Những món hàng này có giá trị cao về thẩm mỹ, mang lại lợi ích thiết thực cho người sử dụng về sức khỏe.


Đầu tư nghìn đô, rước cá tài lộc vào nhà

Có giá tiền tính bằng cả nghìn đô-la, loài cá này hiện đứng “đầu bảng” trong số các loại cá cảnh về sự đắt tiền và công phu của người chơi.

Không phải ngẫu nhiên mà cá rồng - loài cá được coi là “đế vương” trong các loài cá cảnh - lại được các “đại gia” săn đón, kỳ công lựa chọn và đặt mua để trưng bày trong nhà như một thú vui phong thuỷ.

Theo một "đại gia" sở hữu hàng trăm con cá rồng, đây là loài cá đứng đầu trong danh sách các loài cá nước ngọt của Sách đỏ Việt Nam. Cá rồng là loài cá nguyên thủy có từ khoảng hơn 200 triệu năm trước, thu hút người chơi bởi có bộ vảy lớn, óng ánh màu sắc như vảy vàng, môi dưới của các có hai râu dài hệt như râu rồng.

Những người chơi cá quan niệm rằng, cá rồng là biểu tượng của sự quyền quý, may mắn và thịnh vượng. Có một bể cá rồng trong nhà là có sức mạnh trấn tà ma xui rủi, đón tài lộc, phúc đức vào nhà…
Loài cá rồng huyền thoại

Về phong thuỷ, còn có nhiều quan niệm khác nhau về tác dụng trấn trạch của loài cá này, nhưng theo cách nghĩ truyền thống của người phương Đông, cá rồng với thân hình dài, dáng bơi khoan thai, điềm đạm là biểu hiện cho phong thái quân tử và sự uy nghi của rồng. Vì vậy, người ta thường có thói quen nuôi cá rồng để cầu sự may mắn và thịnh vượng.

Cá rồng màu đỏ được quan niệm để tránh xui xẻo, mang lại may mắn. Còn cá rồng vàng, trắng thì được cho là sẽ đem lại tài lộc và sự thăng tiến trong sự nghiệp.

Cá rồng có nhiều loại nhưng tựu chung lại có thể chia thành hai dòng chính là quá bối (toàn thân màu vàng) và huyết long (toàn thân màu đỏ). Theo phong thuỷ, gia chủ có mệnh gì, đứng hàng can nào sẽ chơi loại cá rồng màu đó. Điều kiêng kị nhất trong chơi cá rồng đó là tuyệt đối không được đặt bể cá dưới các tượng thần, bàn thờ, phòng ngủ…

Cũng theo "đại gia" trên, từ quan niệm về loài cá tài lộc này mà hiện nay, người ta phân loại và đặt tên cá rồng như... vàng: Quá bối 24k 9999, quá bối 24k…

Để đầu tư một bể cá rồng, gia chủ phải bỏ ra khoảng 30-40 triệu đồng, trong đó có gần nửa đầu tư vào bể nuôi. Cá rồng sống trong môi trường nhiệt độ ở mức 28-30 độ C, ăn các loại: chuột bao tử, gián, thạch sùng, tôm, thịt bò, đặc biệt thích ăn rết... Muốn cá có màu sắc đẹp tự nhiên, người chơi phải sử dụng một loại đèn trắng, chiếu sáng bể cá cả ngày lẫn đêm để kích thích cá "lên màu".

Thú chơi đồ gỗ phong thủy tài lộc lên ngôi

Chơi đồ gỗ phong thủy là một thú vui tao nhã của người Việt xưa nay và nay, khi cuộc sống càng hiện đại, sở thích này nở rộ hơn bao giờ hết.

Phong thủy trong đồ gỗ được thể hiện ở nhiều khía cạnh, từ việc sắp xếp các đồ gỗ nội thất trong nhà hoặc nơi làm việc tới việc chạm khắc, thiết kế ra những sản phẩm đồ gỗ trưng bày như: tượng tam đa, thần tài, cá chép hóa rồng…

Anh Tỉnh bên kiệt tác "Cá chép hóa rồng" của mình

Theo nghệ nhân đồ gỗ phong thủy Đặng Đức Tỉnh (xóm 7, làng Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định), có nhiều đồ gỗ phong thủy quý giá và độc đáo như: tượng gỗ cá chép hóa rồng được làm từ gỗ Lu nguyên khối 1.000 năm tuổi chuyển từ Lào về, tượng gỗ đầu rồng, chiếc lộc bình bằng gỗ Trắc nguyên khối thể hiện hình 12 con giáp... Theo anh Tỉnh, trưng bày tượng gỗ cá chép hóa rồng trong phòng khách mang ý nghĩa thăng tiến vượt bậc trong công danh của gia chủ và sự học hành đỗ đạt của con cái.

Theo một doanh nhân cực mê gỗ phong thủy, cách bố trí, sắp xếp nội thất ở nơi làm việc cũng tạo môi trường năng lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng như tài vận và hiệu quả công việc của người chủ. Nếu chủ nhân là một sếp khó tính, nên sử dụng bàn làm việc bằng gỗ có màu kem nhạt hay nâu. Về chất liệu bàn làm việc, thông thường người ta thích chọn loại gỗ tốt (gỗ thích, gỗ sồi, gỗ tếch, gỗ thông..), vì bề mặt sáng loáng, bóng mượt tạo hiểu quả dương về mặt tinh thần, duy trì năng lượng và giảm stress.

Các chuyên gia phong thủy cũng cho rằng, việc chọn và sắp xếp các đồ gỗ nội thất trong nhà hợp phong thủy sẽ tác động tích cực đến hạnh phúc vợ chồng cũng như sức khỏe và sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình...

Tuy nhiên, để bảo quản đồ gỗ phong thủy tốt, không bị mối mọt, ẩm mốc, người chơi có thể dùng máy hút ẩm, dán tấm phim mỏng lên cửa kính để ngăn tia cực tím vào trong nhà, đồng thời đặt đồ gỗ ở nơi thích hợp nhất. Thường xuyên làm sạch bụi trên đồ gỗ nội thất bằng khăn mềm và chổi bằng lông vũ. Nếu có những vết bẩn bám trên bề mặt đồ gỗ thì bạn có thể lau chùi bằng bọt biển. Cứ nửa năm, người chơi cần bảo dưỡng định kỳ cho đồ gỗ bằng chất đánh bóng chuyên dụng.

Rước tài lộc vào nhà với Tỳ Hưu phong thủy

Tỳ hưu là loại mãnh thú mang tính huyền thoại, tương truyền con đực được gọi là tỳ, con cái gọi là hưu, nhưng hiện nay cả con đực và con cái đều được gọi chung bằng cái tên tỳ hưu.

Thời xưa, tỳ hưu được chia làm hai loại: một sừng và hai sừng, trong đó loại một sừng được gọi là “thiên lộc”, có tác dụng chiêu tài rước lộc, loại hai sừng gọi là “tịch tà”, có tác dụng xua đuổi tà khí. Về sau, không còn phân biệt một sừng hay hai sừng nữa, tỳ hưu chủ yếu được chế tác với hình dạng một sừng. Hiện người dân vẫn gọi loại thú này là tỳ hưu hoặc tịch tà, cái tên thiên lộc hầu như đã bị lãng quên.


Về mặt tạo hình, tỳ hưu có rất nhiều chủng loại, trong đó phổ biến nhất là loại được tạo hình với đầu một sừng, thân phủ lông bờm dài và xoăn, có thể còn được thêm đôi cánh, đuôi có lông xoăn. Tỳ hưu được chế tác từ rất nhiều vật liệu như ngọc, đá, gỗ, sành sứ, đồng...

Tỳ Hưu có tác dụng chiêu tài, phát lộc, bảo trợ sức khỏe và may mắn trong công danh. Tỳ Hưu còn được dùng để trấn trạch trong nhà, xua đi tà khí, bảo vệ sự bình yên cho gia đình. Vì thế người ta thường đặt tỳ hưu trước cửa nhà như vị thần bảo hộ cho cả gia đình.

Nếu mong muốn may mắn, trừ tà ma, chống lại tiểu nhân và sự kém may mắn, có thể đặt tỳ hưu trên bàn làm việc hoặc khu vực quan trọng phong phòng khách nhà bạn. Đối với người thường xuyên phải đi lại thì có thể đặt tỳ hưu trước mặt để ngăn ngừa chấn thương, tai nạn và để bảo đảm thành công, an toàn.

Trong nhà hàng hoặc khách sạn có thể đặt tỳ hưu tại sảnh chính hoặc tại bàn thu ngân để hút tài lộc.

Những món hàng phong thủy tài lộc gây sốt khác:

Vận tài đồng tử


Vận tài đồng tử (tượng đứa trẻ mang lại tài lộc) được xem là tiểu thần của quan Công (tức thần Tài). Đây cũng là một vật phẩm mang lại nhiều may mắn cho gia chủ. Đặc biệt đối với những gia đình kinh doanh không được may mắn, nếu đặt Vận tài đồng tử trong nhà sẽ giúp vận chuyển sự may mắn, tài lộc, sự sung túc đến cho gia đình. Vận tài đồng tử còn có ý nghĩa cho lời chúc vừa có con trai nối dõi vừa được hưởng lộc phát tài.

Pha lê, thạch anh

Hang thạch anh tím - một loại đá quý
Trụ thạch anh trắng - một biểu tượng tốt đẹp

Pha lê mang vận khí dương, hành Thổ được xem là vật trang trí không thể thiếu cho những người kinh doanh, mưu cầu danh tài, học hành thi cử.

Thạch anh không chỉ được xem như một biểu tượng tốt đẹp, mang đến tiền tài và may mắn mà nó còn mang đến sức khỏe cho gia chủ.

Rồng

Tượng rồng bằng đồng

Nếu trong nhà có trang trí tượng hình rồng sẽ mang đến nguồn sinh khí mạnh mẽ đến với gia đình. Rồng là con vật linh thiêng, đại diện cho sức mạnh và quyền uy của vũ trụ. Vì thế, nếu đặt tượng rồng hướng ra cửa chính hoặc cửa sổ sẽ mang lại nhiều tài lộc cho gia đình, giúp công việc thuận buồm xuôi gió.

Sư tử đồng

Sư tử bằng đồng

Sư tử cũng là một trong những linh vật trong phong thủy. Đặt tượng sư tử trong nhà có thể phù trợ sức khỏe, tài lộc cho gia chủ. Với tượng sư tử bằng đồng có thể giúp gia đình xua đuổi tà ma và những điều không hay. Đặc biệt, đối với những người mệnh Thủy, đặt sư tử đồng sẽ tăng thêm vượng tài bởi Kim sinh Thủy. Lưu ý, cần đặt tượng sư tử đồng hướng ra ngoài, không nên đặt tượng quay vào nhà.

Cóc vàng

Cóc vàng, cóc đồng hay còn gọi là Thiềm Thừ

Theo dân gian, cóc luôn là sinh vật mang lại điềm tốt lành. Màu vàng là màu thuộc hành Hỏa, là màu sắc mang lại sinh khí và sự an lành cho gia đình. Vì vậy, cóc vàng được xem là vật mang lại tiền của cho gia đình. Cóc vàng hay còn gọi là cóc ba chân, và đặt tượng cóc vàng trong nhà cũng có 3 tác dụng: chiêu tài (mời gọi tiền tài ), tịch tà (tránh tà), hộ gia (bảo vệ cho gia chủ).

(Theo Kiến thức)