Đón năm mới 2016, các phố tây ở Việt Nam cũng lung linh sắc màu cùng công dân của các quốc gia trên thế giới đang học tập, du lịch và sinh sống tại mảnh đất hình chữ S. Nhưng có mấy ai biết Việt Nam có bao nhiêu phố Tây thời hội nhập?

Lung linh sắc màu ở phố Tây Q.1

Không khí đón năm mới đã tràn ngập tại phố Tây Phạm Ngũ Lão (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1). Sau Liên hoan Văn hóa ẩm thực của các nước tổ chức tại Công viên 23/9, nhiều hàng quán, ngôi nhà tại phố Tây này như khoác một chiếc áo mới nhiều sắc màu lung linh huyền ảo. Tại “ngã tư quốc tế” là giao lộ Bùi Viện - Đề Thám, các quán bar lâu đời và nổi tiếng nhất ở đây như Buffalo (nghĩa là Trâu mê say), với biểu tượng sừng trâu chễm chệ trên bảng hiệu hay quán bar Go Go... tràn ngập khách Tây trong những ngày chào đón năm mới.

Nhấp một ngụm bia lạnh, anh Van Der Sar (45 tuổi, quốc tịch Hà Lan) chia sẻ: “Ngày càng có nhiều du khách đến TP.HCM và họ chọn nơi này để đón chào năm mới. Với người châu Âu, dịp này nhiều thành viên trong các gia đình do bận rộn làm việc ở nước ngoài nên không kịp trở về đoàn tụ cùng gia đình. Họ thường đón năm mới ở nhiều nơi trên thế giới.

Những hình ảnh đón năm mới sẽ được gửi về cho cha mẹ qua facebook, zalo… chứ không phải bắt buộc là quay về với gia đình như người Việt Nam”. Chàng kĩ sư đang làm cho một công ty tại Q.1 này cho biết, vào đêm cuối năm 2015 (dương lịch), anh sẽ hẹn bạn ra đây để đếm ngược kim đồng hồ. Khi đồng hồ vừa điểm 12 tiếng báo thời khắc năm mới đến, tất cả mọi người sẽ cùng ngân vang bài Happy New Year của ban nhạc ABBA huyền thoại và khui chai sâm banh để chúc mừng nhau sức khỏe.

Sau đó, họ sẽ gọi điện thoại về chúc mừng cha mẹ, người thân với những lời chúc tốt đẹp nhất. Những ngày này, phố Tây Q.1 được trang hoàng lộng lẫy nhất vì đây là dịp họ buôn bán sầm uất nhất trong năm. Thức ăn và đồ uống đã được các chủ quán bar, quầy rượu chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ các thực khách. Bà Vũ Thị Thu Thủy (50 tuổi, chủ một quán bar) nói rằng: “Tết Tây năm nào ở đây cũng kẹt xe. Người nước ngoài đến đây thường gửi xe bên ngoài rồi đi bộ vào. Khi bài hát Chúc mừng năm mới nổi lên, ai nấy cũng lao ra đường ôm nhau, nhảy múa và ca hát, không phân biệt quốc tịch, màu da. Người phương Tây rất văn minh nên thường uống một vài chai bia ướp lạnh hoặc vài cốc rượu cho khí thế chứ không “quất” vài thùng kiểu như dân mình đón Tết Nguyên đán. Họ vui vẻ, hòa đồng, làm không khí nơi đây thêm vui tươi, phấn khởi”.

{keywords} 

Trầm mặc và cổ kính

Phố Tây ở Huế ngẫu nhiên cũng mang tên đường Phạm Ngũ Lão như ở Sài Gòn, bao bọc xung quanh là các con đường: Lê Lợi, Đội Cung, Chu Văn An… Phố Tây đất cố đô nằm cạnh bờ nam sông Hương mát mẻ, lồng lộng gió, giống phố Tây ở thủ đô Phnom Penh (nằm cạnh quảng trường bốn mặt, hứng gió từ dòng Mekong). Nơi đây hiện giữ trên 60 cây cổ thụ trăm tuổi.

Phố Tây cũng có nhiều shop bán hàng lưu niệm, phục vụ du khách thập phương. Những chiếc xích lô chở khách thì sơn màu tím và có bạt che phủ màu đỏ làm du khách rất thích thú. Ban ngày phố Tây ở đất vua xưa rất vắng vẻ vì khách ngoại quốc chủ yếu đi thăm đền đài, lăng tẩm, phá Tam Giang, lăng Cô… Tối đến, lữ khách xa gần mới tụ hội về đây, ở tại các khách sạn: Sport, Asia, Hoa Hồng, Mường Thanh… Phải tầm 10 giờ đêm, họ mới ra quán để thưởng thức các món đặc sản Huế như: Bún bò, bánh bột lọc, bánh nậm, bánh canh… Tên các món ăn đều được ghi bằng hai thứ tiếng là Việt và Anh cùng hình ảnh minh họa. Giá món ăn dao động 60.000 - 70.000 đồng, bia thì uống một tặng một. Nhân viên phục vụ niềm nở, nho nhã.

Ở đây, có quán mang tên DMZ (tức khu phi quân sự thời chiến tranh), nằm ngay góc Lê Lợi - Phạm Ngũ Lão, với bàn ghế bày ra cả ngoài trời thu hút thực khách rất đông, nhất là những người ngủ khuya. Bà Vũ Thị Hạnh (60 tuổi, chủ một khách sạn bình dân trên đường Chu Văn An) cho biết, phố Tây hình thành từ năm 1980, lúc đầu chỉ lấy trục đường Phạm Ngũ Lão, dài khoảng 200m làm “đại bản doanh”.

Sau này, khách tới đông hơn, nhất là trong các dịp lễ, tuần văn hóa nên người dân ở các con đường lân cận cũng đổ xô vào làm du lịch, mở hàng ăn. Giá đất ở đây cũng từ đó mà “nhảy” lên trên 30 triệu đồng/m2. Khác với phố Tây các nơi khác, phố Tây ở Huế bình lặng, không có nhạc xập xình, ồn ào. Cạnh các khách sạn mới mọc là những ngôi nhà mái ngói cổ xưa cùng vườn tược xanh rì.

Có lẽ trước khung cảnh yên tĩnh, du khách chỉ đến tận hưởng là chính, chứ không vui đùa náo nhiệt như nơi khác. Khách nước ngoài thích ngắm nhìn phố xá về đêm. Người bản địa thường đi ngủ sớm, nhất là khi trời mưa nên phố Tây ở đây cũng tắt đèn sớm hơn các nơi khác trong nước. Giống ở Huế, du khách Tây ra thăm Hà Nội thường chọn các khách sạn ở ngã ba Tạ Hiện - Đinh Liệt - Lương Ngọc Quyến, khu vực được mệnh danh phố Tây rất sôi động và náo nhiệt. Toàn bộ khu vực nằm trọn trong phố cổ Hà Nội với trục chính là Tạ Hiện, ban ngày, các cửa hiệu ở đây vẫn buôn bán bình thường nhưng đêm xuống, hàng quán ăn uống xếp ghế xuống cả lòng đường.

Các món ăn đường phố được phục vụ chủ yếu gồm bia, nem chua, phô-mai que xen lẫn những quán rượu nhỏ hoặc hộp đêm. Đặc biệt, nhiều khách sạn ở đây được tính bằng đô la, có phục vụ cho lữ khách ăn sáng ngay tại phòng ăn vừa đảm bảo vệ sinh vừa giúp họ không bị “chặt chém”.

Nhộn nhịp phố Tây cạnh bờ biển

Khác với phố Tây ở Huế yên tĩnh, thoáng đạt thì phố Tây ở TP. Nha Trang (Khánh Hòa) chủ yếu tập trung ở các con đường: Hùng Vương, Nguyễn Thiện Thuật, Trần Quang Khải, Biệt Thự… thông ra đường Trần Phú để tới bãi biển. Các con đường này ngắn nhưng tập trung nhiều khách sạn, nhà hàng mọc lên “như nấm sau mưa”. Cách đây chỉ mới 5 năm nhưng phố Tây ở đây đã đông nghịt khách, nhất là mùa hè, phòng ốc nhiều khi không còn để thuê. Vì nằm ở khu vực “vàng”, tiện lợi giao thông nên phố Tây Nha Trang hoạt động rất náo nhiệt, gần các sàn nhảy kiểu như Siling Club, khách sạn cao cấp như: Novitel, Sofitel... Ngoài khách Âu Mỹ, phần lớn khách đến đây chủ yếu là người Nga và Ucraina.

Ở Nha Trang, nhiều điểm du lịch mà khách ngoại quốc thích thú là đi cáp treo vượt biển để đến khu vui chơi, tham quan tháp Bà Ponagar, vịnh Cam Ranh, đảo Ba Bình, lặn san hô, thưởng thức hải sản… Du khách Đông Âu rất thích tắm biển và phơi mình trên bãi cát vàng óng. Là “thiên đường du lịch” ở miền Đông Nam bộ, phố Tây Phan Thiết nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu (phường Hàm Tiến), giáp Mũi Né lại đặc trưng là không có những tòa nhà cao tầng mà khách đến đây chủ yếu lại thuê resort.

Trong các nhà hàng, các tấm bảng ghi đủ thứ tiếng từ tiếng Anh, Pháp, Nga cho đến Hàn, Nhật mà rất khó kiếm tiếng…Việt và nhiều nhất là tiếng Nga. Giá ăn uống, sinh hoạt vì thế cũng khá cao. Phố Tây có những nhà hàng san sát, trong đó phải kể đến Hoàng Yến Restaurant phục vụ du khách trên 300 món, “nổi tiếng” đến độ vua bếp Martin Yan (Yan Can Cook) cũng phải tìm đến. Ngoài ra, nếu du khách cần xe đạp đi sưởi nắng cũng đã có ngay loại hình xe cho thuê mà không có cảnh thách giá.

“Một điều đặc biệt ở đây là không hề có Tây ba lô, hay Tây đi lừa đảo như một số nơi khác. Khách chủ yếu là đến đây tham quan du lịch hay có công việc nên ghé qua” - ông Thái, một chủ xe ôm nói. Với lợi thế là biển xanh, cát trắng, nắng vàng cùng những trò chơi bên biển cả như nhảy dù lượn, thuê ca-nô trượt nước... phố Tây tạo nên dấu ấn riêng biệt. Nơi đây gần di tích tháp Posanu, Lầu Ông Hoàng gắn liền với chuyện tình Hàn Mặc Tử và thi sĩ Mộng Cầm, trò chơi trượt cát ở đồi cát Mũi Né... Các resort ở Phan Thiết đúng là nơi nghỉ dưỡng hấp dẫn cho du khách khi có đầy đủ hồ bơi, sân chơi tennis, golf…

Mặc dù giá phòng thuê ở đây rất đắt nhưng lúc nào cũng chật kín. Nhiều khách Tây đến đây họ chỉ cần nhu cầu nghỉ dưỡng, vui chơi bên biển xanh, chứ nếu vui chơi giải trí thì nên đến nơi tương tự tại Nha Trang hay Sài Gòn. So với nhiều phố Tây trong cả nước, phố Tây Phan Thiết rộng lớn hơn nhiều, khung cảnh đẹp, nên thơ, trữ tình và im ắng, không một chút ồn ào, bỏ xa cảnh thị thành với những tòa nhà chọc trời. Anh Thomas, một du khách Úc vui vẻ: “Ở đây yên tĩnh, thoáng đãng, thưởng thức hải sản tươi ngon lại có bãi biển tuyệt đẹp nên tôi rất thích”. Khi hỏi về tình hình an ninh, vị du khách là giáo viên cấp 1 đến từ đất nước Kanguru cho biết, đoàn của anh rất an tâm khi đến Hàm Tiến và nhất định anh sẽ quay lại.

Phố Tây lộng gió bên bờ sông Hậu

Khách Tây đến mảnh đất Tây đô thường chọn nơi ở cạnh bến Ninh Kiều bởi tối đến là gió mát lạnh. Nơi đây dù không trải dài nhưng có dáng dấp như bến Bạch Đằng ở Sài Gòn. Tối đến, du khách thoải mái tản bộ, ngồi ăn uống dọc công viên, dưới chân tượng đài Bác Hồ. Ở đây có quán cà phê Hoa Cau rất rộng rãi và thoáng mát, phục vụ cả nước uống và thức ăn nên thu hút rất nhiều khách Tây ba lô.

So với nhiều phố Tây trong cả nước, phố Tây ở Cần Thơ nhỏ nhắn và xinh xắn hơn. Trong tương lai nơi đây sẽ thu hút lượng lớn du khách đến với vùng đất Chín Rồng và gần hơn là nằm trên trục đường du khách đi tham quan Châu Đốc trở về Long Xuyên, Cần Thơ. Việc hình thành những phố Tây ngày càng nhiều trong cả nước là một tín hiệu đáng mừng để phát triển ngành công nghiệp không khói tại các địa phương. Qua đó, quảng bá hình ảnh tươi đẹp và cách làm du lịch đang tiến bộ từng ngày của chúng ta thu hút được nhiều ngoại tệ để phát triển kinh tế - xã hội.

(Theo Duyên dáng VN)