Không chỉ tiếp tay “móc túi” người tiêu dùng bằng việc cung cấp tấm lợp kém chất lượng, thị trường hàng “trôi nổi” này còn gây thất thu cho ngân sách nhà nước lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

“Ma trận” giá tôn

Tiếp tục thâm nhập vào thị trường tấm lợp, giá cả của mặt hàng này liên tục nhảy múa. Cùng một loại tôn, nhưng tùy vào đối tượng mà người bán có thể đẩy giá lên cao hay xuống thấp với biên độ chênh lệch lên đến 20.000 đồng/m2, tức là có thể chênh đến 20% giá bán, vốn là điều không thể.

“Làm gì có loại buôn bán nào siêu lợi nhuận đến thế, anh hỏi giá nào họ cũng chiều, chỉ có làm gian mới làm được”, chủ một đại lý chính hãng bày tỏ.

Tại một cửa hàng trên đường QL62 (đoạn qua TP.Tân An, tỉnh Long An), nữ nhân viên đưa bảng giá rồi giới thiệu toàn những lời “có cánh” và tư vấn cho phóng viên nên lợp loại tôn kẽm màu liên doanh Việt - Nhật có độ dày 5 dem với giá chỉ 81.000 đồng/m...

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua tôn để làm nhà kho với diện tích 7×16m, nữ nhân viên này chỉ sang người bên cạnh: “Tưởng anh mua ít chứ mua nhiều thế thì chờ một chút chị ấy báo giá khác rẻ hơn cho”. Sau một lúc chờ đợi lục tìm bảng giá, chúng tôi được cung cấp một bảng giá giảm ít cũng được 10.000 đồng/m2. Mẫu tôn liên doanh lúc trước báo giá 81.000đồng/m đã được giảm xuống còn 70.000đồng/m. Một mẫu khác có độ dày 4,5dem với giá 72.000đồng/m, được giảm xuống còn 66.000đồng/m, và mẫu tôn có độ dày 3,5dem từ 60.000đồng/m giảm xuống còn 50.000đồng/m.

Khi chúng tôi đề nghị báo giá luôn một số loại tôn thực sự chất lượng là sản phẩm thương hiệu của Việt Nam, người này cho biết lần lượt là 92.000đồng/m cho mẫu dày 5 dem và 84.000đồng/m cho mẫu 4,5 dem, và 70.000 đồng/m cho mẫu 3,5 dem. Nhân viên này cho biết: “Loại tôn liên doanh này tốt không thua kém các loại tôn trong nước, nhưng giá cả rẻ hơn từ 18.000-20.000 đồng/m. Hiện trong nhà máy không có sẵn tôn Việt Nam, nếu khách yêu cầu thì nhà máy sẽ nhập về, phải chờ khoảng 2 ngày sau mới có”.

Thị trường “loạn cào cào” như thế, nhưng đến nay hầu như chưa có một cảnh báo xứng đáng nào từ các nhà chức trách đến người tiêu dùng. Một số thương hiệu tôn lớn như Hoa Sen hay Hiệp hội Thép Việt Nam, vì lợi ích của bản thân doanh nghiệp và các thành viên trong Hiệp hội, đã không ít lần lên tiếng.

Thậm chí đại diện của Tập đoàn Hoa Sen còn cho biết, ở bất cứ đâu nếu có đại lý của Hoa Sen có mặt, nhân viên kỹ thuật của Hoa Sen sẵn sàng kiểm tra chất lượng miễn phí cho người tiêu dùng, dù họ mua tôn của hãng nào. Tuy nhiên, những nỗ lực đơn độc đó chưa đủ để làm lành mạnh lại thị trường vốn quá loạn xạ. Thậm chí, người tiêu dùng vẫn chưa nhận thức được sự thật là mình đang là miếng mồi ngon của gian thương.

{keywords}
Thị trường tôn gian, giả gây thất thu cho ngân sách nhà nước lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm

Ngân sách thất thu

Theo số liệu từ thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam trong năm 2013, sản lượng tiêu thụ tôn mạ nội địa là 1.745.950 tấn. Trong đó, thị phần tôn mạ nhập khẩu chiếm 37%, hàng sản xuất trong nước chiếm 63%. Năm 2014, tổng sản lượng tiêu thụ vẫn tương tự, song hàng nhập khẩu đã vươn lên chiếm 43%.

Đến năm 2015, cán cân thị trường đã bị nghiêng hoàn toàn sang góc độ khác. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2015, thị phần tôn mạ hàng nhập khẩu từ nước ngoài đã chiếm đến 57%, trong khi đó các sản phẩm thương hiệu Việt Nam chỉ chiếm 43% còn lại (giảm 20% so với năm 2013).

Theo ước tính, tổng sản lượng tiêu thụ nội địa ngành tôn, thép trong năm 2015 là 2.597.633 tấn. Với thị phần suy giảm 20% (tương đương 519.527 tấn) thì các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ thiệt hại khoảng 9.351 tỷ đồng. Điều này cũng đồng nghĩa với ngân sách nhà nước sẽ thất thu lên đến con số hàng trăm tỷ đồng từ hành vi gian lận thuế.

Ông Nguyễn Văn Sưa - Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: tôn giá rẻ nhập khẩu được các đầu nậu đóng mác các hãng tôn lớn bán ra thị trường để trục lợi không chỉ khiến gây thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước mà còn ảnh hưởng đến chất lượng các công trình xây dựng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp làm ăn chân chính trong nước cũng lâm vào cảnh lao đao do ảnh hưởng của tôn giả, tôn nhái làm giảm uy tín các thương hiệu chính hãng và gây mất lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm bị làm nhái.

Bị tôn giả lấn lướt ở sân nhà, xuất khẩu thì phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá, các biện pháp tự vệ thương mại, các doanh nghiệp tôn trong nước thực sự đang ở trong thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Anh Kiệt