ngoại hối một cách ổn định hơn, cũng như tránh được sự bào mòn nguồn lực trước những cơn biến động như thời gan qua.

Chưa bao giờ, thị trường ngoại hối có hiện tượng tỷ giá thị trường tự do và trên hệ thống NH diễn biến theo hướng giảm, trái chiều với hướng tăng tỷ giá của NHNN. Chưa bao giờ, tình trạng đô la hóa được giảm thiểu như hiện nay.

Đây là một nghịch lý nhưng dường như là lời đáp phá giải 'luật ngầm' của tình trạng đầu cơ tỷ giá tồn tại trong nhiều năm qua. Nhìn rộng hơn, điều hành tỷ giá trong giai đoạn 2011-2015 kiên định theo một lộ trình dài hơi và mở dần theo thị trường đã tạo ra một môi trường ổn định, gia tăng niềm tin cho DN và giới đầu tư. 

2016 được đánh giá là năm thị trường tài chính quốc tế có nhiều biến động. Nếu duy trì phương thức điều hành tỷ giá như trước đây thì các biến động đó sẽ gây áp lực rất lớn đối với tỷ giá và đồng tiền Việt nam. Nhưng với phương thức điều hành tỷ giá mới đã triệt tiêu được những tác động đó và giữ cho tỷ giá được ổn định, hạn chế được tình trạng đầu cơ, găm giữ.

M. Hà