Nhiều công ty hỗ trợ nhân viên làm xuyên Tết với mức lương cao gấp 3-4 lần bình thường. Song cả năm mới có 1 dịp nghỉ Tết nên nhiều người vẫn không mặn mà.

Chị Phương Lan làm việc ở công ty tài chính tại Hoàn Kiếm, Hà Nội được hứa hẹn nhận 200% lương nếu ở lại làm việc vào Tết Nguyên đán. Do là công ty 100% vốn nước ngoài, lại có kỳ kiểm toán rơi đúng vào đầu tháng 2/2016 nên doanh nghiệp này khuyến khích người lao động làm "xuyên Tết".

Thời điểm Tết Dương lịch, công ty chị Lan cho nhân viên nghỉ khá sớm, từ 24/12, vì trùng với lịch nghỉ Tết của các lãnh đạo. Nhân viên không muốn nghỉ, vì sẽ bị trừ lương tương ứng, nhưng không thể không nghỉ. Song đến giờ, dù được hứa tăng lương, nhưng một năm chỉ có một kỳ nghỉ Tết, nên không ai mặn mà.

Những ngày cuối năm quá bận rộn, công ty chị thường xuyên tăng ca đến 21h. "Với tâm trạng chung không muốn việc dồn dập vào đầu năm, mọi người đều căng sức để làm, nên Tết dù có tăng lương gấp 3 cũng không có sức để tiếp tục", chị Lan cho hay.

{keywords}
Dù được trả lương gấp 3-4 ngày thường song nhiều người vẫn không mặn mà khi làm việc xuyên Tết. Ảnh: Ngọc Lan. 

Theo ca trực năm nay, anh Nguyễn Văn - bảo vệ một tòa nhà ở Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) phải làm việc cả ngày 29 cho đến hết sáng mùng 1 Tết. Song mức thưởng 2 ngày này của anh chỉ là 150.000 đồng mỗi ngày trực (8 tiếng), trong khi ngày công thường nhật của anh là 100.000 đồng. 

Với mức lương ngày Tết bèo bọt, anh Văn cho biết chỉ muốn về nhà. Song do đặc thù công việc, nhà lại gần Hà Nội, những người làm khác quê ở xa nên anh phải đi làm để mọi người xa quê được về ăn Tết. 

Có lịch trực như anh Văn, Trần Văn Thanh (Hoài Đức, Hà Nội) làm bảo vệ cho một ngân hàng thương mại lại có lương Tết cao gấp 4 lần bình thường. Mỗi ngày trực dịp Tết, anh Thanh được trả 780.000 đồng chưa kể tiền lì xì của ngân hàng. 

Mấy ngày gần đây, nhiều đơn vị, chủ cửa hàng cũng liên tục đăng tin tìm nhân viên làm Tết. Ngày công được tính gấp 3-4 lần bình thường. 

Chị Phương Thanh, chủ cửa hàng tạp hóa ở Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị phải đăng tin tìm người làm trước 2 tháng mới có được 2 nhân viên làm hết ngày 28, 29 Tết. Mức chi trả cho nhân viên dịp này là 36.000 đồng một tiếng, gấp 3 lần ngày thường. Ngoài ra, chị Thanh còn tặng cho mỗi người 1 giỏ quà giá 200.000 đồng. Với mức trả lương này, theo chị Thanh, lời thu về cũng không được bao nhiêu. Song để giữ các mối hàng quen nên cửa hàng không nghỉ sớm được. 

Bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhất Nam (hệ thống siêu thị Fivimart) cho biết, siêu thị tại Aecon Mall Long Biên sẽ mở cửa qua Tết. Lượng nhân viên làm việc xuyên Tết khoảng 20 người. Hầu hết là người ở Hà Nội, những nhân viên ở các tỉnh khác đã về quê ăn Tết từ ngày 28 Âm lịch. 

Theo bà Hậu, ngoài hỗ trợ về quà tặng Tết, đơn vị cũng chi trả các khoản lương, thưởng cho nhân viên theo quy định của Nhà nước. Theo đó, nhân viên trực ca Tết sẽ được hưởng ít nhất bằng 300% lương, chưa kể tiền lương ngày làm việc đó. 

Theo một khảo sát của JobStreet.com mới đây, mức lương thưởng hiện không phải là yếu tố được nhân viên đặt lên hàng đầu để tiếp tục làm công việc hiện tại. Khảo sát cho thấy môi trường làm việc năng động, truyền cảm hứng mới là yếu tố hàng đầu (22%) người lao động quan tâm. Mức lương thưởng tốt chỉ đứng ở vị trí thứ hai (16.8%). Cũng vì vậy mà có đến hơn 66% lao động cho biết họ sẵn sàng chuyển việc để có một cơ hội nghề nghiệp tốt hơn, thay vì tiếp tục làm việc cho công ty hiện tại trong 12 tháng tiếp theo. Trong đó, 49% quyết định tìm việc ngay trong Tết.

(Theo Zing)