- Cơ khí chế tạo là xương sống của ngành công nghiệp, là sức mạnh thúc đẩy công nghiệp hóa... Tuy nhiên sự yếu kém và lạc hậu của ngành này khiến cho ước vọng công nghiệp hóa đang gặp nhiều thách thức. Nếu đi đấu thầu quốc tế mà các nước có trình độ cao hơn, lại hỗ trợ cho doanh nghiệp tốt hơn thì chúng ta cầm chắc thua.

Tụt hậu quá xa so với nước bạn

Mỗi khi Bộ Công Thương họp về phát triển ngành cơ khí là các doanh nghiệp lại được dịp bùng nổ nhiều bức xúc, đau đáu, mong mỏi và cả những thất vọng. Hội thảo về chiến lược ngành cơ khí hôm 10/11 cũng vậy. 

Một đại diện của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam Lilama nói:  "Ở ta, vật liệu cơ bản không sản xuất được. Chúng tôi làm tổng thầu EPC nhiều công trình thì hầu hết đều phải nhập khẩu gần như 100% vật liệu".

"Kể cả những máy móc nói là của Việt Nam như thiết bị nâng, cẩu trục Quang Trung, bơm Hải Dương, máy biến áp điện,... thì vật liệu cũng đều là nhập hết. Chính vì thế, phụ thuộc nhập khẩu, giá thành cao quá, nhiều doanh nghiệp trong nước không chen chân nổi trong đấu thầu", vị này giãi bày. 

{keywords}
Cơ khí còn rất yếu kém

Ông cũng so sánh: "Chỉ cần sang Thượng Hải, Trung Quốc, xem họ sản xuất vật liệu đủ cả. Muốn thép hợp kim là có thép hợp kim, muốn thép có độ chống mài mòn cao là có... Họ có viện nghiên cứu vật liệu mới với nhiều chuyên gia. Còn ta, nhân lực khoa học kỹ thuật, chất xám trôi chảy đi đâu hết". 

Ông Nguyễn Tăng Cường, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Xí nghiệp cơ khí Quang Trung, chia sẻ: "Hàng nghìn các chủng loại sản phẩm cơ khí cơ bản đều phải trải qua 7 bước, từ thiết kế, chế tạo khuôn mẫu, tạo phôi, gia công cắt gọt, lắp ráp, thử nghiệm rồi xuất xưởng. Nhưng Việt Nam mới chỉ quan tâm khâu lắp ráp, các khâu còn lại không chú trọng đầu tư thì làm sao có thể thành công?"

Trong khi đó, Việt Nam đã quá thoáng với các nhà thầu nước ngoài. Những sản phẩm quan trọng như dây chuyền đồng bộ, thiết bị an ninh quốc phòng nhập về, lại không có cơ sở duy tu bảo dưỡng trong nước, đến khi hư hỏng phải mang ra nước ngoài sửa, mất ít nhất 1 năm. 

Nguy hại hơn, các công ty nước ngoài này trúng thầu, giao hàng xong là hết trách nhiệm, như vụ hỏng máy biến áp gần đây. 

Đầu tư cơ khí phải có trọng điểm 

Chương trình cơ khí trọng điểm quốc gia ra đời từ năm 2002, đây là cú hích lớn giúp giá trị sản xuất của ngành này tăng gấp 6 lần trong hơn 12 năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn một khoảng cách quá lớn giữa năng lực sản xuất trong nước với nhu cầu phát triển. 

Năm 2014, tính theo giá trị, ngành cơ khí trong nước mới đạt hơn 263 nghìn tỷ đồng, đáp ứng được 31,12% nhu cầu cơ khí toàn quốc, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đáp ứng 40-50% nhu cầu mà Bộ Chính trị đã đặt ra từ năm 2003.

{keywords}
Nhiều sản phẩm mang tính thủ công, đơn điệu và không có khả năng cạnh tranh

Nhập khẩu ngành cơ khí ngày càng gia tăng, từ mức 8,7 tỷ USD năm 2006 lên mức 26,5 tỷ USD năm 2014 và hiện, gấp 2 lần giá trị xuất khẩu ngành này. Nhập siêu ngành cơ khí lên tới 10 tỷ USD, trong đó, nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ sản xuất lại chiếm tỷ lệ cao nhất. 

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, nhiều mục tiêu về sản xuất các loại máy ở 9 nhóm sản phẩm đã không đạt được như chiến lược trước đây đề ra. 

Ví dụ, Việt Nam muốn năm 2010 phải chế tạo được máy kéo 4 bánh công suất 50-80 mã lực thì đến nay, mới chỉ sản xuất được loại cỡ trung công suất 22-26 mã lực. 

Một loạt máy nông nghiệp chuyên ngành chưa đạt như máy canh tác, máy chế biến, thiết bị bảo quản sản phẩm,... trong nước mới đáp ứng 30% nhu cầu. Việt Nam cũng chưa thiết kế, chế tạo được hoàn chỉnh các loại máy có độ phức tạp cao, như máy xúc, máy ủi, máy đào, máy san, chưa làm được các lại máy công trình giao thông như xe lú, máy rải thảm bê tông nhựa, toa xe lửa... 

Cá biệt, riêng với ngành ô tô, tỷ lệ nội địa hoá với mục tiêu 40% vào năm 2005 và 60%  vào năm 2010 với xe thông dụng đã bị phá sản bởi hiện nay, ngành này mới chỉ đạt có 7-10% với xe con và 50% với xe khách và tải nhẹ. 

Hay như với ngành cơ khí tàu thuỷ, Việt Nam cũng không hoàn thành mục tiêu sản xuất thép tấm đóng tàu, lắp ráp động cơ thuỷ đến 6.000 mã lựa. Công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí thì chưa có gì nhiều. 

Ông Nguyễn Tăng Cường cho rằng, đầu tư cho cơ khí phải có trọng điểm và trước mắt nên ưu tiên cho khâu thiết kế, khuôn mẫu rồi thử nghiệm.  

"Xuất phát điểm của ta đã thấp rồi mà lại trong đấu thấu quốc tế, cạnh tranh với các nước hơn ta, có hỗ trợ tốt hơn thì thua là chắc chắn ngay trên sân nhà", ông Quang nhấn mạnh. 

Đại diện Bộ Công Thương, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, cho hay: "Một số ngành đã được xác định có đủ dung lượng thị trường để phát triển thời gian tới như thiết bị điện, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí nông nghiệp... Thủ tướng đã giao thực hiện thí điểm chế tạo nhà máy điện như ở Quảng Trị... nếu thành công thì năng lực doanh nghiệp cơ khí trong nước sẽ nâng lên một bước. Đó có thể là bước khởi đầu để tham gia thị trường rộng hơn". 

Phạm Huyền