“Mới đầu, người ta tìm đến nhà hàng Xuân Mai để xem mặt đặc viên FBI là ai. Sau đó, họ càng thưởng thức món ăn do chính tay tôi nấu, họ càng cảm thấy thích thú và tiếp tục phổ biến tên tuổi của nhà hàng Xuân Mai”- Meyung Robson, người còn được gọi với cái tên Mỹ Dung, bà chủ của nhà hàng Xuân Mai ở Thái Lan chia sẻ trong câu chuyện cuối năm dành cho Báo NTNN.

Thưa bà, nhiều người Việt Nam khi đến Bangkok và trở về đều mang theo câu chuyện thú vị về bà chủ của một nhà hàng thuần Việt từng là cựu Hoa hậu Sài Gòn, đồng thời là đặc vụ của Cục Ðiều tra Liên bang Mỹ (FBI)?

-Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Khi tôi 20 tuổi, đó là năm 1970, tôi giành danh hiệu Miss Saigon. Khi đó, tôi đang là sinh viên năm thứ nhất ngành luật. Một buổi sáng đẹp trời, cô giáo chủ nhiệm đến lớp và nói rằng, sẽ có một cuộc thi sắc đẹp ở Sài Gòn và khuyên tôi tham gia. Tôi đã quyết định thử sức và tôi đã giành chiến thắng. Chiếc vương miện giờ vẫn được tôi cất giữ cẩn thận. Năm 1975, gia đình tôi sang định cư ở Mỹ. Tôi bắt đầu theo học ngành luật ở ÐH New York và tình cờ quen biết một nhân viên FBI, sau đó xin tình nguyện dịch tài liệu cho tổ chức này. Công việc có sức cuốn hút mãnh liệt nên cuối cùng tôi quyết định gửi hồ sơ xin gia nhập FBI.

{keywords}
Bà Mỹ Dung- bà chủ nhà hàng Việt Xuân Mai. Ảnh: T.L

Cứ mỗi sáng thứ Hai hàng tuần, tôi đều gọi điện đến Washington chỉ để hỏi: Hồ sơ của tôi đã được duyệt chưa. Thậm chí, tôi còn viết thư cho giám đốc FBI thời đó là ngài William Sessions với đề nghị: “Hãy nhận tôi hoặc là không”. Tôi đã rất mệt mỏi khi phải chờ đợi hơn 3 năm mới được họ chấp nhận hồ sơ vào ngày 29.4.1978.

Ban đầu, tôi chỉ ứng cử vào vị trí phiên dịch viên cho FBI với mong muốn giúp đỡ những người Việt không rành ngôn ngữ tại Mỹ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với luật pháp nước này. Tuy nhiên, thật bất ngờ FBI đã tuyển dụng tôi với tư cách là một đặc vụ chuyên nghiệp. Tôi trở thành đặc vụ người Việt Nam đầu tiên tại FBI.

Với tư cách là một nhà ngoại giao của FBI, tôi cùng cùng hai con đi khắp thế giới và thường làm việc ngầm trong nhiều trường hợp. Tôi từng tham gia nhóm truy đuổi những tên tội phạm ở Bangkok và sau đó chuyển tới Ðại sứ quán Mỹ tại Thái Lan.

Cơ duyên nào đã đưa một đặc vụ FBI đến với ẩm thực và trở thành bà chủ của “căn bếp Việt” thân thương ngay tại thủ đô Bangkok này?

-Khi nghỉ hưu năm 2004, tôi trở lại với nấu nướng, một sở thích suốt nhiều năm qua. Công việc tôi làm rất căng thẳng vì vậy khi trở về nhà với các con, tôi chỉ muốn quên hết mọi công việc và nấu ăn trở thành cách giải tỏa mệt mỏi của tôi.

Nhà hàng Xuân Mai ra đời vào ngày Giáng sinh năm 2005, tính đến nay đã đúng một thập niên. Xuân Mai cũng chính là tên cô con gái yêu quý của tôi. Nhớ lại thời gian mới tập tễnh làm nhà hàng, thuở ban đầu, tôi cộng tác với người quen, cốt ý chỉ là người đầu tư để sửa sang một quán ăn Việt Nam thật nhỏ ở hẻm đường Sukhumvit 13 thôi. Nào ngờ, tôi và người hợp tác lại không hợp ý hợp tình, nên buộc lòng mình phải tự kiêm việc nấu nướng trong nhà bếp.

Mới đầu, nhà hàng vắng khách, không ai biết tên và thực đơn chỉ vẻn vẹn có 10 món thôi. Nên đó là thời gian quý báu để tôi thí nghiệm nấu những món ăn Việt Nam mà tôi đã quen thuộc. Khoảng 3 tháng sau, có một phóng viên của nhật báo The Nation đến phỏng vấn về nhà hàng. Vài ngày sau, bài báo được đăng lên với tựa đề “Recommended by the FBI” (tạm dịch Cơ quan FBI xin giới thiệu). Từ đó, khách hàng cứ nườm nượp đến. Thứ nhất để xem mặt đặc viên FBI là ai. Thứ hai, họ càng thưởng thức món ăn do chính tay tôi nấu, họ càng cảm thấy thích thú và tiếp tục phổ biến tên tuổi của nhà hàng Xuân Mai. Từ đó, “tiếng đồn miếng” và nối tiếp với bao nhiêu phóng viên của các tạp chí trong và ngoài nước Thái tìm đến tôi để phỏng vấn.

Bí quyết thành công của “đầu bếp đặc vụ” là gì và thông qua những món ăn do chính tay mình nấu, bà muốn gửi gắm điều gì đến người thưởng thức chúng?

-Trong năm năm đầu tiên, nhà hàng Xuân Mai cư trú tại địa điểm Sukhumvit hẻm  số 13, chỉ với 4 bàn ăn. Sau đó, nhà hàng chuyển về địa chỉ ở đường Thonglor, Bangkok với khuôn viên rộng hơn, có 2 tầng để phục vụ khách hàng nhưng cũng chỉ có mình tôi làm đầu bếp, cùng với 2 người phụ bếp.

Khách đến nhà hàng có rất nhiều người thuộc tầng lớp quý phái, tên tuổi, là các quan chức cao cấp trong Chính phủ, Hoàng gia Thái Lan cũng như rất nhiều người Việt Nam du lịch đến thủ đô Bangkok.

"20 năm lăn lộn với nghề đặc vụ, Mỹ Dung được ghi nhận là một trong những phụ nữ xuất sắc của FBI. Bà cũng là một trong những người đầu tiên làm cầu nối cho việc hợp tác giữa FBI và cảnh sát Việt Nam. Bà cho biết, hiện tại, ngoài việc nấu nướng, tiếp khách, giao hàng trong phạm vi khu chung cư, bà đang viết hồi ký cuộc đời mình.

Nếu  khách không biết nhiều về các món ăn Việt Nam, tôi sẵn sàng giải thích toàn bộ thực đơn, về thành phần món ăn và cả các câu chuyện xuất xứ của chúng. Các thực khách đến đây đều công nhận một điều rằng các món ăn ở Xuân Mai luôn “trung thành” với bản gốc. Chỉ có một điều hơi khác, tôi không sử dụng mì chính, bột nêm trong các món ăn của mình. Sau nhiều năm kinh nghiệm và các kiến thức có được, tôi đã thấy được một số vấn đề không tốt cho sức khỏe mà mì chính gây ra vì vậy tôi quyết định không dùng chúng khi nấu ăn. Nhiều khách hàng hiểu biết đã rất thích và nể phục điều này và tôi cũng xem đó là phương châm của nhà hàng.

Hiện tại nhà hàng không còn hoạt động trong thủ đô Bangkok mà đã chuyển về khu gia cư rất đông đúc người nước ngoài, bên cạnh trường học quốc tế là International School Bangkok, ở vùng ngoại ô tên là Pakkret, Nonthaburi. Dù cách thủ đô 40km, nhưng khách quen khi xưa và khách mới vẫn tìm đến hương vị của Xuân Mai. Với tôi, món ăn của Xuân Mai luôn phải đậm đà hương vị quê hương. Tôi thường bay đi về giữa Bangkok- Hà Nội và TP.HCM để tìm mua nguyên liệu, thực phẩm cần thiết cho nhà hàng của mình như là rau thơm, bánh đa, mắm tôm, cà phê, trà sen…

Vào dịp Tết Nguyên đán, tôi cũng nấu bánh chưng, bánh tét đúng theo kiểu cách Việt Nam, dùng bằng gạo nếp Thái Lan nên có lẽ ngon và dẻo không kém các loại bánh từ Hà Nội hay Sài Gòn.

Tôi muốn tất cả khách hàng nước ngoài của tôi biết và được thưởng thức hương vị tinh khiết, tuyệt vời của ẩm thực Việt- đó là nét văn hoá không thể trộn lẫn được. Ngoài ra, với những thực khách Việt xa quê hương, họ đến với nhà hàng, như có cảm giác mình đang sống ở Việt Nam, không chỉ được thưởng thức những món ăn thuần Việt mà còn được hưởng không gian Việt đậm đà truyền thống.

(Theo NTNN)